Bắt giam thai phụ ở Phú Thọ: Những bí mật đáng sợ phía sau vụ án

08/07/2014 06:26
VIẾT CƯỜNG
(GDVN) - Không chỉ giả mạo tài liệu chứng cứ liên quan đến vụ án, Điều tra viên của vụ “bắt giam thai phụ” còn tự viết thêm vào biên bản lời khai…

Ngày 06/07/2014, Báo Giáo dục Việt Nam đã đăng bài: “Phú Thọ: Bắt giam thai phụ, nay ép án để phủi trách nhiệm?”. Nội dung bài báo đưa ra nhiều tình tiết “khó hiểu” trong quá trình điều tra, khởi tố, xét xử vụ án hình sự “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đối với bị cáo Lê Thị Minh Hiền diễn ra từ tháng 8/2011 đến nay.

Đây là một vụ án phức tạp, có liên quan đến cả “con cháu” của một lãnh đạo Công an tỉnh Phú Thọ.

Diễn biến…

Theo kết luận điều tra cùng cáo trạng của Viện kiểm sát Nhân dân tỉnh Phú Thọ, ngày 26/8/2011, cơ quan cảnh sát điều tra (CQCSĐT) Công an tỉnh Phú Thọ ra quyết định khởi tố vụ án hình sự số 33 đối với bị can Lê Thị Minh Hiền.

Trước đó, Hiền giới thiệu là nhân viên của Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Phú Thọ, có khả năng mua được đất dự án và chạy việc. Sau khi “nổ” về thân thế của mình, Hiền đã nhận tiền của người dân để lo chạy việc và xin đất dự án nhưng cuối cùng không thực hiện được, khiến hàng chục tỉ đồng của người dân đã đưa cho Hiền khó có thể thu hồi.

Quá trình điều tra, Hiền khai hầu hết số tiền đã nhận của người dân đều giao lại cho bà Cao Thị Thu Hằng (SN 1982, trú tại xã Thụy Vân, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ). Tuy nhiên, số tiền Hiền nói đã đưa cho Hằng thì đều không có tài liệu nào chứng minh. Đồng thời, bản kết luận điều tra và cáo trạng không kết luận được bà Hằng có hành vi lừa đảo đối với Lê Thị Minh Hiền. Thậm chí, bà Hằng còn có tài liệu chứng minh Hiền còn nợ mình 10 triệu đồng.

Bà Cao Thị Thu Hằng cùng hai con nhỏ Ảnh: QK
Bà Cao Thị Thu Hằng cùng hai con nhỏ   Ảnh: QK

Đang trong quá trình điều tra thì ngày 14/9/2011, cơ quan công an nhận được đơn của bà Hoàng Thị Thu và ông Tạ Quang Thuật tố cáo Hằng lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền 1.187.500.000 đồng. Khi tố Hằng tại cơ quan công an, ông Thuật chỉ xuất trình bản kê phô tô có chữ kí với tên Nguyễn Thị Hằng (không phải là Cao Thị Thu Hằng) đã nhận tiền của ông 17 lần, tổng số tiền là 587.500.000 đồng. Còn bà Thu không có tài liệu gì chứng minh việc bà Hằng nợ mình.

Trong quá trình điều tra vụ án, bà Hằng đã đưa ra những tài liệu chứng minh không có nợ nần gì đối với ông Thuật và bà Thu. Trước đó, qua mối quan hệ quen biết, bà Hằng có vay mượn của bà Thu một số tiền nhưng đã thanh toán xong từ năm 2007. Bằng chứng là bà Hằng đã cung cấp cho cơ quan điều tra 8 biên bản gốc thể hiện việc đã hoàn thành việc trả tiền này. Thậm chí, bà Hằng còn chứng minh được đã trả thừa cho bà Thu hơn 10 triệu đồng.

Đối với trường hợp của ông Thuật, trước đó ông Thuật đã gửi tiền nhờ bà Hằng mua hồ sơ và tài liệu cho một số người để thi viên chức. Nhưng sau đó, ông Thuật lại đề nghị bà Hằng trả lại tiền.

