Học sinh học thêm, ở lớp GV ra đề, đánh giá mà điểm thấp thì trò nào học nữa

03/11/2024 06:52
HƯƠNG GIANG
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Nếu giáo viên dạy thêm nghiêm khắc quá, kiểm tra, đánh giá trên lớp giữa học sinh học thêm và không đi học thêm giống nhau thì mấy học trò đi học thêm.

Cái khó nhất của tình trạng dạy thêm, học thêm của giáo viên với học sinh chính khóa ngoài nhà trường hiện nay là cơ quan chức năng và nhà trường đang rất khó kiểm soát, hay nói đúng hơn là không thể kiểm soát, giám sát được. Vì thế, giáo viên dạy gì, học sinh học gì không ai có thể kiểm tra, đối chứng.

Giáo viên dạy trước chương trình hay dạy sau chương trình chính khóa; giáo viên dạy thêm cho học sinh chính khóa của mình hay học sinh các lớp tự tìm đến; đề kiểm tra ở lớp học thêm có khác gì với đề kiểm tra chính khóa trên lớp hay không…? Những điều này chỉ có những người trong cuộc mới tường tận.

Những bất công trong kiểm tra, đánh giá học sinh đang học thêm và không đi học thêm vẫn âm thầm diễn ra từ năm này đến năm khác. Mọi thứ đều chờ mong sự “công tâm” của giáo viên dạy thêm. Nhưng, có lẽ mọi thứ đều khó khăn, học sinh không đi học thêm thường chịu thiệt thòi khi kiểm tra, đánh giá.

18-1789-8994.png
Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn

Đề kiểm tra trên lớp đã được làm trước ở lớp học thêm

Một giáo viên dạy môn Ngữ văn ở cấp Trung học cơ sở ở một tỉnh phía Nam chia sẻ rằng trong buổi họp Hội đồng cốt cán cấp tỉnh, có một giáo viên lên tiếng là hiện nay môn học đang thực hiện kiểm tra, đánh giá theo Công văn 3175 của Bộ là không lấy ngữ liệu trong sách giáo khoa (cả 3 bộ sách) để ra đề kiểm tra định kỳ.

Vì thế, những em đi học thêm bao giờ cũng có lợi thế khi giáo viên dạy thêm thường dạy trước và “bật mí” đề kiểm tra. Vậy nên, khi giáo viên kiểm tra chính khóa trên lớp thì những học sinh đi học thêm sẽ biết trước đề hoặc đã được giáo viên mớm bài trước nên không gặp khó khăn. Ngược lại, những học sinh không tham gia đi học thêm sẽ gặp khó.

Trước thực trạng này, lãnh đạo có giải pháp gì?

Trả lời câu hỏi của giáo viên, vị chuyên viên Sở nói rằng cái này rất khó và đây cũng là thực trạng chung của tình trạng dạy thêm, học thêm hiện nay trên cả nước. Thôi thì, chúng ta chờ vào lương tâm của những giáo viên dạy thêm chứ nào có giải pháp nào hữu hiệu.

Cách trả lời như thế này cho thấy sự bất lực trước tình trạng dạy thêm và học thêm hiện nay ở một sô địa phương.

Bản thân người viết bài cũng đang kiêm nhiệm tổ trưởng chuyên môn và trong những năm qua cũng đã nhiều lần được học sinh, phụ huynh, giáo viên trong tổ phản ánh, đưa bằng chứng là thầy này, cô kia cho đề kiểm tra thường xuyên trên lớp giống y chang bài tập mà giáo viên trên lớp đã cho làm thử.

Thế nhưng, với chức vụ kiêm nhiệm cỏn con của mình chỉ có thể báo cáo lên Ban giám hiệu nhưng cũng chẳng có giải pháp nào thuyết phục. Bản thân cũng gặp gỡ, trao đổi riêng với giáo viên dạy thêm được phản ánh nhưng họ chối bay, chối biến.

Kiểm tra chuyên đề về dạy thêm, học thêm cũng chẳng giải quyết được vấn đề gì. Giáo viên thì báo cáo không có dạy thêm- cho dù ngày nào chúng tôi cũng đi qua chỗ họ đang dạy thêm, còn khảo sát học sinh thì các em nói không học thêm. Vì thế, mọi thứ đều đi vào ngõ cụt.

