Báo Nga: Cả châu Á cần Moscow làm đối trọng với Trung Quốc

19/12/2014 13:30
Hồng Thủy
(GDVN) - Nhiều nước châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm cả Bắc Triều Tiên đang cần Moscow như một đối trọng trong quan hệ với Bắc Kinh, đó mới là lối thoát khỏi khó khăn.
Ngay cả khi phải đối mặt với áp lực mạnh mẽ của phương Tây, Putin cũng không để Nga bị lệ thuộc vào Trung Quốc.
Ngay cả khi phải đối mặt với áp lực mạnh mẽ của phương Tây, Putin cũng không để Nga bị lệ thuộc vào Trung Quốc.

Tờ "Chuyên gia" của Nga ngày 18/12 bình luận, cuộc họp báo truyền thống hàng năm của Vladimir Putin diễn ra ngày hôm qua đã bác bỏ suy đoán của phương Tây về việc Moscow sẽ phải đầu hàng Washington. Tổng thống Nga đã khẳng định rõ lập trường, kể cả có giải quyết được cuộc khủng hoảng Ukraine đi nữa vẫn chưa thể giải quyết được vấn đề chính.

Đó là sự khác biệt cơ bản giữa nga và phương Tây về một hệ thống quan hệ quốc tế hiện đại nên được xây dựng như thế nào. Mặt khác, không phải vì phương Tây bao vây Nga mà Moscow phải lệ thuộc Trung Quốc. Ngược lại, có rất nhiều nước châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm cả Bắc Triều Tiên đang cần Moscow như một đối trọng trong quan hệ với Bắc Kinh, đó mới là lối thoát khỏi khó khăn cho Điện Kremlin.

Khủng hoảng Ukraine không phải bản chất mối quan hệ Nga - phương Tây

Cuộc khủng hoảng nghiêm trọng đối với nền kinh tế Nga đang diễn ra trong bối cảnh khủng hoảng quan hệ giữa Moscow với phương Tây xung quanh xung đột tại Ukraine. Điều này tạo ra lý do để một số quan điểm suy luận rằng Moscow sẵn sàng đầu hàng Washington. Nga bị cáo buộc là đã đánh giá quá cao khả năng của mình trong vấn đề Ukraine và tới lúc cần phải sẵn sàng "bàn giao Donbass" để đổi lấy bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ.

Nhưng Tổng thống Putin đã tái khẳng định rằng, lý do quan trọng dẫn đến cuộc khủng hoảng hiện nay giữa Nga và phương Tây không phải Ukraine, mà là một sự hiểu biết khác nhau từ 2 phía xung quanh hệ thống những quan hệ quốc tế, cả châu Âu và toàn cầu. Moscow hy vọng vào các nguyên tắc bình đẳng, tự xem mình là một phần của nền văn minh phương Tây và cố gắng làm việc mà không gây chia rẽ ở châu Âu nói riêng, thế giới nói chung.

Cụ thể, Nga nỗ lực tìm kiếm mối quan hệ mang tính xây dựng với EU và tạo ra một hệ thống an ninh chung cho châu Âu. Tuy nhiên phương Tây lại có một cái nhìn khác, trong đó chủ yếu xem Nga như "mặt trái cần phải đánh bại". Và chính thái độ kiểu Chiến tranh Lạnh này đã khiến phương Tây không dừng lại, nói như Putin thì họ muốn "những người đã từng chiến thắng đế quốc và tất cả phần còn lại phải được dẹp bỏ".

Theo Vladimir Putin, chính phương Tây đã bắt đầu xây dựng một bức tường khi Nga phải đối mặt với việc NATO mở rộng về phía Đông và tạo ra một hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu. "Chúng tôi có mang tên lửa hay điều quân đến biên giới Hoa Kỳ hay các nước phương Tây khác không? Tại sao NATO tiến quân sát biên giới chúng tôi? Đã có ai lắng nghe hay đối thoại với chúng tôi không? Không có ai, không có gì cả. Mỗi quốc gia đều có quyền lựa chọn con đường an ninh riêng cho mình. Và chúng tôi cũng sẽ làm việc đó, tại sao chúng tôi lại bị cấm", tờ "Chuyên gia" dẫn lời Putin nói.

