Tờ Business Insider ngày 9/2 đưa tin, Síp đã đề nghị Nga thiết lập căn cứ không quân và hải quân trên lãnh thổ của mình.
Thỏa thuận thiết lập căn cứ quân sự giữa Nga và Síp dự kiến sẽ được ký kết vào cuối tháng này. |
Trước đó tờ Lenta của Nga cho biết, Tổng thống Síp Nicos Anastasiades đã thông báo rằng đất nước ông đã sẵn sàng cho Nga thiết lập căn cứ không quân và hải quân. Thỏa thuận về hợp tác quân sự giữa hai bên dự kiến sẽ chính thức được ký kết vào ngày 25/2/2015.
Tuyên bố trên của Tổng thống Síp xuất hiện không lâu sau khi Nga bày tỏ quan tâm tới việc muốn thiết lập một căn cứ quân sự tại Síp. "Chúng tôi muốn tránh suy giảm hơn nữa quan hệ giữa Nga và Liên minh châu Âu", Tổng thống Síp cho biết.
Điều đáng chú ý theo Business Insider, Síp là một trong 28 thành viên của EU, liên minh đã áp đặt một loạt các biện pháp trừng phạt chống lại Nga trong năm 2014 để phản ứng với hành động của Moscow trong cuộc khủng hoảng Ukraine. Động thái trên của Cộng hòa Síp có thể là một mối đe dọa đối với các nước phương Tây.
Theo tờ Lenta, nếu thỏa thuận thiết lập căn cứ trên giữa Nga và Síp thành hiện thực, Không quân Nga có thể sẽ được sử dụng căn cứ không quân Andreas Papandreou cùng sân bay quốc tế Paphos ở phía Tây Nam của hòn đảo, cách khoảng 50 km từ căn cứ của Không quân Hoàng gia Anh Akrotiri. Ngoài ra, Hải quân Nga có thể sẽ được quyền vĩnh viễn sử dụng căn cứ ở Limassol.
Vị trí căn cứ không quân Andreas Papandreou và Limassol. |
"Cảng Limassol nằm giáp căn cứ không quân Akrotiri của Anh, nơi phục vụ hoạt động của NATO và cũng là một trung tâm quan trọng trong hệ thống giám sát điện tử quân sự của liên minh," theo tờ Global Post.
Nga và Síp có quan hệ kinh tế khá chặt chẽ trong hai thập kỷ qua. Theo Russia Today, Nga đã hỗ trợ Síp hơn 30 tỷ USD trong hơn 20 năm qua.
Năm 2013, trong cuộc khủng hoảng tài chính Síp, các nhà phân tích ước tính rằng hơn 1/3 số tiền gửi trong các ngân hàng tại Síp có xuất xứ từ Nga. Theo báo cáo này, nhiều công ty của Nga đã đăng ký hoạt động trên đảo. Một số báo cáo thậm chí còn nói rằng Síp đã trở thành một nhà máy rửa tiền lớn cho giới tội phạm Nga từ năm 2013 trở về trước. Thậm chí, hiện nay Nga cũng vẫn duy trì ảnh hưởng kinh tế lớn tại Síp.
"Sự hiện diện của Nga trong nền kinh tế của Síp rất lớn. Dấu chân của nó là ở khắp mọi nơi từ du lịch đến bất động sản", Michael Florentiades - người đứng đầu bộ phận nghiên cứu đầu tư tại XM.com, một công ty dịch vụ tài chính trực tuyến ở Limassol cho biết.
Ảnh hưởng của Nga tại Síp rất lớn và đang ngày càng tăng. |
Đương nhiên, ảnh hưởng lớn của Nga tại một thành viên của EU trong những năm qua đã gây ra nhiều lo ngại đối với các nước phương Tây. Đặc biệt là ở đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng tài chính, Síp đã đàm phán với Nga về một gói cứu trợ vào năm 2013 và đổi lại giành ảnh hưởng tới hệ thống ngân hàng của quốc gia này.
Hơn nữa, phương Tây cũng đặc biệt lo ngại rằng Nga không chỉ biến Síp thành một căn cứ quân sự mà còn là một trạm trung chuyển khí đốt tới châu Âu thông qua cùng với Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp, thay thế con đường cũ đi qua Ukraine đang xa rời ảnh hưởng của Moscow.
Theo Business Insider, Hy Lạp cũng có thể trở thành thành viên EU tiếp theo quay sang ủng hộ Nga và cho phép Moscow thiết lập căn cứ quân sự tại đất nước của mình. Bởi Síp và Hy Lạp đã lên tiếng phản đối các biện pháp trừng phạt bổ sung chống lại Nga. Trong khi đó, chính phủ mới của Hy Lạp gần đây đã thực hiện các sáng kiến để thúc đẩy quan hệ kinh tế và quân sự với Nga, trong khi ngày càng xa rời châu Âu./.