Chiến đấu cơ Su-35, hình minh họa: Thời báo Hoàn Cầu. |
Nhân Dân nhật báo, Thời báo Hoàn Cầu, hai cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 22/2 đưa tin, giới chuyên gia nước này tin rằng hoàn toàn có khả năng Bắc Kinh sẽ phái chiến đấu cơ Su-35 mua của Nga ra "tuần tra" Biển Đông.
Do đó, Trung Quốc cần tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng hậu cần trang bị để phối hợp, Nhân Dân nhật báo viết. Phải chăng Nhân Dân nhật báo và Thời báo Hoàn Cầu đang chuẩn bị dư luận cho một bước leo thang mới của Trung Quốc trên Biển Đông?
Đây thực sự là một động thái đáng lưu ý, cái cớ Bắc Kinh đưa ra hòng hợp thức hóa việc quân sự hóa Biển Đông. Đặc biệt là trong bối cảnh sân bay quân sự xây dựng trái phép ở Chữ Thập, Vành Khăn, Xu Bi (Trường Sa, Khánh Hòa, Việt Nam) đang hoàn thiện và Bắc Kinh đã kéo tên lửa HQ-9 ra Hoàng Sa (Đà Nẵng, Việt Nam) - PV.
Ngày 20/2 hãng thông tấn Nga TASS cho biết, cuối năm nay Nga sẽ giao lô hàng Su-35 đầu tiên cho Trung Quốc, bao gồm 4 chiếc. Nhân Dân nhật báo cho hay, theo đánh giá của truyền thông quốc tế, một khi Su-35 được bố trí ở Biển Đông sẽ nhanh chóng làm thay đổi cục diện khu vực.
Tháng 11 năm ngoái, Trung Quốc ký hợp đồng mua của Nga 24 chiếc Su-35 với tổng giá trị trên 2 tỉ USD. Ngoài 4 chiếc đầu tiên giao hàng cuối năm nay, 20 chiếc còn lại sẽ được giao trong vòng 2 năm tới.
Chuyên gia Trung Quốc tin rằng, về mặt lý thuyết, Trung Quốc "có thể" tuần tra trên bầu trời Biển Đông. Nếu Bắc Kinh điều động Su-35 tuần tra trên Biển Đông, theo giới học giả nước này, sẽ có 3 ưu thế lớn.
Thứ nhất, hành trình bay của loại chiến đấu cơ này khá dài. Sau khi cải tiến, sức chứa của bình nhiên liệu Su-35 sẽ tăng từ 9,4 tấn như Su-27 lên 11,5 tấn, nhờ đó hành trình bay của Su-35 tăng 20%.
Ưu thế thứ hai theo giới nghiên cứu Trung Quốc, đó là tính năng các thiết bị cảm biến trên Su-35 được nâng cao hơn hẳn, bao gồm ra đa Léopard E với bán kính quan trắc phát hiện mục tiêu lên đến 400 km, rất có lợi cho Trung Quốc phát hiện mục tiêu trong không chiến trước đối phương, đồng thời cũng có ưu thế lớn khi độc lập tác chiến.
Thứ ba, với việc sử dụng động cơ 117S, sức chiến đấu của Su-35 được nâng cao đáng kể. Giới chuyên gia quân sự Trung Quốc tin rằng, việc sở hữu Su-35 sẽ giúp quân đội Trung Quốc như "hổ mọc thêm cánh"
Mỹ sẽ làm gì để ngăn Trung Quốc bành trướng Biển Đông?
The Straits Times ngày 23/2 đưa tin, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã than phiền Trung Quốc vẫn lấy vũ lực làm công lý ở Biển Đông.
Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ - ASEAN ở Sunnylands, ảnh: The Straits Times. |
"Có những khu vực đang rất căng thẳng, Biển Đông là một ví dụ về nơi mà chúng tôi thấy, Trung Quốc đang dùng chiêu bài cũ, lấy sức mạnh làm công lý, trái ngược với các chuẩn mực quốc tế, giải quyết tranh chấp thông qua luật pháp và chế tài quốc tế đã thiết lập", ông Obama nói.
