Tàu điện Cát Linh - Hà Đông ngày càng được nhiều người dân lựa chọn để đi lại

19/09/2023 06:28
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Quý I/2023, tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh-Hà Đông đã vận chuyển được hơn 2,65 triệu lượt hành khách, tăng 262% so cùng kỳ năm 2022.

Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông được đưa vào sử dụng đến nay đã được gần 2 năm. Theo Công ty TNHH một thành viên Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro), quý I/2023, tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh-Hà Đông đã vận chuyển được hơn 2,65 triệu lượt hành khách, tăng 262% so cùng kỳ năm 2022.

Các khoang tàu hầu hết đều kín người ngồi. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Các khoang tàu hầu hết đều kín người ngồi. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Với số lượng khách lớn như trên, hệ thống vận hành tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đảm bảo phòng cháy chữa cháy ra sao?

Theo ghi nhận của phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam vào sáng Chủ Nhật (17/8), lượng hành khách đi tàu điện khá đông, hầu hết cả bốn toa tàu đều có hành khách. Có những gia đình cho con cái đi chơi, hay đó là những người cao tuổi đến để trải nghiệm tàu điện trên cao...

Có mặt trên tàu hướng từ Cát Linh về điểm dừng La Khê (Hà Đông), ông Vũ Đức Sương (70 tuổi, trú tại La Khê) chia sẻ, sáng nay, ông cùng ông "bạn già" đi lên phố Cát Linh để ăn phở bò như những lần khác.

"Phở bò ở trên này ngon, nên tôi và bạn đi tàu điện lên đây để ăn sáng xong lại đi về. Nếu như khi chưa có tàu điện, tôi đi ô tô phải mất 45 phút để đến nơi, thì nay chỉ mất tổng 25 phút trong đó 10 phút là ra bến và gần 15 phút đến ga", ông Sương chia sẻ.

Theo ông Sương, khi sử dụng dịch vụ tuyến tàu điện trên cao, ông cảm thấy trên khoang tàu rất sạch sẽ, thoáng mát.

Ông Vũ Đức Sương (bên phải ảnh) trò chuyện với người bạn. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Ông Vũ Đức Sương (bên phải ảnh) trò chuyện với người bạn. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Khi được phóng viên hỏi về việc ông có biết hệ thống phòng cháy chữa cháy của tàu điện được trang bị ra sao, ông Sương cũng như một số người khác dường như không để ý đến điều này. Khi ông được biết về việc trang bị ở mỗi khoang tàu là 2 bình cứu hỏa dạng bọt để dưới gầm ghế, cùng với đó là các thiết bị của khoang tàu được làm bằng carbon chống cháy... ông cũng không ngạc nhiên lắm.

"Quan sát bằng mắt thường, tôi cũng đã nhận thấy những sự tỉ mỉ trong thiết kế của khoang tàu, bên cạnh đó mỗi toa tàu đều có nhiều cửa thoát hiểm nên tôi rất an tâm", ông Sương chia sẻ.

Chia sẻ thêm về việc sử dụng dịch vụ đường sắt Cát Linh - Hà Đông, ông Sương cho biết, khi dịch vụ trên hoạt đông, ông đã được tổ dân phố tuyên truyền về việc làm thẻ sử dụng dịch vụ miễn phí với người trên 60 tuổi. Vì vậy, ông đã làm luôn để đi vào dịp cuối tuần.

Bình cứu hỏa được đặt dưới gầm ghế ngồi. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Bình cứu hỏa được đặt dưới gầm ghế ngồi. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Biển báo lối thoát hiểm ở cả hai đầu tàu. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Biển báo lối thoát hiểm ở cả hai đầu tàu. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Cũng có mặt trên khoang tàu vào sáng Chủ Nhật, bà Nguyễn Thị Thanh (62 tuổi, trú tại Hà Nội) cùng bốn người bạn nữa ở cùng trong chung cư đi trải nghiệm lần đầu tuyến tàu điện Cát Linh - Hà Đông.

