Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình bắt tay Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vào ngày 10 tháng 11 năm 2014 |
“Thể hiện phong độ nước lớn”
Mạng quân sự sina Trung Quốc ngày 12 tháng 7 có bài viết cho rằng, tại Hội nghị thượng đỉnh Ufa kết thúc vào ngày 10 tháng 7 của Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) và các nước BRICS, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trịnh Quốc Bình tiết lộ, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã đưa ra lời mời Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đến tham dự hoạt động kỷ niệm tròn 70 năm chiến thắng (chống phát xít, chống Nhật).
Theo bài báo, lời mời này gây ngạc nhiên cho cả dư luận Trung Quốc và quốc tế, gây phỏng về khả năng quan hệ Trung-Nhật xuất hiện một bước ngoặt mới.
Bài báo tuyên truyền cho rằng, trong nhiều bài phát biểu của Tập Cận Bình nhân dịp kỷ niệm một hoạt động chiến tranh nào đó ở Trung Quốc, ông Tập Cận Bình đều nói đến từ "hòa bình", tức là muốn tuyên bố với thế giới về hòa bình, về bảo vệ hòa bình, chứ không phải gây xung đột, tiếp tục thù hận.
Những năm qua, quan hệ Trung-Nhật đi từ "lạnh nhạt về chính trị, nồng ấm về kinh tế" chuyển sang "lạnh nhạt cả về chính trị và kinh tế" bị bài báo đổ lỗi là do ở Nhật Bản có người "bái quỷ" (tức là chỉ Thủ tướng Shinzo Abe và các quan chức cấp cao Nhật Bản thăm ngôi đền Yasukuni).
Tàu cảnh sát biển Trung Quốc hung hăng đến vùng biển đảo Senkaku để đối đầu với Nhật Bản |
Bài báo tự khen những tuyên bố về hòa bình của Tập Cận Bình, và cho rằng, Trung Quốc và Nhật Bản là những "nước lớn" trong khu vực và trên thế giới, nếu để cho quan hệ song phương xấu đi tùy tiện thì hòa bình của châu Á có thể bị phá vỡ bất cứ lúc nào.
Theo bài viết, hai bên cần xuất phát từ đại cục, từ bỏ tư duy “tổng bằng không” - tức là từ bỏ “ăn miếng trả miếng”.
Bài viết đề cập đến sự kiện Tập Cận Bình tham dự hoạt động giao lưu hữu nghị Trung-Nhật vào tháng 5 vừa qua. Khi đó, ông Bình nói rằng, phương châm cơ bản của Trung Quốc sẽ không thay đổi, sẵn sàng cùng Nhật Bản, trên cơ sở 4 văn kiện chính trị Trung-Nhật, thúc đẩy hợp tác láng giềng hữu nghị giữa hai nước.
Bài báo cho rằng, câu nói này của ông Bình là để mở đường cho lời mời Thủ tướng Shinzo Abe lần này. Bài báo tự sướng cho rằng, Trung Quốc là "nước lớn có trách nhiệm", cần thiết mời ông Shinzo Abe tham dự trong thời điểm lịch sử quan trọng của quan hệ Trung-Nhật.
"Đây vừa là phương châm nhất quán của Trung Quốc đối với Nhật Bản dựa trên lịch sử và chính nghĩa, vừa là một thái độ thẳng thắn không sợ thách thức, hướng tới hòa bình" - bài báo viết.
Tàu Trung Quốc hung hăng nhưng bị tàu tuần tra Nhật Bản kiên quyết ngăn chặn |
Bài viết cho rằng, mời lãnh đạo nước thua trận tham dự hoạt động kỷ niệm Chiến tranh thế giới lần thứ hai hoàn toàn không phải là việc hiếm, Thủ tướng Đức Merkel là khách quen của rất nhiều hoạt động kỷ niệm. Sự xuất hiện đồng thời của nước chiến thắng và nước thua trận hoàn toàn không phải là phô trương.
Làm như vậy để tuyên bố với thế giới: hòa bình chứ không phải chiến tranh, hợp tác chứ không phải đối đầu mới là chủ đề vĩnh hằng của tiến bộ trong xã hội loài người.
Bài báo nghĩ rằng, ông Shinzo Abe "có sự thụt lùi về vấn đề lịch sử", đến Trung Quốc tham gia hoạt động kỷ niệm ít nhất sẽ có 3 "thu hoạch" lớn:
Một là nghe được những tiếng nói chủ yếu của thế giới về Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Hoạt động kỷ niệm ngày chiến thắng do Trung Quốc tổ chức vào ngày 3 tháng 9 sẽ có rất nhiều chính khách thế giới tham dự. Theo bài báo, Trung Quốc muốn ông Shinzo Abe nghe thấy "trên thế giới yêu chuộng hòa bình, phản đối chiến tranh" là giai điệu chính.
Hai là, bài báo cho rằng Trung Quốc muốn thể hiện "quyết tâm và sức mạnh bảo vệ hòa bình". Tức là Trung Quốc sẽ phô trương lực lượng và vũ khí trang bị tiên tiến của họ trong cuộc duyệt binh quy mô lớn.
