Được thành lập từ tháng 3/1992, tiền thân là Đội Đặc biệt (F264), Đội Đặc nhiệm thuộc Phòng Cảnh sát hình sự (PC45) Công an TP.Hà Nội trải qua 20 năm hoạt động với rất nhiều chiến công gắn liền với việc khám phá các vụ trọng án hình sự trên địa bàn Thủ đô.
Mỗi khi Hà Nội xảy ra vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng nào là khi đó, lính đặc nhiệm lập tức có mặt.
Nhận nhiệm vụ hiểm nguy
Phân công xong công việc cho cán bộ, chiến sĩ trong Đội, Trung tá Võ Hồng Phương, Đội trưởng Đội Đặc nhiệm dành thời gian quý báu trong ngày cuối cùng của năm 2012 để ôn lại những chiến công của đơn vị Anh hùng qua nhiều năm sôi động và đầy thử thách.
Trong suốt cuộc trò chuyện, anh rất ít nói về bản thân và chỉ say sưa nói về chuyện “đánh án”, về tập thể đơn vị. Ở đó, sự thành công gắn liền với bao niềm vui, nỗi buồn, sự đồng cam cộng khổ và cả những nỗi niềm riêng của anh và các đồng đội.
Ở đó còn là tình người sâu thẳm, là niềm cổ vũ động viên để những người lính đặc nhiệm gác lại hạnh phúc riêng tư, sẵn sàng cống hiến cả tuổi thanh xuân vì bình yên cuộc sống của người dân.
Trung tá Võ Hồng Phương cho biết, Đội Đặc nhiệm là đội quân "thiện chiến" của Phòng PC45 - Công an TP.Hà Nội, chuyên làm 4 nhiệm vụ mà chỉ mới nghe đã thấy nguy hiểm.
Thứ nhất là phòng chống khủng bố, bạo loạn, giải cứu con tin... Thứ hai là phòng chống các loại tội phạm nguy hiểm như giết người, cướp tài sản... Thứ ba là phòng chống các loại tội phạm cướp có vũ trang, các băng, ổ nhóm tội phạm hoạt động có tổ chức, côn đồ, hung hãn, đâm thuê chém mướn, hoạt động theo kiểu “xã hội đen”, đối tượng buôn bán, tàng trữ và sử dụng vũ khí trái phép... Cuối cùng là truy bắt đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm và thực hiện các nhiệm vụ đặc biệt khác mà cấp trên giao phó.
Trong quá trình công tác, các cán bộ, chiến sĩ của Đội phải thường xuyên hoạt động đơn lẻ, tiếp xúc với những mặt trái củ, đối mặt với những tên tội phạm nguy hiểm, phương thức thủ đoạn hoạt động hết sức manh động, tinh vi, xảo quyệt.
Chính vì vậy, để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, người lãnh đạo như anh Phương quán triệt anh em trong đơn vị phải luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, rèn luyện bản lĩnh chính trị vững vàng, nâng cao sức chiến đấu và năng lực công tác.
Là người đứng đầu Đội Đặc nhiệm, Trung tá Võ Hồng Phương có nhiệm vụ chỉ đạo đơn vị chủ động, thường xuyên làm tốt công tác tham mưu, hướng dẫn, triển khai có hiệu quả công tác nghiệp vụ cơ bản;
Đặc biệt là việc xây dựng, triển khai các kế hoạch, tổ chức thực hiện và đôn đốc công an các quận, huyện thực hiện Đề án 03 trong Chương trình Quốc gia phòng, chống tội phạm “Đấu tranh phòng, chống tội phạm gây án nghiêm trọng, tội phạm có tổ chức, tội phạm mang tính quốc tế”, phát hiện 35 tuyến, địa bàn trọng điểm có hoạt động tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, những loại tội phạm mới, nhận diện được những đối tượng hình sự nguy hiểm để tập trung phòng, chống;
Thường xuyên cùng với các lực lượng của công an và quân đội thành phố, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng triển khai và diễn tập các phương án phòng chống khủng bố, bạo loạn, bắt cóc con tin và các trường hợp khẩn cấp; thực hiện các biện pháp nghiệp vụ cơ bản để xác lập đấu tranh chuyên án, đấu tranh phòng chống tội phạm nguy hiểm đạt hiệu quả cao.