Lập trường cứng rắn của Điện Kremlin trong vấn đề Ukraine theo Tổng thống Nga là để phương Tây hiểu một cách đúng đắn rằng, họ nên ngừng xây dựng "bức tường" về phía Nga và nên ngồi lại cùng xây dựng một không gian an ninh chung. Moscow luôn sẵn sàng cho một kịch bản như vậy. "Chúng tôi muốn phát triển quan hệ bình thường trong các lĩnh vực an ninh, chống khủng bố. Chúng tôi sẽ làm việc với nhau trong nỗ lực chung chống phổ biến vũ khí hạt nhân, các mối đe dọa của ma túy, vũ khí hạt nhân, tội phạm, sự lây lan của bệnh dịch nguy hiểm", Tổng thống Nga cho biết.

Dù có bị phương Tây gây sức ép đến đâu, Putin cũng không để Nga lệ thuộc vào Trung Quốc.
Dù có bị phương Tây gây sức ép đến đâu, Putin cũng không để Nga lệ thuộc vào Trung Quốc.

Nga phải kiên định lập trường cứng rắn với phương Tây, nhưng không vì thế mà lệ thuộc vào Trung Quốc

Tuy nhiên, trước khi phương Tây có thể hiểu được điều này họ phải đối mặt với một phản ứng mạnh mẽ bởi Nga không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc giữ vững lập trường của mình và chờ đợi cho thời kỳ khó khăn này qua đi. Moscow sẽ giữ nguyên lập trường thay vì tham gia leo thang không cần thiết để phản ứng với bất cứ "cái hắt hơi" nào từ Washington, bởi vì sau đó nước Nga sẽ có bằng chứng. "Chúng tôi không tấn công. Chúng tôi đã không tấn công bất cứ ai. Chúng tôi chỉ bảo vệ lợi ích của mình. Và chúng tôi không hài lòng với phương Tây, đặc biệt là Mỹ do đó thực tế chúng tôi có quyền bảo lưu khả năng phản ứng trước bất kỳ hành động khiêu khích nào", ông Putin nói.

Ngược lại nếu Nga thay đổi lập trường trong tình hình hiện nay sẽ là một thất bại cả về chiến thuật lẫn chiến lược, "Chuyên gia" bình luận. Thay đổi quan điểm không chỉ là sự thừa nhận yếu kém, không có năng lực tự bảo vệ lợi ích của mình trên thế giới, mà còn đánh mất sự tôn trọng của các đối tác đối với Nga, ví như Trung Quốc, các nước Trung Đông, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và ngay cả Belarus hay Kazakhstan.

Do đó Tổng thống Putin quyết giữ vững lập trường của mình. Nhưng thay vì im lặng như trước, Putin đã làm rõ về lực lượng tình nguyện chiến đấu ở miền Đông Ukraine không phải lính đánh thuê, tham chiến vì tiền, mà theo Putin họ hành động bằng trái tim và sự tình nguyện. Trong khi đó phương Tây tiếp tục tổ chức đường dây ngăn chặn Nga tham gia vào châu Âu, Moscow buộc phải tìm kiếm các hướng đi mới sang phía Đông.

Khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang phát triển nhanh hơn so với phần còn lại của thế giới. Có những cơ hội mới đang chờ đợi Nga khi nhu cầu năng lượng của Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản hay Hàn Quốc đang phát triển nhảy vọt. Cơn khát năng lượng cho tăng trưởng ở khu vực này đang lớn hơn các vùng khác còn lại của thế giới. "Những gì chúng ta nên làm cho điều này?" Putin đặt câu hỏi, rõ ràng đối với Tổng thống Nga lúc này quan trọng là không tập trung vào Trung Quốc.

Moscow cần phát triển mối quan hệ với các nước châu Á - Thái Bình Dương quan trọng khác, trong đó có những nước quan tâm đến công nghệ hạt nhân của Nga như Ấn Độ, hay khí đốt Nga như Nhật Bản, thậm chí là các tuyến đường giao thông sang Nga như Hàn Quốc và Nhật Bản. Hầu hết các nước châu Á -  Thái Bình Dương cần Nga như một đối trọng để ngăn chặn Trung Quốc bành trướng, thậm chí bao gồm cả đồng minh của Bắc Kinh là Bắc Triều Tiên.

Tuy nhiên nhấn mạnh chiến lược phát triển sang phương Đông không có nghĩa là Moscow nên tìm kiếm sự thay thế hoàn toàn vai trò của phương Tây. Nga vẫn cần châu Âu về công nghệ, thương mại, đầu tư cũng như các giá trị khác. Vì vậy cùng với việc phát triển quan hệ hơn nữa với Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Putin đồng thời cũng phải chuẩn bị sẵn sàng để thay đổi quan điểm của phương Tây. Bất cứ khi nào điều đó xảy ra, Moscow cũng không nên từ bỏ một cuộc đối thoại bình đẳng nào, "Chuyên gia" khuyến cáo.

Hồng Thủy