Bảo vệ tàu, nghề thầm lặng mang lại sự an toàn cho hành khách đường sắt

20/09/2023 09:17
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Gắn bó với công việc bảo vệ tàu đến nay cũng đã bước sang năm thứ 12, anh Lâm có nhiều kỷ niệm khó quên với nghề. 

Trên mỗi đoàn tàu chở hàng trăm hành khách, việc đảm bảo an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy, sơ cấp cứu người bệnh... là nhiệm vụ quan trọng trong mỗi chuyến đi. Nhân viên bảo vệ tàu là người đảm nhiệm gánh vác khối lượng công việc lớn đó.

Năm nay, anh Đỗ Đức Lâm (sinh năm 1987, trú tại Hà Nội) - nhân viên Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội đã bước sang năm thứ 12 gắn bó với công việc bảo vệ tàu, nhưng anh vẫn không quên hình ảnh những ngày đầu bỡ ngỡ mới vào nghề.

Đó là trên hành trình từ Hà Nội vào Thành phố Hồ Chí Minh rồi quay về, hay từ Hà Nội đi các tỉnh lân cận, đoàn tàu rung lắc khi đi qua đoạn có nền đường yếu, khiến anh nôn nao trong người. Hay đó là khi xảy ra vụ tai nạn giao thông đường sắt khiến nạn nhân thiệt mạng, anh phải ở lại hiện trường và chứng kiến cảnh tượng đau xót.

Anh Lâm chia sẻ, một chuyến tàu khởi hành có hai nhân viên làm nhiệm vụ bảo vệ tàu. Hai người phải có mặt tại sân ga Hà Nội trước 90 phút đoàn tàu lăn bánh. Nhiệm vụ của anh là phải kiểm tra kỹ càng các vật dụng, thiết bị phòng chống cháy nổ trên đoàn tàu dài hàng trăm mét, người còn lại làm nhiệm vụ tiếp đón hành khách đảm bảo an ninh trật tự, ngăn chặn móc túi, xô đẩy.

Công việc của anh Lâm là đi kiểm tra các thiết bị phòng cháy chữa cháy, bình gas. (Ảnh: NVCC)

Công việc của anh Lâm là đi kiểm tra các thiết bị phòng cháy chữa cháy, bình gas. (Ảnh: NVCC)

"Tôi đi kiểm tra bình cứu hoả, búa thoát hiểm ở mỗi khoang tàu, kìm cộng lực ở đầu và cuối tàu để cắt khoá nếu xảy ra sự cố, rồi cáng cứu thương, dụng cụ y tế thuốc men sơ cứu khi hành khách bị ốm, bị thương.

Kiểm tra vật dụng dễ cháy nổ như bình gas loại 25kg dùng để phục vụ cho hành khách và cán bộ nhân viên...", anh Lâm chia sẻ và thông tin hằng năm anh đều được cơ quan chức năng tập huấn kỹ năng phòng cháy chữa cháy và cấp chứng chỉ.

Khi hành khách lên tàu, anh phải kiểm tra lại cửa lên xuống cẩn thận chưa để cho tàu chạy đảm bảo an toàn.

Trong quá trình tàu chạy, anh phải thường xuyên đi kiểm tra đảm bảo an ninh, không để hành khách mang hàng cấm, hàng lậu. Tại điểm ga dừng đỗ tàu, anh phải ngăn chặn việc bán hàng rong, nhằm phòng tránh việc trộm cắp, bán đồ thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ám ảnh về những vụ tại nạn giao thông

Mỗi lần nghe tiếng còi tàu gầm rú liên hồi từ phía khoang lái tàu ngồi, rồi tiếp đó là phanh trượt một quãng đường dài, anh Lâm và mọi người trên tàu chỉ biết cầu nguyện cho người vi phạm hành lang đường sắt may mắn tai qua nạn khỏi.

"Lần đầu khi chứng kiến nạn nhân vi phạm hành lang đường sắt bị thiệt mạng, tôi rất sợ và run.

Công việc của tôi lúc đó là ghi chép báo cáo từ phía lái tàu, rồi bàn giao tang chứng vật chứng của nạn nhân cho bệnh viện hoặc cơ quan chức năng.

