"Bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh 32 ngân hàng quá cẩu thả"

12/09/2012 10:15
Hà Nhi
(GDVN) - Quá cẩu thả, vớ vẩn, không trung thực và thiếu tôn trọng độc giả - đó là những “phản pháo” của không ít ngân hàng khi nói về bảng xếp hạng “chỉ số tín nhiệm” của 32 ngân hàng Việt Nam mới được công bố vừa qua.

Ngân hàng hạng C,D: Bảng xếp hạng thật vớ vẩn!
Sau thư ngỏ của đơn vị xếp hạng năng lực cạnh tranh của 32 ngân hàng Việt Nam về thiếu sót của mình, dư luận và những lời “phản pháo” của những người trong cuộc vẫn chưa dừng lại. Theo bảng xếp hạng này, các ngân hàng như SHB, Habubank (đã sáp nhập vào SHB), Nam Việt (Navibank), Đại Dương (OceanBank), Kiên Long (Kienlong Bank), Phát Triển Nhà ĐBSCL (MHB), Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Bảo Việt (Baoviet Bank) thuộc nhóm C. Nhóm này được đánh giá là có năng lực cạnh tranh trung bình. Khi phóng viên Giáo dục Việt Nam liên hệ với đại diện một ngân hàng thuộc nhóm C này, một người trong ban lãnh đạo ngân hàng đã không giấu nổi sự bức xúc. Chưa kịp hỏi dứt câu, mới chỉ nghe tới từ “bảng xếp hạng”, vị này đã xua tay: Ôi, cái bảng xếp hạng “vớ vẩn ấy mà”.

Lãnh đạo VPBank cũng chính thức lên tiếng, nêu lên quan điểm của mình về sự cẩu thả và quá nhiều sai sót trong báo cáo của Công ty Cổ phần Xếp hạng Tín nhiệm Doanh nghiệp Việt Nam (CRV). Theo lãnh đạo VPBank, thông tin của báo cáo thuờng niên Chỉ số tín nhiệm Việt Nam có nhiều thông tin sai lệch. Ví dụ như thông tin về ông Nguyễn Đỗ Quốc Thọ vẫn để ở vị trí Vụ Chiến lược, trong khi, thực tế ông Thọ đã được bổ nhiệm làm Vụ trưởng Vụ Dự báo thống kê. Hơn nữa, VPBank được Ngân hàng Nhà nước xếp hạng là một trong nhóm G12 (12 nhà băng lớn nhất Việt Nam) và cũng được xếp nhóm các ngân hàng được cấp hạng mức tín dụng cao nhất. Ở VPBank, tăng trưởng tín dụng, huy động vẫn tăng, khách hàng vẫn đến gửi bình thường. Đó là bằng chứng tốt nhất để chứng minh thông tin trên là hoàn toàn sai lệch. “Một cách làm tùy tiện, cẩu thả, thậm chí có bên tăng vốn từ lâu rồi mà CRV vẫn dùng vốn điều lệ cũ của người ta. Đơn vị xếp hạng này đã không tôn trọng độc giả, không biết ý thức chính trị đối với sự phát triển bền vững của đất nước như thế nào. Trong khi trong thời điểm nhạy cảm như hiện nay, đưa thông tin đó ra, có thể gây hoang mang trong dư luận” – lãnh đạo VPBank cho biết.Các cơ quan chức năng nên vào cuộc Trên thế giới, khi một tổ chức đứng ra xếp hạng các tổ chức tài chính, họ phải đăng ký với cơ quan có thẩm quyền. Thêm vào đó, các tiêu chí căn cứ xếp hạng phải đưa ra công khai và có tham khảo ý kiến của cơ quan chức năng cũng như các tổ chức được đánh giá. Trong khi đó, việc xếp hạng năng lực cạnh tranh với CRV Index 2012, theo ý kiến của không ít người, họ đã không quan tâm gì tới 2 yếu tố nói trên. Một vị lãnh đạo từng có kinh nghiệm nhiều năm làm việc với các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế như Standard & Poor's, Moody’s và Fitch đã chia sẻ với báo chí cho rằng: theo thông lệ của thế giới, sau khi đánh giá, xếp hạng, các hãng thường tham khảo ý kiến phản hồi. Trong trường hợp tổ chức được đánh giá không đồng ý với kết quả, hãng xếp hạng tín nhiệm cũng ghi rõ điều đó trong báo cáo.
Nhóm ngân hàng được xếp loại A hầu hết là các ngân hàng lớn (Ảnh: Dân trí)
Nhóm ngân hàng được xếp loại A hầu hết là các ngân hàng lớn (Ảnh: Dân trí)
Không ít ngân hàng đã lên tiếng không đồng tình với báo cáo này. Bởi lẽ, bảng xếp hạng của CRV thiếu sót đáng kể ở ngay cơ cấu các ngân hàng có mặt. Cụ thể, chỉ có 32 ngân hàng được xếp hạng, thiếu vắng rất nhiều nhà băng như SCB, TienPhong Bank, LienVietPostBank, TrustBank, G.P Bank… Thậm chí, không hiểu vì lý do gì, CRV bỏ qua cả một “ông lớn” là Agribank. Thêm vào đó, các lãnh đạo ngân hàng cũng nhận thấy: Nếu so sánh bảng xếp hạng lần này với bảng
Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết, những ý kiến của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!
xếp hạng tín dụng của Trung tâm Thông tin tín dụng (CIC) của Ngân hàng Nhà nước hồi đầu năm thì quá khác biệt. Ngoài ra, uy tín của bản thân doanh nghiệp đứng ra xếp hạng là CRV đến nay vẫn là một còn đang là vấn đề đáng bàn cãi. “Tôi nghĩ, các cơ quan chức năng nên lên tiếng về vụ việc này. Không phải đơn vị nào cũng tùy tiện đưa ra báo cáo được. Một người làm báo cáo tốt trước hết phải có cái tâm. Tại thời điểm này, cứ cho thông tin đó là đúng nhưng đưa ra vào thời điểm cả nước đang chìm trong khó khăn này có lợi gì cho đất nước không? Chưa kể thông tin đưa ra còn sai lệch” – Một lãnh đạo ngân hàng thuộc hạng C nhấn mạnh. Theo vị này, nếu chỉ số đưa ra không trung thực có thể làm nhiễu loạn thông tin, ảnh hưởng tới tâm lý của khách hàng cũng như quyền lợi của những doanh nghiệp được đánh giá. Thậm chí, không ít ngân hàng đã hoài nghi: Phải chăng, phía sau bảng xếp hạng này có sự “điều khiển”, “giật dây” của một nhóm lợi ích nào đó, đơn vị xếp hạng nhận tiền của doanh nghiệp để gây hoang mang trong xã hội? “Tôi tin là người tiêu dùng thông minh để không chạy theo những tin vớ vẩn, đưa ra một cách vội vàng như thế. Ngoài ra, tôi nghĩ, thông tin đưa đúng hay không đúng cần có cơ quan chức năng vào cuộc, để xem vì sao đơn vị này lại đưa ra một thông tin cẩu thả, thiếu tôn trọng độc giả như vậy!” – lãnh đạo của một trong 12 ngân hàng đứng đầu Việt Nam bày tỏ.
Hà Nhi