Có một quan niệm rằng người Tây Ban Nha đã khai sinh ra lối chơi “Tiki-taka”, một thuật ngữ đang được dùng rất phổ biến hiện nay trong giới báo chí thể thao lẫn những người hâm mộ bóng đá. Barcelona và ĐTQG Tây Ban Nha đúng là đội bóng thành công nhất trong việc sử dụng chiến thuật này, nhưng điều đó không có nghĩa là họ tạo ra nó. Thậm chí họ chỉ là kẻ đi sau, bởi nó đã được nghĩ ra từ rất lâu. |
Trước tiên, chúng ta cần phải hiểu khái niệm Tiki-taka. Đặc trưng của phong cách này là sự di chuyển, chuyền bóng ngắn, làm bóng qua nhiều “kênh” (những khu vực cụ thể trên sân bóng) và cầm bóng nhiều. Nó bao gồm sự di chuyển tự do và hoán đổi vị trí giữa các tiền vệ, di chuyển bóng một cách phức tạp nhưng chính xác bằng những đường chuyền 1-2 chạm, và nhanh chóng xoay chuyển từ tấn công sang phòng ngự và ngược lại. |
Một trong những điểm mấu chốt của Tiki-taka là tạo ra khoảng trống cho người chuyền bóng lẫn người dứt điểm (“find the open man to shoot the ball” – câu nói được dùng trong hầu hết các môn thể thao đồng đội có ghi điểm). Để đạt được điều này, đội bóng áp dụng tiki-taka phải có các cầu thủ di chuyển rộng trên toàn mặt sân, và sự di chuyển đó phải kéo dài trong suốt trận để luôn tạo ra không gian thông thoáng cho người có bóng. Nói một cách đơn giản thì là như sau: “Khi ta có bóng, hãy làm cho mặt sân trong rộng rãi nhất có thể; Khi ta không có bóng, hãy làm điều ngược lại” – Javier Clemente. |
Cụm từ tiki-taka thực tế không xuất hiện cho tới khi nó được nói ra lần đầu tiên vào năm 2006, tại World Cup. Bình luận viên Andrés Montes là người đề cập tới thuật ngữ này trên truyền hình trong trận Tây Ban Nha – Tunisia (nguồn: Cuốn “The Linguistics of Football” – “Ngôn ngữ học bóng đá” của Eva Lavric). Như vậy, “Tiki-taka” là một thuật ngữ được sáng tạo bởi người Tây Ban Nha, còn tư tưởng trung tâm của nó thì không. |
Trong cuốn sách “Sổ tay Tiki-taka” của cựu HLV bóng đá Jed C.Davies, chiến thuật này thực chất “là một dạng thức tiến hóa của Bóng đá Tổng lực”. Chúng ta đều đã biết đó là chiến thuật của đội bóng nào – ĐTQG Hà Lan 1974 và Ajax 1969 – 1973. Khái niệm của Bóng đá Tổng lực là một cầu thủ trên sân có thể thay thế vị trí của bất kỳ đồng đội nào. Kiến trúc sư của khái niệm nổi tiếng này là huyền thoại Rinus Michels, và nó giúp Johan Cruyff trở thành một danh thủ đi vào lịch sử bóng đá thế giới. |
Cũng trùng hợp là, Johan Cruyff chính là huấn luyện viên trưởng của Barcelona giai đoạn 1988 – 1996, và trong giai đoạn này Barcelona đạt tới cực thịnh với “Dream Team” của năm 1992, năm mà Barcelona vô địch cả La Liga và Champions League. Johan Cruyff dùng chiến thuật Bóng đá Tổng lực ngay khi mới khởi nghiệp huấn luyện ở Ajax năm 1985, với một đội hình nổi tiếng như sau: 3 hậu vệ cơ động, 1 tiền vệ phòng ngự (Frank Rijkaard), 2 tiền vệ làm bóng cho tiền đạo (Aron Winter và Arnold Scholten), 1 tiền đạo giả (John Bosman), 2 tiền vệ bám cánh (Dennis Bergkamp và John van’t Schip) và 1 trung phong (Marco Van Basten). Sơ đồ đội hình đó sau này được lặp lại y hệt ở Nou Camp. |
Tuy nhiên cùng với sự phát triển của bóng đá với xu hướng chú trọng hơn vào phòng ngự, Barcelona cải tiến Bóng đá Tổng lực với tinh thần chung là giữ một bộ khung cố định 4 hậu vệ. Vai trò của tiền vệ phòng ngự được thay thế bằng việc cả 3 tiền vệ đều tham gia vào công việc phòng ngự theo phong cách ép toàn mặt sân (theo phong cách của nhà cầm quân huyền thoại Valeriy Lobanovsyi). Pep Guardiola từng nói: “Chúng tôi cướp bóng của đối phương khi khoảng cách tới khung thành của họ là 30m, không phải 80m” (trích trong “Sổ tay Tiki-taka”). |
Như vậy có thể nói “Đại tướng” Rinus Michels, “Huấn luyện viên của Thế kỷ XX" mới là người sáng tạo ra những yếu tố cơ bản của chiến thuật Tiki-taka, và học trò của ông là Johan Cruyff là người mang tư tưởng đó tới Barcelona và xây dựng đội bóng theo hướng này. Tiki-taka đã biến Ajax từ một ứng cử viên xuống hạng thành nhà vô địch châu Âu, Barcelona và ĐTQG Tây Ban Nha chỉ là những đội bóng đi sau trong việc sử dụng chiến thuật này. Tất nhiên, không thể không khen ngợi Barca khi họ đã biết cải tiến chiến thuật này sao cho hợp với bóng đá hiện đại. |
Và để kết thúc cho bài viết, xin được khẳng định: Rinus Michels thậm chí không phải là người đầu tiên nghĩ ra khái niệm "cầu thủ có thể đá mọi vị trí". Người thực sự nghĩ ra nó là Gusztav Sebes, HLV trưởng của một trong những ĐTQG xuất sắc nhất (nếu không muốn nói là xuất sắc nhất) trong lịch sử bóng đá, đội tuyển Hungary 1954 ("The Magical Magyars") dẫn đầu bởi huyền thoại của Real Madrid, Ferenc Puskas. "The Magical Magyars" vào đến chung kết World Cup 1954; từng 'hủy diệt' tuyển Anh ngay tại sào huyệt Wembely trong 'trận đấu của thế kỷ' năm 1953 với tỷ số 6-3. Một năm sau đó cũng tại London, Hungary tiếp tục thắng 7-1. |
Barcelona, biểu tượng của bóng đá đẹp đương đại. |
Trần Long