Hãng thông tấn AP ngày 7/1 đưa tin, hoạt động trao đổi mậu dịch qua biên giới Trung - Triều vẫn diễn ra bình thường bất chấp việc Bình Nhưỡng mới nổ thử nghiệm "bom nhiệt hạch" cách biên giới 2 nước khoảng 50 dặm sáng hôm qua.
Lính Triều Tiên gặt lúa trên một cánh đồng sát biên giới với Trung Quốc sáng 6/1, ảnh: AP. |
Xe tải chở hàng vẫn chạy ầm ầm qua biên giới hai nước hôm Thứ Năm, điều này cho thấy quan hệ thương mại Trung - Triều không bị ảnh hưởng ngay lập tức bởi vụ thử "bom nhiệt hạch" của Bình Nhưỡng dẫn đến nhiều đồn đoán về bất mãn của Bắc Kinh và các biện pháp trừng phạt kinh tế.
Không có dấu hiệu nào rõ ràng cho thấy một sự tan vỡ các hoạt động giao dịch biên mậu ở Đan Đông, thành phố giáp bờ sông Áp Lục - biên giới tự nhiên giữa 2 nước Trung - Triều.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm qua cũng đã chỉ trích hành động của Bình Nhưỡng là "thiếu khôn ngoan", gây rối loạn cục diện khu vực, trong khi người dân Trung Quốc gần biên giới với Triều Tiên sáng hôm qua đã phải chạy ra khỏi nhà trong hoảng loạn khi cảm nhận thấy rung chấn từ vụ nổ.
Tian Zhibin, một người dân Đan Đông nói với AP: "Tôi nghĩ rằng đó là một mối đe dọa, một hoạt động phá hoại đối với Trung Quốc và hòa bình thế giới khi một đất nước như vậy mà lại sở hữu vũ khí hạt nhân".
Bất chấp những đồn đoán của giới phân tích và bức xúc của dư luận trong nước, dường như các nhà lãnh đạo láng giềng của Bình Nhưỡng không có biện pháp nào làm suy yếu nghiêm trọng bộ máy cầm quyền của Chủ tịch CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un sau vụ nổ "bom nhiệt hạch".
Bonnie Glaser, một chuyên gia về Trung Quốc từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế Hoa Kỳ nói với AP, có thể Bắc Kinh sẽ không cắt giảm viện trợ năng lượng và lương thực cho Bình Nhưỡng hoặc áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế. Bởi lẽ quan hệ kinh tế và vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên được Trung Quốc xem như hai chuyện khác nhau.
Đối với Bắc Kinh, vấn đề Bắc Triều Tiên không chỉ đơn thuần là phi hạt nhân hóa bán đảo, mà còn bao gồm giữ cục diện ổn định và cán cân sức mạnh ở Đông Bắc Á trong bối cảnh cạnh tranh địa chiến lược với Hoa Kỳ ngay càng khốc liệt, Jindong Yuan, một chuyên gia an ninh châu Á - Thái Bình Dương nói với AP.
Trung Quốc không muốn để tình hình tồi tệ hơn đến mức mất kiểm soát. Nhưng dù sao các nhà lãnh đạo Trung Nam Hải không thể không để ý đến cảm nghĩ của công chúng trước hành vi ngày càng tiêu cực của Bắc Triều Tiên.
Trong khi truyền thông nhà nước Trung Quốc "lên án có kiềm chế" vụ thử "bom nhiệt hạch" của Bình Nhưỡng, các diễn đàn trực tuyến cũng kiểm soát chặt các bình luận về vụ việc và xóa bỏ bất kỳ ý kiến nào khuấy động bất mãn, Adam Cathcart, một chuyên gia về quan hệ Trung - Triều từ Đại học Leeds của Anh cho hay.