Bằng chứng cho việc thanh toán này là giấy biên nhận gốc ngày 21/10/2006 giữa bà Hằng với ông Thuật có nội dung: “…Tôi đã nhận lại đủ số tiền chị Hằng giao, chỉ giữ lại tiền hồ sơ 150.000 đồng/1 cháu. Tổng bằng 900.000 đồng. Vậy tôi viết giấy này làm bằng. Các giấy tờ khác không có giá trị thanh toán giữa hai bên. Khi nào được việc, tôi sẽ nộp tiền cho chị Hằng theo đã thỏa thuận”.

Chứng cứ quan trọng bỗng nhiên… biến mất?

Giấy biên nhận gốc này được ông Cao Trung Sự (bố đẻ bà Hằng) giao nộp cho CQĐT. Thế nhưng tại phiên tòa sơ thẩm ngày mùng 2 và mùng 3/7/2014, khi gia đình bà Hằng yêu cầu cho xem biên nhận tất toán mà ông Sự giao nộp cho CQĐT thì công tố viên Trần Thị Thu Hương lại xin đính chính rằng “đấy không phải là biên bản gốc mà là bản phô tô”.

Thông báo này của công tố viên đã khiến bà Hằng cùng gia đình “chết lặng”. Bởi trước đó, rõ ràng trong cáo trạng ngày 28/9/2012 của VKSND tỉnh Phú Thọ đã nêu: “trong quá trình điều tra, ông Sự đã giao nộp bản gốc”. Trong bản án sơ thẩm ngày 19/12/2012 cũng ghi như trên. Và cáo trạng ngày 21/2/2014 cũng ghi ông Sự đã giao nộp bản gốc.

“Vậy thì biên nhận gốc đó giờ đang ở đâu?” – bà Hằng nói.

Cũng trong phiên xử sơ thẩm năm 2012, khi Luật sư Hà Đăng (Công ty Luật Hà Đăng, người bảo vệ quyền lợi cho bị cáo Hằng) cho rằng, cơ quan tố tụng khởi tố bị can và truy tố bà Hằng là hoạt động ngoài căn cứ có trong quyết định khởi tố vụ án số 33 là vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Lí do, quyết định khởi tố vụ án số 33 của cơ quan điều tra ngày 26/8/2011 không hề có tên bị hại nào là Hoàng Thị Thu và Tạ Quang Thuật.

Lí giải điều này trước tòa, công tố viên L.X.L. đã giải thích rằng đó là do “lỗi kỹ thuật”.

Bắt giam bà bầu, cắt quà tiếp tế vì…chưa thành khẩn?

Liên quan đến việc bà Hằng bị bắt tạm giam lúc đang mang thai và nuôi con nhỏ, cùng việc cắt quà tiếp tế, kê biên tài sản nhà ở của vợ chồng ông Cao Trung Sự và bà Lê Thị Đường (bố mẹ đẻ bà Hằng).

Sau khi thụ lý, giải quyết đơn của ông Nguyên Hữu Hòa (chồng bà Hằng, trú tại khu 2, thôn Nỗ Lực, xã Thụy Vân, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ), ngày 30/5/2012, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao (CQĐT VKSNDTC) cho biết, việc CQĐT áp dụng biện pháp bắt tạm giam đối với bà Hằng khi biết rõ bị can đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi, vẫn ở tại địa phương và chấp hành giấy triệu tập của CQĐT, không có biểu hiện trốn tránh khi chưa áp dụng biện pháp ngăn chặn khác và trong thời gian bị tạm giam xác định Hằng đang mang thai 09 tuần 04 ngày tuổi là không đúng với quy định của pháp luật, vi phạm điểm b, khoản 2, Điều 88 Bộ luật tố tụng hình sự.

Thông báo của CQĐT VKSNDTC gửi cho GĐ Công an Phú Thọ về việc xử lí vi phạm pháp luật trong hoạt động tư pháp
Thông báo của CQĐT VKSNDTC gửi cho GĐ Công an Phú Thọ về việc xử lí vi phạm pháp luật trong hoạt động tư pháp

Việc đề xuất, ra lệnh phê chuẩn Lệnh tạm giam thuộc trách nhiệm của Điều tra viên Nguyễn Mạnh Cường là người trực tiếp đề xuất, Phó trưởng phòng PC 45 Đào Diệu Sơn trực tiếp chỉ đạo điều tra vụ án, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra Đinh Văn Phúc ký Lệnh bắt giam bị can Cao Thị Thu Hằng.