Trên khuôn mặt của mỗi người là niềm vui, sự phấn khích khi được trải nghiệm dịch vụ hiện đại, sang trọng. Theo đó, bà Thanh và các bà bạn đã cùng nhau chụp những tấm ảnh để làm kỉ niệm.

"Chúng tôi hôm nay lần đầu được trải nghiệm dịch vụ tàu điện Cát Linh - Hà Đông, và cảm thấy rất vui. Đi trên này, tránh được cảnh tắc đường, chen chúc hay say xe như đi xe buýt", bà Thanh chia sẻ.

Chia sẻ với phóng viên, một nhân viên lái tàu điện Cát Linh Hà Đông cho hay, các thiết bị trên khoang tàu được thiết kế bằng carbon chống cháy, bên cạnh đó ở mỗi khoang tàu đều có 2 bình cứu hỏa xịt dạng bột nhằm phù hợp với việc chữa cháy.

"Tại khoang lái tàu cũng được thiết kế có 2 bình cứu hỏa xịt dạng bột. Trước khi trở thành nhân viên lái tàu, chúng tôi cũng phải trải qua một khóa huấn luyện về phòng cháy chữa cháy để được cấp chứng chỉ", nam nhân viên chia sẻ.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về hệ thống phòng cháy chữa cháy của tàu điện Cát Linh - Hà Đông, đại diện Ban quản lý dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông cho hay, nguy cơ cháy nổ trên tàu do các nguồn nhiệt phát sinh từ việc hoạt động chạy tàu rất thấp.

"Theo thiết kế hệ thống, ngoài các thiết bị chữa cháy trên tàu thì biện pháp phòng cháy chữa cháy sử dụng chủ yếu là hệ thống phòng cháy, chữa cháy (FAS) ở nhà ga.

Trong trường hợp xảy ra sự cố cháy trên tàu, nhân viên được đào tạo kỹ năng phòng cháy chữa cháy sẽ sử dụng bình cứu hỏa dập lửa, đồng thời hành khách được sơ tán sang toa khác.

Nếu hệ thống thông gió của toa tàu bị sự cố sẽ bị cô lập, đoàn tàu sẽ điều hướng về ga gần nhất để hành khách thoát hiểm", đại diện Ban quản lý cho hay.

Vị này cho biết thêm, về thiết kế, đoàn tàu đáp ứng yêu cầu phòng cháy chữa cháy như dây điện và cáp điện được sử dụng là loại chống cháy; Vật liệu trên tàu sử dụng vật liệu chống cháy và vật liệu không có tính dẫn nhiệt dẫn cháy; Trên tàu có trang bị và biển chỉ dẫn cảnh báo đối với thiết bị điện cao áp; Mỗi một toa tàu khách đều trang bị 2 bình chữa cháy; Trên tàu có thiết bị intercom để hành khách thông báo với tài xế khi xảy ra sự cố.

Đối với hệ thống điều khiển và giám sát, đoàn tàu có khả năng tiến hành theo dõi thông tin và trạng thái vận hành thông qua liên kết đến bus đến từng toa tàu của đoàn tàu. Hệ thống này bao gồm: Hệ thống điều khiển điện kéo; Hệ thống nguồn điện phụ trợ; Hệ thống phanh; Hệ thống thông gió điều hòa; Hệ thống Cửa tự động toa khách; Hệ thống phát thanh hành khách và thiết bị phát thanh đoàn tàu; Theo dõi trạng thái phân/hợp điện áp, dòng điện và các aptomat cắt nhanh; Tín hiệu điều khiển chạy tàu và các tín hiệu điều khiển khác; Tín hiệu báo cháy khẩn cấp; Lượng đóng mở hoặc tín hiệu lượng mô phỏng phát ra từ ATP trên tàu và tín hiệu ATO.

Mạnh Đoàn