Chiến công nối tiếp chiến công
Từ năm 1992 đến nay, Đội Đặc nhiệm liên tục được Nhà nước và các cấp chính quyền khen thưởng các Huân chương hạng Nhất, Nhì, Ba; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an, Tổng cục Cảnh sát, các bộ, ngành khác.
Đơn vị cũng vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và được vinh danh trong chương trình “Vinh quang Việt Nam”, một chương trình vinh danh những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước.
Bản thân anh Võ Hồng Phương nhiều năm liên tục đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua, năm 2008 được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương chiến công hạng Ba, được Bộ Công an, UBND thành phố tặng nhiều Bằng khen, Giám đốc Công an thành phố tặng giấy khen trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng của đơn vị.
Trung tá Phương tâm sự: “Đó là nguồn động viên tinh thần to lớn, khích lệ anh em phấn đấu, rèn luyện để nâng cao nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, “không bắt oan sai, không để lọt tội phạm”.
Những thành tích, chiến công ấy đều là của tập thể Đội tạo nên. Đã thành truyền thống, trụ sở Đội trở thành ngôi nhà chung thắm tình đoàn kết, ấm nồng sự chia sẻ trong công việc lẫn đời thường của những người lính hình sự”.
Đội có 29 cán bộ chiến sĩ thì có tới một nửa là lính trẻ, người chỉ huy này không hề lo anh em không làm được việc mà chỉ lo họ dễ “dính đạn bọc đường”. Để anh em mau trưởng thành về chuyên môn, Trung tá Phương đã triển khai kế hoạch “lính già” kèm cặp bồi dưỡng “lính trẻ”. Sẵn lòng nhiệt huyết lại tiếp thu nhanh khi được thế hệ đàn anh chỉ bảo dìu dắt, chẳng mấy mà lớp trẻ đã đầy ắp kinh nghiệm phá án.
“Đã làm nghề này thì ai cũng phải đối mặt với cám dỗ. Chính vì thế, lãnh đạo Phòng và Đội luôn nhắc nhở chúng tôi một câu rất đơn giản mà thấm thía: “Cái giá của các anh cao lắm đấy. Liệu mà giữ mình!”.
Chúng tôi hiểu bản thân phải xử sự như thế nào trước những cám dỗ vật chất. Không thể “mua danh ba vạn, bán danh ba đồng” làm hỏng sự nghiệp mà mình theo đuổi cả đời. Có chăng là những lần đi điều tra phá án ở những nơi xa xôi, bà con thấy cán bộ vất vả quá, luộc cho củ sắn, củ khoai hay thịt con gà thết đãi. Đấy chắc không phải là những “viên đạn bọc đường” đầy cám dỗ...”, Đại úy Trần Văn Hải (33 tuổi, Đội phó Đội Đặc nhiệm) cười vui chia sẻ.
Bí quyết "đánh án"
Với Trung tá Võ Hồng Phương thì cán bộ chiến sĩ như người thân yêu ruột thịt. Khi biết tôi muốn viết về anh, một đồng chí lãnh đạo Phòng PC45 đồng ý ngay: “Anh ấy là một người chỉ huy cương trực, quyết đoán mà sống có tình lắm”.
“Sống có tình”, cụm từ ấy chẳng phải người chỉ huy nào cũng có. Anh Phương luôn tâm niệm: “Muốn chiến sĩ mình an tâm, hăng say làm việc, trước hết mình phải quan tâm đến hậu phương của họ và quyền lợi chính đáng của anh em.