Cuộc họp chi bộ, hội đồng sư phạm nhà trường cũng thường xuyên được Ban giám hiệu quán triệt là giáo viên không được dạy thêm cho học sinh chính khóa; khi dạy phải có giấy phép nhưng giáo viên dạy thêm chủ yếu cho học sinh chính khóa của mình và đa phần giáo viên dạy thêm ở nhà họ không có giấy phép.

Nhiều năm đã vậy và bây giờ cũng vậy. Giáo viên dạy thêm tại nhà của họ chẳng có ai kiểm tra, giám sát nên những lời nhắc nhở của Ban giám hiệu và tổ chuyên môn gần như chẳng có tác dụng gì.

Một bộ phận học sinh thì sợ giáo viên mà đi học thêm và các em cũng cần điểm số đẹp; giáo viên dạy thêm cho học sinh chính khóa dù có lý thuyết viển vông như thế nào đi chăng nữa cũng không ngoài mục đích là kiếm thêm thu nhập.

Học sinh thì được cải thiện điểm số, giáo viên có thêm thu nhập nhưng hằng tháng, phụ huynh đang phải chi một khoản tiền lớn cho con mình đi học thêm. Những thật- giả về điểm số cũng luôn lẫn lộn. Chỉ qua kỳ thi tuyển sinh 10 thì chất lượng thật ở nhiều bộ môn, trường học được phơi bày.

Rất khó đòi hỏi sự công tâm của giáo viên khi dạy thêm cho học sinh chính khóa

Hơn chục năm nay, Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT quy định về dạy, học thêm cấm giáo viên dạy thêm cho học sinh chính khóa cũng có lý do của nó. Bởi, phàm đã là con người thì không phải lúc nào cũng rạch ròi mọi thứ được. Vì thế, giáo viên có ưu ái với học sinh đang học thêm với mình cũng là điều dễ hiểu.

Suy cho cùng, “điểm đến” của giáo viên dạy thêm cho học sinh chính khóa là có nhiều học sinh theo học để tăng thu nhập cho cá nhân thì tất nhiên phải tìm cách để thu hút học trò. Nếu dạy thêm mà nghiêm khắc quá, đánh giá kết quả học tập trên lớp giống như học sinh không đi học thêm thì chẳng mấy học trò đi học thêm làm gì với giáo viên chính khóa.

Thực tế, hiện nay ở các khu vực có điều kiện, trung tâm gia sư có rất nhiều. Có điều, giá học thêm tại các trung tâm gia sư có phần cao hơn và họ cũng dạy nghiêm khắc hơn. Các trung tâm gia sư muốn tồn tại được phải nâng cao uy tín nên khi tuyển lực lượng giáo viên cũng luôn có sự chọn lọc.

Phần nhiều những học sinh học được và có mục tiêu cao thì các em sẽ học thêm ở trung tâm vì tính khách quan cao hơn. Học ở trung tâm nhưng vẫn có thể làm tốt bài học trên lớp và đủ khả năng để chinh phục các kỳ thi lớn.

Những giáo viên dạy thêm tại nhà phần nhiều là dạy thêm cho học trò chính khóa. Trong số giáo viên dạy thêm tại nhà, tất nhiên cũng có nhiều giáo viên giỏi nhưng cũng có nhiều giáo viên không giỏi về về chuyên môn. Nhưng, họ có lợi thế đang dạy nhiều lớp ở trường nên vẫn thu hút được phần đông học trò chính khóa theo học.

Bản thân người viết bài cũng có con đang học phổ thông. Những môn không đi học thêm được mà giáo viên chính khóa đang mở lớp dạy thêm cũng bị không ít giáo viên hành lên, hành xuống- nhất là thời điểm đầu năm học.

Bức tranh dạy thêm, học thêm hiện nay ở ngành giáo dục đang có phần phức tạp, “vàng-thau” lẫn lộn và khó kiểm soát. Nếu ngành Giáo dục và các cơ quan chức năng không có những chính sách phù hợp để quản lí thì khó có thể có "học thật, thi thật, kết quả thật" được.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

HƯƠNG GIANG