Tuy nhiên, đề án kiện toàn nhân sự của Ban Nội chính hiện vẫn đang chờ phê duyệt. Dự kiến sẽ chuyển giao tổ chức, bộ máy, con người thuộc Vụ Nội chính, Vụ Pháp luật (Văn phòng TƯ Đảng) và Văn phòng Ban Chỉ đạo TƯ về phòng chống tham nhũng (hiện tại) về Ban Nội chính TƯ.
Ông Nguyễn Bá Thanh (trái) làm Trưởng Ban Nội chính TƯ. Ảnh: Lê Anh Dũng |
"Về nguyên tắc, khi luật có hiệu lực vào đầu tháng 2 tới thì Ban chỉ đạo TƯ về phòng chống tham nhũng sẽ chính thức đi vào hoạt động. Nhưng cơ quan thường trực, tham mưu là Ban Nội chính chúng tôi sẽ phải chờ đến khi nào đề án được Ban Bí thư phê duyệt thì mới hoạt động được", ông Tuấn nói.
Tại phiên họp, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu nhắc nhở, trong khi các cơ quan như Ban Nội chính TƯ và Cục chống tham nhũng (thuộc Thanh tra Chính phủ) đang kiện toàn bộ máy nhân sự thì việc triển khai luật Phòng chống tham nhũng vẫn cần được làm khẩn trương, đừng để quá muộn, đặc biệt là việc ban hành các nghị định hướng dẫn.
Đầu tháng 1 vừa qua, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh đã ký quyết định 159 về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Ban Nội chính TƯ. Theo đó, Ban là cơ quan tham mưu của Ban chấp hành TƯ mà trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư về chủ trương và các chính sách lớn thuộc lĩnh vực nội chính và phòng, chống tham nhũng. Cơ quan này cũng được giao 6 nhóm nhiệm vụ.
Trước đó, Bộ Chính trị cũng ban hành quyết định về việc phân công ông Nguyễn Bá Thanh, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng, giữ chức Trưởng Ban Nội chính TƯ.