Những ai mắc khuyết điểm vì công việc chung thì tôi đứng ra “xin” cấp trên để anh em được rút kinh nghiệm. Đặc biệt, khen thưởng phải công bằng, người làm việc tốt cần khen đúng lúc, nếu không làm tốt thì kể cả Đội trưởng cũng bị phê bình. Những vụ án nào không thành công, từ Đội trưởng tới chiến sĩ đều phải rút kinh nghiệm”.
Để Đội trưởng Võ Hồng Phương trải lòng không dễ. Anh bảo rằng, người lính chỉ quen nói về chuyện “đánh án” chứ những chuyện khác thì... ngại lắm! Hỏi anh đã tham gia bao nhiêu chuyên án rồi, người chiến sĩ mỉm cười bối rối nói: “Nhiều lắm, không nhớ nổi”. Trong số rất nhiều chuyên án ấy cũng có không ít lần anh phải dùng chính tính mạng của mình để "so gan" với tội phạm.
Bất chấp hiểm nguy, không run sợ trước bất kỳ đối tượng nào dường như là một nguyên tắc được cá nhân Trung tá Phương tự nhủ với mình, nhưng bên cạnh đó yếu tố an toàn vẫn luôn được anh xem trọng. Đó cũng chính là một trong những điểm trọng tâm mà anh quán triệt với các chiến sĩ của mình trước mỗi khi lâm trận.
Trung tá Phương cho rằng, trong kí ức người dân Thủ đô, hẳn không ai có thể quên vụ cướp tiệm vàng Kim Trang ở 30 phố Hàng Đậu, Hà Nội vào đêm 29/12/1998. Tại đây, kẻ cướp đã dùng súng AK bắn bị thương chủ nhà để cướp tài sản. Nhận được tin báo, Đội Đặc nhiệm đã lập tức có mặt tại hiện trường và bao vây đối tượng.
Thế nhưng trước những lời thuyết phục, kêu gọi đầu hàng để được khoan hồng, đối tượng lại trả lời bằng những viên đạn bắn về phía lực lượng công an, đồng thời nổ súng vào con tin. Trước tình hình đó, lực lượng cảnh sát đặc nhiệm đã không ngần ngại xông vào tiêu diệt đối tượng và giải cứu các nạn nhân.
Chưa đầy 1 năm sau, vào tháng 4/1999, tại Làng văn hóa Việt - Nhật ở 14 Thụy Khuê (quận Tây Hồ) lại xảy ra vụ cướp tài sản, bắt cóc trẻ em và đe dọa giết người nước ngoài. Đối tượng đã gí dao vào cổ cháu bé 6 tháng tuổi người Nhật dọa giết, đòi mẹ cháu đưa 3.000 USD, một xe ôtô taxi để tẩu thoát.
Các trinh sát đặc nhiệm đã mưu trí, dũng cảm, bí mật bám đuổi theo. Khi xe đi đến ngã ba Than Muội - Chi Lăng - Lạng Sơn, lợi dụng lúc đối tượng sơ hở, trinh sát Đội Đặc nhiệm đã nổ súng bắn trọng thương đối tượng và giải thoát cho cháu bé.
Trong giới tội phạm có tổ chức, cái tên Dũng “Palestin” là một nỗi khiếp đảm bởi tính chất côn đồ của đối tượng này. Chỉ trong vài tháng từ cuối 2002 đến đầu 2003, ổ nhóm tội phạm của tên Dũng đã gây ra hai vụ án “Hủy hoại tài sản” (dùng xăng đốt nhà), “Cố ý gây thương tích” và 11 vụ "Hiếp dâm", “Cướp tài sản”, “Cố ý gây thương tích”, “Đánh bạc”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”... gây kinh hoàng trong xã hội.