Nếu nạn nhân bị thương, chúng tôi xử lý cũng nhanh, còn nếu thiệt mạng thì các thủ tục pháp lý phải thực hiện sẽ khá nhiều. Khi đó, tôi phải ở lại có khi hàng tiếng đồng hồ, còn đoàn tàu chỉ dừng được khoảng trên mười phút. Xong việc, tôi lại bắt chuyến tàu tiếp theo để theo kịp chuyến tàu của mình", anh Lâm cho hay.

Anh Lâm kiểm tra các thiết bị trên các khoang tàu. (Ảnh: NVCC)

Anh Lâm kiểm tra các thiết bị trên các khoang tàu. (Ảnh: NVCC)

Anh Lâm chia sẻ, bản thân anh nghe rất nhiều lời than từ lái tàu về sự ám ảnh khi chứng kiến cảnh người thiệt mạng.

"Khi đoàn tàu nặng 500 tấn chạy tốc độ 60-70km nếu phanh thì cần phải có quãng đường 600-800m đoàn tàu mới dừng lại hoàn toàn.

Trước khi xảy ra va chạm, lái tàu sẽ bấm còi nhiều lần và có những trường hợp xảy ra đột ngột và bất ngờ khiến họ xử lý không kịp. Lái tàu cũng tâm sự rất nhiều với tôi sự ám ảnh về những trường hợp bất khả kháng", anh Lâm chia sẻ.

Vì sự an toàn của hàng trăm hành khách nên trên tàu lúc nào cũng có một nhân viên kỹ thuật kiểm tra khi có sự cố xảy ra. Hoặc khi tàu từ Hà Nội đến Đà Nẵng, đầu máy đoàn tàu sẽ được thay đổi để kiểm tra bảo dưỡng và đến Sài Gòn cũng tương tự vậy.

Bên cạnh đó, lái tàu trên chặng hành trình dài sẽ có nhiều lái tàu thay nhau lái. Ví dụ như từ Hà Nội đến ga Đà Nẵng là 6 lái tàu thay nhau lái, và từ Đà Nẵng vào Sài Gòn là người miền Nam lái.

Gia đình cảm thông, thấu hiểu

Một tháng, anh Lâm phải làm nhiệm vụ trên 7 chuyến tàu gồm 4 chuyến từ Hà Nội đi các tỉnh phía Bắc (anh đi một đêm và nghỉ ngơi ở trên đó 1 ngày), cùng 3 chuyến Sài Gòn (4 ngày cả đi và về).

Với lịch trình có những chuyến đi dài ngày khứ hồi Bắc - Nam, hay những dịp đông hành khách, công việc trong gia đình của anh Lâm nói riêng và của các đồng nghiệp nam khác nói chung đều phải trông cậy vào người vợ và bố mẹ ở nhà.

"Có những khi xảy ra sự việc đột xuất, đồng nghiệp phải mua vé máy bay từ trong Thành phố Hồ Chí Minh để về nhà", anh Lâm chia sẻ.

Trải qua nhiều năm công tác, anh Lâm cũng nhận thấy sự thay đổi trong ý thức của người dân khi tình trạng "nhảy tàu" đã không còn, tình trạng móc túi cũng rất hiếm xảy ra.

Đến nay dù đã gắn bó với những chuyến tàu chạy dọc đất nước đến năm thứ 12 nhưng có những hôm người mệt đi đoạn đường có nền đường yếu hoặc ngoằn nghèo, anh vẫn cảm thấy nôn nao. Công việc bảo vệ trên tàu hỏa, đòi hỏi nhân viên phải có đôi chân khỏe, đầu óc luôn minh mẫn, tỉnh táo và nhanh nhẹn nên có nhiều người bước sang độ tuổi ngoài 50, sức khỏe yếu đi buộc họ phải xin "nghỉ hưu non". Điều này cũng khiến anh có chút chạnh lòng, dù rằng hiện tại anh vẫn còn trẻ.

Chia sẻ về kỉ niệm khó quên, anh Lâm cho biết, có chuyến đi đúng vào ngày sinh nhật của anh và anh được đồng nghiệp tổ chức sinh nhật, anh được thổi nến và hát chúc mừng. Anh thầm ước, bản thân có nhiều sức khỏe để hoàn thành tốt công việc, đem lại sự an toàn cho hàng trăm hành khách trong mỗi chuyến đi.

Mạnh Đoàn