"Khi còn ở Vườn Hồng, Chủ tịch Tập Cận Bình sau khi gặp tôi đã khẳng định, Trung Quốc không muốn quân sự hóa một số khu vực tranh chấp trên Biển Đông. Và vì vậy chúng tôi sẽ tiếp tục kiểm tra xem Trung Quốc thành thực đến đâu trong những nỗ lực này", The Straits Times dẫn lời ông Obama cho hay.
Ông chủ Nhà Trắng cũng bác bỏ quan điểm cho rằng Mỹ sẽ tiến hành một cuộc chiến tranh với Trung Quốc, mặc dù Mỹ đã thách thức các yêu sách quá đáng của Trung Quốc ở những vùng biển (Bắc Kinh nhảy vào) tranh chấp trong những tháng gần đây bằng các hoạt động tuần tra tự do hàng không, hàng hải gần các thực thể Trung Quốc chiếm đóng (bất hợp pháp).
Có lẽ ông Obama sẽ không phải đợi lâu. Sau vụ Trung Quốc triển khai hệ thống tên lửa đất đối không HQ-9 bất hợp pháp ở đảo Phú Lâm, Hoàng Sa, Đà Nẵng, Việt Nam mà Mỹ cũng đang phẫn nộ, theo bài báo trên Nhân Dân nhật báo, Thời báo Hoàn Cầu ngày 22/2 thì có lẽ không lâu nữa, Su-35 Trung Quốc sẽ hiện diện bất hợp pháp ở Trường Sa.
Ít nhất 7 thực thể là những bãi cạn lúc nổi, lúc chìm ở Trường Sa mà Trung Quốc cất quân xâm lược, chiếm đóng trái phép của Việt Nam từ năm 1988, 1995 đến nay sẽ trở thành những pháo đài quân sự kiên cố với tên lửa, máy bay, tàu ngầm, tàu chiến hiện đại. Đến khi đó cũng vừa tới lúc ông Obama rời Nhà Trắng.
Tuy nhiên người viết vẫn hy vọng và tin vào công lý quốc tế cũng như lợi ích của Hoa Kỳ và cộng đồng quốc tế tại Biển Đông sẽ giúp duy trì hòa bình, ổn định, luật pháp quốc tế và ngăn chặn các hành vi bành trướng.
Mỹ đã tuyên bố rõ không muốn dùng vũ lực với Trung Quốc ở Biển Đông. Có lẽ Washington sẽ chỉ phản ứng đáp trả bằng vũ lực trong trường hợp Bắc Kinh liều lĩnh tấn công thẳng vào thể diện, uy tín của Mỹ bằng một cuộc trạm chán đối đầu như một số học giả diều hâu Trung Quốc khuyến cáo.
Nhưng Hoa Kỳ và bản thân ngài Tổng thống Obama đã mở ra một hướng đấu tranh mới, sử dụng vũ khí mới - công lý và công luận. Hoa Kỳ sẽ có biện pháp để buộc Trung Quốc phải trả giá nếu bất tuân phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực PCA ở The Hague, Hà Lan xung quanh vụ Philippines khởi kiện Trung Quốc áp dụng, giải thích sai Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 ở Biển Đông.
Người viết tin rằng, khu vực Đông Nam Á, những đồng minh và đối tác của Hoa Kỳ, nhất là các bên liên quan ở Biển Đông đặc biệt trông chờ, mong mỏi các hành động của Mỹ để đảm bảo luật pháp quốc tế được tôn trọng và thực thi, hòa bình ổn định được giữ vững, bành trướng và vũ lực bị đẩy lùi.
Còn với những gì đã và đang diễn ra trên thực địa, cũng không khó để hình dung những bước leo thang quân sự tiếp theo của Trung Quốc trên Biển Đông, bởi mềm nắn rắn buông, khi Hoa Kỳ xác định không muốn đối đầu ở Biển Đông, Bắc Kinh sẽ còn được đà lấn tới.