Tập trung làm rõ hành vi phạm tội của các đối tượng, ngày 30/4/2003, Đội Đặc nhiệm đã hốt trọn ổ tội phạm do Dũng cầm đầu, bắt giữ 26 đối tượng. Cũng trong quá trình điều tra nhóm tội phạm của Dũng, lực lượng cảnh sát đặc nhiệm đã phát hiện thêm một số băng nhóm tội phạm nguy hiểm khác hoạt động trên địa bàn Hà Nội và liên tỉnh, trong đó nổi lên băng nhóm do Nguyễn Anh Tuấn (tức Tuấn “con”) cầm đầu, bắt giữ 27 đối tượng.
Ngoài ra, cảnh sát đặc nhiệm bắt giữ 10 đối tượng một băng nhóm hoạt động theo kiểu xã hội đen do Dũng “bóng nhựa” cầm đầu...
Truy bắt đại ca chuyên “xin đểu”
Một chuyên án khác mà Trung tá Phương đưa vào “bộ nhớ” của mình, đó là năm 2007 khi anh cùng anh em chiến sĩ phá ổ nhóm “Cưỡng đoạt tài sản” trên sông Hồng. Khi ấy, đêm nào các trinh sát đặc nhiệm cũng trần mình dưới lòng sông trong cái lạnh tái tê của mùa đông để quan sát mọi diễn biến của hành vi phạm tội.
"Cao tay" hơn rất nhiều các đối tượng lưu manh khác, ổ nhóm của Đỗ Mạnh Báu (Báu “cửu”) không "chơi bài" chèo thuyền ra sông áp mạn tàu bè để “xin đểu” mà lập hẳn một công ty, có pháp nhân đàng hoàng, lấy tên là Thành Đạt với ngành nghề kinh doanh ghi trong giấy phép là chuyên cứu hộ, cứu nạn tàu thuyền trên sông.
Nhưng thực chất, bất kể tàu thuyền nào, cứ qua quãng sông này cũng đều phải nộp tiền cho Công ty Thành Đạt, nếu không thì Báu “cửu” sẽ cho giang hồ núp dưới danh nghĩa là nhân viên của công ty “xử lý”.
Báu “cửu” khi đó là một tay "máu mặt" ở khu vực Chèm, từng ở tù vì hành vi giết người cướp của. Hàng chục “nhân viên” ở Công ty Thành Đạt do Báu “cửu” tuyển dụng cũng là lưu manh, giang hồ. Ở thời điểm năm 2008, trung bình mỗi tháng chúng cưỡng đoạt của các chủ tàu thuyền khoảng 200 triệu đồng. Bị mất tiền nhưng không một chủ tàu thuyền nào dám hé răng kêu ca vì sợ bị đám lưu manh côn đồ kia hành hung, trả thù.
Ngay đến một nhóm côn đồ khác ở Hà Tây (cũ) vừa mới mon men định nhảy vào tranh giành lãnh địa, lập tức cũng phải rút lui vì sợ băng của Báu “cửu”. Bởi thế, Công ty Thành Đạt cứ ung dung làm mưa làm gió và trở thành nỗi kinh hoàng của hàng trăm lượt tàu bè qua lại quãng sông này hàng ngày. Vì thế, Chuyên án VA145P được xác lập và Đội Đặc nhiệm vào cuộc...
Ngay sau khi nhận nhiệm vụ, tất cả quân đặc nhiệm được huy động. Nhiều tốp trinh sát vào vai những người làm thuê trên các tàu thuyền đi tuyến từ Việt Trì, Phú Thọ về Hà Nội để nắm được cách thức thực hiện hành vi phạm tội của nhóm Báu “cửu”.
Đồng thời, các trinh sát cũng tiến hành quay phim bí mật các đối tượng trực tiếp lên tàu cưỡng đoạt tiền để làm tài liệu, chứng cứ phục vụ cho công tác đấu tranh phá án.