Máy bay, tàu chiến Trung Quốc hung hăng ra biển Hoa Đông, nhưng luôn bị Nhật Bản theo dõi chặt chẽ, thậm chí chụp được ảnh và công bố cho thế giới biết |
Khi đó, ông Shinzo Abe – người ra sức thúc đẩy thực hiện quyền tự vệ tập thể và đưa Nhật Bản trở thành quốc gia bình thường - sẽ thấy được "lực lượng bảo vệ hòa bình lớn mạnh" (ý nói là Quân đội Trung Quốc), từ đó "giúp ông Abe nhìn nhận sáng suốt về các hành vi trong quá khứ của ông" – bài báo dọa nạt.
Ba là để cho ông Shinzo Abe "suy nghĩ con đường tương lai nên đi như thế nào". Ngoài tham dự hoạt động kỷ niệm, ông Shinzo Abe sẽ gặp gỡ lãnh đạo Trung Quốc. Khi đó, Tập Cận Bình sẽ nói rằng, Trung Quốc sẽ không chấp nhận bất cứ ai "phủ nhận, bẻ cong thậm chí làm đẹp lịch sử xâm lược".
Còn đối với nhân dân Nhật Bản, Tập Cận Bình sẽ nói là, "Trung Quốc sẽ không vì thiểu số quân phiệt Nhật gây chiến tranh xâm lược mà hận thù cả dân tộc này, tội ác chiến tranh thuộc trách nhiệm của thiểu số đó chứ không phải nhân dân, bất cứ ai đều không quên tội ác nghiêm trọng của kẻ xâm lược",
rằng "chỉ cần nhân dân hai nước Trung Quốc và Nhật Bản thực sự hữu nghị, ứng xử có đạo đức với nhau thì nhất định có thể thực hiện tình hữu nghị đời đời" - báo Trung Quốc tuyên truyền và hy vọng sẽ "làm động lòng" ông Shinzo Abe, làm ông Shinzo Abe "học được không ít" (?).
Máy bay, tàu chiến Trung Quốc hung hăng ra biển Hoa Đông, nhưng luôn bị Nhật Bản theo dõi chặt chẽ, thậm chí chụp được ảnh và công bố cho thế giới biết |
Theo tuyên truyền của bài báo, mỗi lần phát biểu liên quan đến Nhật Bản thì ông Tập Cận Bình đã nhiều lần nhắc đến 2 chữ "tương lai", thể hiện Trung Quốc nỗ lực tiến hành "hòa giải", "hướng tới tương lai" - điều này đã thể hiện cái gọi là "phong độ nước lớn" của Trung Quốc - bài báo tự sướng.
Theo bài báo, gần đây, quan hệ Trung-Nhật không thiếu một số tín hiệu tích cực: Hai bên đạt được "đồng thuận nguyên tắc 4 điểm", tái khởi động các kênh trao đổi như tham vấn cơ chế liên lạc trên biển, trên không, hơn 3.000 nhân sĩ các giới Nhật Bản đến thăm Trung Quốc. Lần này Trung Quốc mời Nhật Bản là sự tiếp tục của xu thế ấm lên này.
Bài báo tự khen mình rằng, Trung Quốc đã "giơ cành ô liu" cho ông Shinzo Abe, thể hiện "trách nhiệm nước lớn", việc còn lại là tùy thuộc vào ông Shinzo Abe và nội bộ Nhật Bản, tức là bài báo đẩy "quả bóng" sang cho Nhật.
Thủ tướng Shinzo Abe: Đã được mời thì không tránh né
Tờ "Quan sát" Trung Quốc ngày 12 tháng 7 cũng có bài viết cho hay, ông Shinzo Abe đã được mời tham dự hoạt động kỷ niệm nhạy cảm (3/9), ông có đến hay không là vấn đề gây quan tâm cho dư luận.
Thủ tướng Nhật Bản kiên quyết tăng cường năng lực phòng vệ, bảo vệ nhóm đảo Senkaku và kiềm chế các hành động hung hăng của Quân đội Trung Quốc ở các vùng biển xung quanh. |
Theo hãng tin Kyodo, Nhật Bản, nguồn tin từ Chính phủ Nhật Bản ngày 11 tháng 7 tiết lộ, Thủ tướng Shinzo Abe bắt đầu cân nhắc thăm Trung Quốc vào đầu tháng 9 tới. Xét thấy Trung Quốc đã gửi lời mời, ông Abe cân nhắc thăm Trung Quốc và dự định sẽ sắp xếp chương trình trước sau hoạt động kỷ niệm.
