Tại Hội nghị bàn về các nội dung của Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt tổ chức tại Bộ GTVT chiều ngày 11/3, ông Đinh Mạnh Toàn - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về Trật tự xã hội (Bộ Công an). Đã nói “Báo chí nên hướng dư luận đúng vào các kết luận của các cơ quan chức năng.
Báo chí cũng nên hướng dư luận vào đúng với các kết luận của những người chủ trì các cuộc họp của các cơ quan chức năng. Gần đây tôi lên mạng xem, báo chí vẫn hướng dư luận vào cái khác, đó là chúng ta nêu lên thế nào là mũ giả, mũ rởm. Các phóng viên đó có lẽ là thế nào đó, thiểu năng gì đó, kém gì đó, không hiểu thế nào là mũ giả, mũ rởm, mà cứ phải đưa ra bằng lời lẽ, bằng giải thích từ ngữ …”.
Đây là câu chuyện có thật. Thật 100%! Cái sự thật khiến nhiều người thấy sửng sốt ấy, thật không may lại phát ra từ chính một quan chức của một cơ quan hành pháp. Cái sự không may ấy không phải vì cá nhân ông Toàn. Mà vì ông Toàn là một cán bộ thuộc ngành công an. Những phát ngôn quá đà như vậy không làm cho người dân “sướng”, mà ngược lại nó chẳng hơn gì một đoạn “tấu hài”.
Vậy là ông Đinh Mạnh Toàn đã gia nhập danh sách những quan chức có phát ngôn “gây sốc” tại Việt Nam. Đó là chuyện chẳng hay hớm gì. Một chuyện buồn! Rất buồn là đằng khác. Và có lẽ, cho đến giờ phút này, sau khi một số báo đăng tải phát ngôn “gây sốc” của ông Toàn, thì nhiều người vẫn còn hoài nghi: Liệu đó có phải sự thật?
Mỗi chiến sĩ công an nhân dân luôn phải ghi nhớ 6 điều Bác dạy. |
Bàn về cái sự lạ đời này, Nhà thơ Trần Đăng Khoa nói một cách chua chát: “Một lãnh đạo ở cấp to mà phát ngôn như thế thì không ổn. Sao lại nói như thế? Nhiều vấn đề được phát hiện và điều chỉnh lại là nhờ báo chí đấy chứ. Ở thời nào thì sự phản biện của báo chí đối với các chính sách cũng là rất cần thiết, suy cho cùng các chính sách ấy là để phục vụ nhân dân cơ mà. Ngay cả Thủ tướng Chính phủ cũng đánh giá cao ý kiến, sự vào cuộc của báo chí. Vậy thì làm sao lại nói phóng viên bị thiểu năng?”.
Còn GS Nguyễn Minh Thuyết thì bình luận: “Ở nước ngoài, quan chức lỡ miệng thường tự xử bằng cách xin lỗi dân và từ chức ngay. Những công bộc lỡ miệng mắng dân ở nước ta cũng nên tham khảo cách làm này”.
Cũng có người lý giải một cách cay đắng rằng, ở ta nên coi đó là chuyện bình thường vì những điều bi hài trong văn hóa ứng xử, phát ngôn của những người có chức quyền còn nhiều lắm. Thì đã có vô khối các quan chức “diễn hài” trong phát ngôn rồi đấy thôi, nào là Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) về phản ứng của người dân đối với quy định thu phí rút tiền ATM nội mạng rằng “người dân được cái lợi là sẽ tỉnh ngộ ra rằng việc này phải mất phí.
Ở nền văn minh lúa nước, chúng ta hưởng gió biển, khí trời quen rồi, bây giờ mất phí thì phải học quy trình thao tác cho tốt để đỡ trục trặc khi giao dịch trên máy ATM. Cũng phải cân nhắc rút tiền lúc nào phù hợp”, cho tới quy kết của Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình: “Điều tôi hài lòng là các mục tiêu kinh tế vĩ mô về lạm phát, thanh khoản, lãi suất và thị trường vàng đã thành công. Tuy nhiên, điều tôi trăn trở là trong 100% khó khăn của ngành NH thì báo chí gây ra đến 40%-50%. Sự ủng hộ, đồng thuận của báo chí chưa cao, chạy theo vụ việc đơn lẻ, thổi lên quá đà, tạo dư luận chung trong xã hội không tốt...”.
Khi vụ việc này xảy ra, chắn hẳn người dân lại rất nhớ những phát biểu đanh thép của nguyên Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ tại cuộc họp điều hành giá xăng dầu khi ông nói chúng tôi điều hành vì hơn 80 triệu dân chứ không phải vì các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu; hay phát ngôn của Bộ trưởng Đinh La Thăng, cấm cán bộ dưới quyền chơi gofl (kể cả ngày nghỉ) để tập trung vào công việc. Có lẽ, nhân dân đang mong chờ sẽ có nhiều hơn nữa những phát ngôn đanh thép như vậy. Tất cả vì lợi ích của nhân dân.
Trở lại với phát ngôn của vị Cục phó Đinh Mạnh Toàn, có lẽ nhiều người sẽ cảm thấy thất vọng khi ông này phát ngôn ở vai của Cục phó đương nhiệm thuộc Bộ Công An. Là một chiến sĩ cảnh sát nhân dân. Ngay khi giành được chính quyền tháng 8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã luôn quan tâm đến việc thành lập, rèn luyện, kiện toàn lực lượng để Công an nhân dân trở thành công cụ chuyên chính sắc bén bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền và bảo vệ nhân dân. Người viết: “Đối với tự mình phải cần, kiệm, liêm, chính/ Đối với đồng sự phải thân ái, giúp đỡ/ Đối với chính phủ phải tuyệt đối trung thành/ Đối với nhân dân phải kính trọng, lễ phép/ Đối với công việc phải tận tụy/ Đối với địch phải cương quyết, khôn khéo".
Bác căn dặn người chiến sĩ Công an cách mạng phải nghiêm khắc với tự mình, rèn luyện được những phẩm chất cao quý của con người mà trí tuệ nhân loại đã đúc kết. Muốn được dân tin, dân yêu, dân giúp đỡ thì trước hết phải kính trọng, lễ phép với nhân dân. Là một Cục phó của ngành, lẽ nào ông Toàn lại quên điều này?
Hơn nữa, “thiểu năng” là cách nói rất nặng nề, nó dùng để chỉ một ai đó không những kém hiểu biết mà còn kém tiếp thu (nó cũng gần nghĩa với ngu dốt, đần độn). Người xưa dạy rằng “Lời nói chẳng mất tiền mua/Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Người xưa cũng căn dặn “Một lời nói, một đọi máu”.
Không hiểu, nếu người ta nói ông bị “thiểu năng” thì ông nghĩ gì, thưa vị Phó Cục trưởng?