Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng 23/11, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Cả nước có 198 nghìn doanh nghiệp, đơn vị chậm đóng bảo hiểm xã hội
Phát biểu tại hội trường, Đại biểu Nguyễn Thị Thủy - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn góp ý về hành vi trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội và cho biết, số doanh nghiệp trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội trong giai đoạn 2016-2022 khoảng gần 10 nghìn tỷ đồng/năm. Trong năm, 2022, riêng số đơn vị, doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội kéo dài 3 năm lên tới 56% và trên phạm vi cả nước có tới 198 nghìn doanh nghiệp, đơn vị chậm đóng bảo hiểm xã hội.
Về những hệ lụy mà người lao động phải gánh chịu, theo báo cáo của Chính phủ, chỉ tính riêng số người lao động bị chậm đóng bảo hiểm trong năm 2022 lên tới 2,6 triệu người và trong đó số tiền khó có khả năng thu hồi do doanh nghiệp đã giải thể, phá sản hoặc chủ doanh nghiệp đã bỏ trốn là 2.500 tỷ đồng.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: quochoi.vn. |
Góp ý về hành vi trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội tại điểm c, khoản 2 Điều 36, Đại biểu Nguyễn Thị Thủy đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung quy định này để tránh xung đột với các quy định khác trong hệ thống pháp luật. Đại biểu lo lắng nếu như quy định như dự thảo thì doanh nghiệp có thể lợi dụng và đưa ra lý do kinh doanh khó khăn nên không có khả năng đóng, do đó sẽ không thể xử lý được hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội.
Ngoài ra, nữ đại biểu đề nghị cùng với việc sửa Điều 13 của Luật Bảo hiểm xã hội, kiến nghị với Quốc hội trong lần này sẽ đưa vào Điều 135 của dự thảo Luật sửa đồng thời Bộ luật Tố tụng dân sự và sửa Luật Công đoàn. Theo đó, đề nghị giao cho công đoàn các cấp có quyền đứng ra khởi kiện chứ không chỉ là công đoàn cấp cơ sở như hiện nay. Đồng thời quy định nếu như công đoàn đứng ra khởi kiện rồi thì không cần phải có ủy quyền của người lao động.
Bổ sung chế tài để hạn chế tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc
Phát biểu tại phiên thảo luận, Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang quan tâm đến tình trạng chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc hiện nay.
Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang. Ảnh: quochoi.vn. |
Cụ thể nữ đại biểu cho biết: “Thời gian qua, tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vẫn còn diễn ra ở nhiều doanh nghiệp, địa phương, ảnh hưởng tới việc giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội của người lao động.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó có việc chưa quản lý chặt chẽ đối tượng thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Các giải pháp, biện pháp xử lý tình trạng chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội vẫn chưa đạt được hiệu quả như kỳ vọng. Để khắc phục tình trạng trên, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội đã bổ sung một số quy định cụ thể về các hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc với các biện pháp xử lý, chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm như Điều 36 và Điều 37.
Để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, tôi đề nghị Ban soạn thảo cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu bổ sung một số biện pháp, chế tài như khấu trừ tiền nợ bảo hiểm xã hội tại các tài khoản ngân hàng sau khi đã có thông báo đôn đốc của cơ quan bảo hiểm xã hội trong thời gian nhất định, có thể là 3 tháng, công khai danh tính các đơn vị nợ bảo hiểm xã hội trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Đồng thời, cần có các quy định đồng bộ, khả thi nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc đang đặt ra hiện nay có thể nói là đang khá bế tắc trong việc khởi kiện dân sự và khởi tố hình sự đối với người sử dụng lao động có hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội.
Theo quy định của dự thảo luật có 2 chủ thể có quyền và trách nhiệm khởi kiện đối với người sử dụng lao động có hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, đó là công đoàn thể hiện ở điểm c khoản 1 Điều 13 và cơ quan bảo hiểm xã hội thể hiện ở khoản 4 Điều 37. Ngoài việc khởi kiện về dân sự, dự thảo luật cũng quy định cơ quan bảo hiểm xã hội kiến nghị khởi tố theo quy định của pháp luật khi người sử dụng lao động có dấu hiệu phạm tội trốn đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của Bộ luật Hình sự, nội dung này được thể hiện ở khoản 5 Điều 37”.
Tuy nhiên, Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà cho rằng, quy định trên là chưa đầy đủ, đồng thời, đề nghị chỉnh sửa, bổ sung khoản 4 và khoản 5 Điều 37 theo hướng sau:
Khi người sử dụng lao động có hành vi chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội và cơ quan có thẩm quyền đã áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính mà người sử dụng lao động vẫn không đóng hoặc đóng không đủ số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc phải đóng, không chỉ cơ quan bảo hiểm xã hội mà tổ chức công đoàn và người lao động cũng có quyền khởi kiện người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, khi người sử dụng lao động có dấu hiệu phạm tội trốn đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của Bộ luật Hình sự, không chỉ cơ quan bảo hiểm xã hội mà tổ chức công đoàn, các cơ quan thanh tra, kiểm tra về lao động bảo hiểm xã hội và người lao động đều có quyền kiến nghị, khởi tố theo quy định của pháp luật. Song song với đó, cần hoàn thiện các quy định của pháp luật có liên quan, bảo đảm tính khả thi, hiệu lực, hiệu quả của việc khởi kiện, khởi tố đối với các hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội. Nếu không, việc khởi tố, khởi kiện theo quy định trên sẽ tiếp tục bế tắc như hiện nay.
