Hà Nội bổ sung thêm 191 tuyến đường, phố được trông giữ phương tiện giao thông

17/12/2024 16:46
Minh Chi
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Hà Nội hiện có tổng cộng 234 tuyến đường, phố cho phép sử dụng tạm thời một phần lòng đường để trông giữ phương tiện giao thông đường bộ.

Ủy ban nhân dân thành phố Nội đã ban hành Quyết định số 6440/QĐ-UBND, chính thức phê duyệt danh mục 191 tuyến đường, phố mới được phép sử dụng tạm thời một phần lòng đường để trông giữ phương tiện giao thông đường bộ.

Tính đến nay, cùng với 43 tuyến đường, phố đã được phê duyệt trước đó theo Quyết định 165/2023/QĐ-UBND, Hà Nội hiện có tổng cộng 234 tuyến đường, phố cho phép sử dụng tạm thời một phần lòng đường để trông giữ phương tiện giao thông đường bộ.

Theo thống kê, tính đến tháng 8/2024, thành phố Hà Nội có hơn 8 triệu phương tiện giao thông đường bộ. Ảnh minh hoạ: Việt Hùng/Vietnam+
Theo thống kê, tính đến tháng 8/2024, thành phố Hà Nội có hơn 8 triệu phương tiện giao thông đường bộ. Ảnh minh hoạ: Việt Hùng/Vietnam+

Quyết định số 6440/QĐ-UBND cũng đồng thời đưa ra hai tiêu chí cụ thể để tổ chức trông giữ phương tiện trên hè phố và lòng đường thuộc địa bàn thành phố.

Theo đó, việc tổ chức trông giữ phương tiện giao thông dưới lòng đường, phố cần tuân thủ các quy định: Không tổ chức trông giữ phương tiện trên tuyến quốc lộ đi qua đô thị; Không gây cản trở giao thông, ảnh hưởng đến sinh hoạt và các hoạt động của hai bên đường phố;

Với đường hai chiều rộng 10,5m cho phép trông giữ xe 1 bên; đường rộng từ 14m cho phép giữ xe 2 bên; Với đường một chiều rộng 7,5m cho phép trông xe bên phải phần xe chạy; Điểm để xe phải cách nút giao thông tối thiểu 20m. Không được cắm cọc, chăng dây rào chắn lòng đường...

Đối với việc tổ chức trông giữ phương tiện giao thông đường bộ trên hè phố cần đảm bảo quy định: Không trông giữ phương tiện trên tuyến quốc lộ qua đô thị; Không trông giữ xe trước mặt tiền của các nơi công sở, một số tuyến phố đặc thù.

Vị trí hè phố tổ chức trông giữ xe phải có kết cấu đảm bảo khả năng chịu tải trọng phương tiện, lối ra, vào đảm bảo an toàn giao thông, mỹ quan đô thị; Không được cắm cọc, chăng dây rào chắn và đảm bảo phần hè phố dành cho người đi bộ có bề rộng tối thiểu đạt 1,5m; hạn chế sử dụng tạm thời hè phố ngoài mục đích giao thông trong khung giờ cao điểm 6h - 9h và 16h - 19h30 và vào các ngày lễ, Tết.

Trước đó, tại phiên chất vấn Kỳ họp thứ 20 Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, đại biểu Nguyễn Thanh Nam (Tổ Phú Xuyên) cho biết, công tác phát triển giao thông đô thị của thành phố còn nhiều bất cập, đặc biệt là xây dựng và vận hành các bãi xe công cộng, bãi đỗ xe ngầm.

Trả lời về vấn đề này, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho hay hiện nay thành phố thiếu rất nhiều bãi đỗ xe. Theo quy hoạch, thành phố có 1.690 bãi đỗ xe, nhưng hiện mới đầu tư xây dựng được 72 bãi đỗ xe hoạt động. Trong khi đó, theo quy hoạch, diện tích giao thông tĩnh phải đáp ứng được 30% nhưng thực tế thành phố mới đáp ứng được 0,5%. Theo thống kê, tính đến tháng 8/2024, thành phố Hà Nội có hơn 8 triệu phương tiện giao thông đường bộ (gần 1,13 triệu ô tô, hơn 6,9 triệu xe máy).

Minh Chi