Về việc cắt quà tiếp tế đối với bị can Hằng, CQĐT VKSNDTC cũng nêu rõ, công văn số 01/CV ngày 03/11/2011 của CQCSĐT CA tỉnh Phú Thọ đề nghị Trại tạm giam CA tỉnh Phú Thọ kỷ luật bị can Hằng, không tiếp nhận quà gửi trong khi bị can Hằng không vi phạm bị Trại tạm giam kỷ luật là trái với Khoản 4, Điều 32 quy chế về tạm giữ, tạm giam.

Trong biên bản xác minh với Luật sư bào chữa cho bà Hằng, ông N.Đ.T. – giám thị trại tạm giam tỉnh Phú Thọ đã viết, lí do không cho bị can Hằng nhận quà tiếp tế là thực hiện theo công văn của CQCSĐT CA tỉnh Phú Thọ, trong đó có nội dung: “Cao Thị Thu Hằng khai báo gian dối, chưa thành khẩn, đề nghị trại tạm giam cắt quà tiếp tế để phục vụ cho công tác điều tra”.

Điều tra viên “bí mật” viết thêm vào biên bản lời khai

Nghiêm trọng hơn, trong phần kê biên tài sản số 06, kê biên ngôi nhà 04 tầng nằm trên thửa đất số 513, tờ bản đố số 43 tại thôn Nỗ Lực, xã Thụy Vân, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, mà theo tài liệu điều tra ban đầu là thuộc quyền sở hữu của vợ chồng bị can Hằng. Tuy nhiên, sau khi nhận được đơn khiếu nại của ông Sự (bố đẻ Hằng), CQĐT đã có công văn giải tỏa tài sản kê biên nêu trên.

Lí do dẫn tới việc CQĐT ra lệnh kê biên tài sản. CQĐT VKSNDTC ghi rõ là do Điều tra viên Nguyễn Mạnh Cường đã đề xuất. Tài liệu chứng cứ liên quan đến việc kê biên tài sản là do Điều tra viên Nguyễn Mạnh Cường giả mạo để báo cáo lãnh đạo CQĐT.

Cụ thể, Điều tra viên Cường đã tự viết thêm vào biên bản lời khai Cao Thị Thu Hằng ngày 01/08/2011 với nội dung: “Tôi cùng chồng tôi là Hòa và 2 con nhỏ đang sống tại căn nhà ở thôn Nỗ Lực, xã Thụy Vân, Việt Trì. Nhà này do chồng tôi làm năm 2009, chúng tôi sống chung với nhau”.

Cũng xác lập nội dung tương tự nêu trên, Điều tra viên Cường còn tự viết khống trong biên bản xác minh tại UBND xã Thụy Vân ngày 17/11/2011 với nội dung: “Cao Thị Thu Hằng sống cùng chồng con tại ngôi nhà 4 tầng tại xã Thụy Vân, nhà này do vợ chồng Hằng làm trên mảnh đất thuộc quyền sở hữu của bố mẹ đẻ là ông Cao Trung Sự”.

Sau khi xác minh, CQĐT của VKSNDTC kết luận, hành vi giả mạo nói trên của Điều tra viên Cường đã xâm phạm hoạt động đúng đắn của CQĐT, xâm phạm quyền sở hữu tài sản hợp pháp của công dân….

Bên cạnh đó, CQĐT VKSNDTC cũng kiến nghị đến đồng chí GĐ CA tỉnh Phú Thọ phải chỉ đạo tổ chức kiểm điểm các cá nhân liên quan đến việc bắt tạm giam bị can Cao Thị Thu Hằng, có biện pháp xử lí ký luật hành chính nghiêm minh đối với hành vi giả mạo nêu trên của Điều tra viên Nguyễn Mạnh Cường…

Theo một nguồn tin riêng của phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam, liên quan đến những sai phạm trên, thực hiện chỉ đạo nghiêm minh của GĐ Công an tỉnh Phú Thọ, các đồng chí Nguyễn Mạnh Cường, Đào Diệu Sơn đều đã nhận hình thức xử lí kỷ luật.

Báo Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc…

VIẾT CƯỜNG