Đại biểu cũng thông tin thêm: “Thời gian qua, từ thực tiễn của tỉnh Bắc Giang cho thấy, mặc dù Liên đoàn Lao động tỉnh đã rất tích cực. Song, việc thực hiện cơ chế tổ chức công đoàn khởi kiện doanh nghiệp ra tòa án đối với hành vi nợ bảo hiểm xã hội nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân lao động còn chưa thực sự hiệu quả do gặp 4 khó khăn lớn như sau:
Một là, khó khăn do quy định về thẩm quyền khởi kiện ra tòa án là của công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp. Trong khi đó, cán bộ công đoàn cơ sở là người được người sử dụng lao động tuyển dụng, trả lương nên rất khó thuyết phục họ đứng tên đại diện cho công đoàn cơ sở khởi kiện người sử dụng lao động.
Hai là, khó khăn do quy định một trong những thủ tục để công đoàn cơ sở khởi kiện doanh nghiệp là phải được sự ủy quyền của từng người lao động. Trong khi doanh nghiệp dừng sản xuất, người lao động đã đi làm ở nhiều doanh nghiệp khác. Vì vậy, công đoàn cơ sở gặp rất nhiều khó khăn để lấy được hàng trăm giấy ủy quyền của người lao động.
Ba là, khó khăn do quy định người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đã xuất cảnh nên không có người đại diện để hòa giải với công đoàn cơ sở, do đó không có căn cứ để tòa án ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành ngoài tòa án và tiến hành thi hành án.
Bốn là, khó khăn do điều kiện về tài sản của doanh nghiệp. Để đảm bảo thi hành thi hành án gần như không có bởi tài khoản gần như không có tiền. Nhà xưởng của các doanh nghiệp chủ yếu là thuê máy móc, tài sản đã thế chấp tại ngân hàng”.
“Vì vậy, cùng với việc sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội, đề nghị Quốc hội cũng cần sớm nghiên cứu, sửa đổi đồng bộ các luật có liên quan đến việc khởi kiện, khởi tố đối với các hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội như Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Lao động, Luật Công đoàn và các bộ luật khác có liên quan, để nâng cao tính khả thi, hiệu lực, hiệu quả của quy định trên và quan trọng nhất là để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân và người lao động” - nữ đại biểu bày tỏ.
Thời gian qua, cơ quan bảo hiểm xã hội đã và đang đảm nhận rất tốt nhiệm vụ
Nêu ý kiến tại phiên thảo luận, Đại biểu Nguyễn Hoàng Uyên - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An bày tỏ quan tâm đến nội dung về đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện…
Đại biểu Nguyễn Hoàng Uyên - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An. Ảnh: quochoi.vn. |
Đại biểu Nguyễn Hoàng Uyên phân tích: Thứ nhất, đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện. Tôi thống nhất cao với Ban soạn thảo về sự tiếp thu ý kiến đóng góp của cử tri trong việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Tuy nhiên, tôi đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu bổ sung quy định tại điểm e khoản 1 Điều 3, theo tôi quy định này rất khó triển khai thực hiện và không thể áp dụng một cách triệt để, hiệu quả. Vì thực tế hiện nay, có rất nhiều trường hợp lao động đặc thù mà không có giao kết hợp đồng lao động, không xác định được tiền lương, tiền công ổn định hàng tháng để làm cơ sở cho việc đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc hay bảo hiểm xã hội tự nguyện. Do đó, cần có quy định chặt chẽ hơn về nhóm đối tượng này khi đưa vào đối tượng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc để có thể bảo vệ tối đa quyền lợi của người lao động.
Thứ hai, về giải thích từ ngữ tại Điều 4. Tôi đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung “kê khai bảo hiểm xã hội là việc người sử dụng lao động, người lao động cung cấp thông tin, số liệu, hồ sơ liên quan đến những thay đổi, biến động hàng tháng về đối tượng căn cứ đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật cho cơ quan bảo hiểm xã hội”.
Để đảm bảo tính thống nhất với Nghị quyết số 05 ngày 15/8/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 214 về tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; Điều 215 về tội gian lận bảo hiểm y tế và Điều 216 về tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động của Bộ luật Hình sự. Việc quy định khái niệm nêu trên làm rõ thêm trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động trong việc thực hiện thủ tục tham gia bảo hiểm xã hội lần đầu và cập nhật thêm sự thay đổi trong quá trình tham gia bảo hiểm xã hội; lập hồ sơ, thủ tục theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội; không làm phát sinh thêm thủ tục hành chính, thuận tiện, thống nhất trong việc tổ chức thực hiện.