Bài báo còn cho hay, ông Shinzo Abe sẽ tham khảo cách làm của Thủ tướng Đức Merkel. Tháng 5 năm nay, Thủ tướng Đức Merkel mặc dù đã không tham dự lễ kỷ niệm tròn 70 năm chiến thắng vệ quốc của Nga, nhưng sau đó đã đến Moscow tổ chức hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Theo bài báo, để khôi phục toàn diện quan hệ Nhật-Trung, ông Shinzo Abe còn hy vọng tổ chức hội đàm cấp cao với Tập Cận Bình. Nhưng, do giữa hai nước tồn tại các vấn đề như phát biểu của ông Shinzo Abe, thái độ của Trung Quốc đối với Nhật Bản và tranh chấp biển, chính phủ hai nước dự định triển khai phối hợp để đánh giá khả năng tổ chức hội đàm.
Cục trưởng An ninh quốc gia của Hội đồng bảo đảm an ninh quốc gia Nhật Bản (NSC) Shotaro Yachi có kế hoạch thăm Trung Quốc trước sau tháng 7 này và tổ chức hội đàm với Ủy viên quốc vụ phụ trách ngoại giao của Trung Quốc, Dương Khiết Trì. Theo giới thiệu của Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trình Quốc Bình, Nhật Bản vẫn chưa đưa ra phản hồi.
Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản và Philippines tiến hành diễn tập chống cướp biển ở vịnh Manila ngày 6 tháng 5 năm 2015. Đáng chú ý, quan chức Philippines coi Cảnh sát biển Trung Quốc là cướp có vũ trang trên Biển Đông - phát biểu này được đưa ra trước khi Nhật Bản-Philippines tập trận chống cướp biển không lâu. |
Tháng 11 năm 2014 và tháng 4 năm nay, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe lần lượt tổ chức hội đàm trong thời gian Hội nghị quốc tế ở Bắc Kinh và Jakarta, đã đạt đồng thuận về việc thúc đẩy quan hệ chiến lược, cùng có lợi của hai nước.
Theo tờ "Asahi Shimbun", ông Shinzo Abe cân nhắc thăm Trung Quốc vào tháng 9 tới, nhưng có thể sẽ tránh ngày 3 tháng 9.
Bài báo cho hay, ông Shinzo Abe đang tính toán thăm Trung Quốc vào thượng tuần tháng 9, tiến hành hội đàm cấp cao hai nước với ý nghĩa thực sự, trước đó, ông Shinzo Abe tuy đã có các cuộc gặp mặt với lãnh đạo Trung Quốc, nhưng đều là trong các trường hợp của hội nghị quốc tế.
Bài báo cho hay, ngày 10 tháng 7, quan chức cấp cao Trung Quốc đã chính thức mời Thủ tướng Abe tham gia hoạt động kỷ niệm tròn 70 năm chiến thắng tổ chức vào ngày 3 tháng 9.
Tờ "Asahi Shimbun" cho rằng, ông Shinzo Abe đã nói với những người thân cận rằng "Trung Quốc đã mời thì không muốn tránh né", cho thấy ý muốn thăm Trung Quốc.
Máy bay tuần tra săn ngầm P-3C Orion Nhật Bản tham gia cuộc tập trận chung với Philippines ở Biển Đông - nơi Trung Quốc đang xây dựng căn cứ tàu ngầm khổng lồ ở đảo Hải Nam. |
Nhưng, bài báo cũng cho rằng, mặc dù ông Shinzo Abe có sự cân nhắc nêu trên, nhưng thượng tuần tháng 9 đúng lúc Quốc hội Nhật Bản xem xét dự luật bảo đảm an ninh, khả năng thăm Trung Quốc vẫn có nhân tố không xác định.
Bài báo còn cho rằng, nếu ông Abe lựa chọn thăm Trung Quốc vào ngày 3 tháng 9 và tham dự hoạt động kỉ niệm thì có thể sẽ gây ra bất mãn ở trong nước Nhật Bản. Vì vậy, nếu ông thăm Trung Quốc thì có thể sẽ tránh ngày 3 tháng 9, lựa chọn trước hoặc sau đó.
Những người xung quanh ông Abe cho hay, lần này cân nhắc thăm Trung Quốc cũng là tham khảo mô hình ngoại giao xử lý vấn đề tương tự của Đức cách đây không lâu. Tháng 5 năm 2015, Nga tổ chức lễ kỷ niệm tròn 70 năm chiến tranh vệ quốc, Thủ tướng Đức Merkel không tham dự lễ duyệt binh, mà lựa chọn thăm Nga một ngày sau đó, tổ chức hội đàm cấp cao với ông Putin.
Tờ "Japan News Network" cũng cho rằng, Thủ tướng Abe đã cân nhắc kế hoạch thăm Trung Quốc và tìm kiếm tổ chức hội đàm với Tập Cận Bình để thúc đẩy quan hệ hai nước tiếp tục cải thiện. Nhưng do đang đứng trước vấn đề thông qua dự luật bảo đảm an ninh của Quốc hội, ông cuối cùng có đi hay không còn có biến số nhất định.
Trung Quốc hung hăng tiến hành quân sự hóa Biển Đông, đe dọa nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, đe dọa nghiêm trọng hòa bình, an ninh và ổn định khu vực. |