Thứ ba, tại khoản 1 Điều 15 quy định “Cơ quan bảo hiểm xã hội là cơ quan nhà nước do Chính phủ thành lập, có chức năng thực hiện chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội bắt buộc; bảo hiểm xã hội tự nguyện; quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế và nhiệm vụ khác theo quy định của luật này”.
Vấn đề này theo quy định tại khoản 1 Điều 93 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 “Cơ quan bảo hiểm xã hội là cơ quan nhà nước có chức năng thực hiện chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng các quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; thanh tra việc đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế và nhiệm vụ khác theo quy định của luật này”.
Với vị trí, vai trò, chức năng và nhiệm vụ nêu trên, thời gian qua, cơ quan bảo hiểm xã hội đã và đang đảm nhận rất tốt nhiệm vụ này.
Thể hiện qua kết quả ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển đối tượng, mở rộng diện bao phủ, tổ chức giải quyết, chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, giảm thiểu tối đa thủ tục, hồ sơ, giấy tờ, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính hoàn toàn qua môi trường mạng.
Do vậy, tôi đề nghị Chính phủ quán triệt quan điểm kế thừa những quy định tại Điều 93 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 đang phát huy hiệu quả, tránh những sửa đổi không cần thiết, không trọng tâm, trọng điểm. Sửa luật lần này cần tập trung cao vào việc mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội; xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng, bảo hiểm xã hội một lần. Tăng cường cải cách hành chính để người dân dễ tiếp cận và thụ hưởng được chính sách.
Thứ tư, điều kiện hưởng lương hưu. Tôi thống nhất được hưởng lương hưu hàng tháng từ 20 năm xuống 15 năm, với lý do xuất phát từ cơ sở chính trị và cơ sở thực tiễn mà trong Tờ trình của Chính phủ đã nêu. Tuy nhiên, với quy định này, tôi còn băn khoăn về mức lương hưu của những người này sẽ khá thấp, trong khi dự thảo luật lại bỏ quy định về mức lương hưu tối thiểu của luật hiện hành.
Do đó, tôi đề nghị Ban soạn thảo có quy định hợp lý hơn trên cơ sở áp dụng cách tính lương hưu có tính chia sẻ để đối tượng này được hưởng lương hưu với mức cao hơn, điều này cũng phù hợp với Nghị quyết Đại hội Đảng XIII.
Ngoài ra, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung nội dung về giải quyết chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội cho người lao động đối với trường hợp doanh nghiệp không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh, đơn vị đang làm thủ tục giải thể, đơn vị phá sản, đơn vị không có người đại diện pháp luật không còn tài sản, không còn nguồn tài chính để trả chậm đóng bảo hiểm xã hội.
Vì vậy, số tiền chậm đóng đã tồn tại nhiều năm nay, không thể giải quyết do nhiều doanh nghiệp đã dừng hoạt động lâu ngày, không xử lý được trách nhiệm của cá nhân và pháp nhân. Vì lỗi ở đây không phải là của người lao động mà do chưa xử lý nghiêm, kịp thời các trường hợp vi phạm và trách nhiệm của người sử dụng lao động vi phạm pháp luật khi không đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, nên không thể giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội như ốm đau, thai sản, hưu trí, bảo hiểm thất nghiệp, tai nạn lao động cho người lao động trong trường hợp này.
Đồng tình mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội theo Nghị quyết 28
Phát biểu ý kiến tại hội trường, Đại biểu Trần Thị Hiền - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam đề cập đến việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Đại biểu Trần Thị Hiền - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam. Ảnh: quochoi.vn. |
Cụ thể, Đại biểu Trần Thị Hiền cho biết, nhìn chung đại biểu tán thành với dự án luật trình Quốc hội lần này khi tiếp tục có những quy định về để mở rộng đối tượng tham gia theo tinh thần của Nghị quyết số 28 và phù hợp với Bộ luật Lao động năm 2019, trong đó có nhóm người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ một tháng trở lên thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
“Tuy nhiên quá trình triển khai trên thực tế cần có những điều chỉnh và có thể cân nhắc để bảo đảm tính tương thích, khả thi khi quy định mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, đó là đối với nhiều dự án, công trình cụ thể ở các vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi, nơi có ít nhà máy, công ty…, ít có điều kiện để người lao động có thể làm việc dài hạn, khi triển khai, người sử dụng lao động phải huy động lao động nông nhàn theo mùa vụ và theo quy định phải đóng bảo hiểm xã hội cho họ” - nữ đại biểu nêu.
Theo đại biểu, việc tham gia cũng trên cơ sở ở mức lương không cao do chủ yếu làm các công việc đơn giản, hoạt động chân tay từ 03 đến 06 tháng. Khi dự án, công trình kết thúc, người lao động lại quay trở về với công việc đồng áng thường ngày và gần như rất ít có cơ hội quay lại tiếp tục tham gia thị trường lao động để có thể đóng bảo hiểm xã hội, kể cả là tham gia bảo hiểm tự nguyện.
Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần cân nhắc để có thể phân loại và quy định thêm một số điều kiện để cho phép một số trường hợp cụ thể nên trao quyền cho người lao động được lựa chọn việc nhận tiền công bao gồm cả phần bảo hiểm xã hội để thu nhập được tốt hơn thay vì phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.