Cùng với đó, một tổ trinh sát được điều động kỳ công đi dọc tất cả các bến từ khu vực Chèm (Từ Liêm, Hà Nội) đến Phú Thọ, bí mật lần tìm các chủ tàu thuyền đã và đang phải nộp tiền cống nạp cho ổ nhóm của Báu “cửu” để tìm hiểu ghi lời khai của họ.
Ban đầu, nhiều chủ tàu thuyền còn sợ bọn Báu “cửu” đến nỗi tìm mọi cách để lánh mặt các trinh sát hoặc nếu có phải gặp thì chỉ có mỗi câu trả lời duy nhất là: “Không biết người nào là Báu “cửu”” hoặc “chưa bị ai bắt nộp tiền bao giờ”. Mãi sau khi biết đó là các trinh sát của Đội Đặc nhiệm “nhà số 7 Thiền Quang” thì những người bị hại mới dám mạnh dạn khai báo.
Song song với việc thu thập chứng cứ thì công tác điều tra cơ bản, dựng lại hồ sơ về Báu “cửu” và gần 20 tên tay chân núp dưới danh nghĩa nhân viên của Công ty Thành Đạt cũng đã được tiến hành. Lai lịch cũng như toàn bộ quá trình phạm tội cùng các mối quan hệ của chúng đã được dựng lên một cách đầy đủ, chi tiết.
Sau hơn 2 tháng Ban chuyên án ráo riết tiến hành các biện pháp nghiệp vụ một cách toàn diện, toàn bộ băng nhóm của Báu “cửu” đã bị bắt, bình yên đã trở lại trên tuyến sông này sau biết bao gian khổ mà những người lính đặc nhiệm phải trải qua.
30 chưa phải là... Tết
Còn nhiều vụ án khác mà Trung tá Võ Hồng Phương đã trực tiếp chỉ đạo và tham gia phá án thành công, trở thành những bài học nghiệp vụ đắt giá trong công tác đấu tranh chống tội phạm, bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân.
Trung tá Phương tâm sự, có những vụ án chỉ phá trong ít tiếng nhưng có những vụ phải điều tra đến vài tháng. Những chuyến đi công tác tỉnh ngoài đến cả tháng trời để truy bắt tội phạm là “công việc thường xuyên”.
Không chỉ với anh mà với bất kỳ cán bộ chiến sĩ nào làm nghề điều tra tội phạm đều có một điểm chung là thực sự áy náy và cảm thấy có lỗi với gia đình, người thân. Án chồng án, đi công tác triền miên, thậm chí giữa đêm khuya, rời nhà là chuyện bình thường. Bởi thế, lính đặc nhiệm không có khái niệm ngày thường hay ngày lễ, càng không có khái niệm làm ngày hay làm đêm, làm trong giờ hay làm ngoài giờ.
Đối với họ, đến “30 cũng không phải là Tết” bởi chưa có bất kỳ một người lính đặc nhiệm nào được ở nhà với gia đình vào lúc giao thừa, thời khắc được coi là thiêng liêng nhất ấy.
“Khác với điều tra những vụ án xảy ra trong năm, ngày Tết, cảnh sát phải mất nhiều thời gian khi dò hỏi nhân chứng. Gặp ai họ cũng từ chối vì ngại liên quan đến pháp luật ngày đầu năm. Những vụ án xảy ra dịp Tết thường phức tạp, phải huy động nhiều người tham gia. Do vậy các trinh sát đều phải ăn, uống ngoài đường để bám sát mục tiêu. Nếu tranh thủ về ăn cơm cùng gia đình khó có thể bắt được thủ phạm.
Anh em thậm chí còn phải điện thoại cho vợ và con mang quần áo lên cơ quan để thay. Lường trước dọc đường phá án những ngày đó hàng ăn không có, chúng tôi còn xách vội theo ít quýt và cặp bánh chưng. Nếu không có lương thực đặc sản Tết này... chắc gì đã hoàn thành nhiệm vụ”, Trung tá Phương dí dỏm.
Nói là nói vậy, nhưng cũng theo Đội trưởng Đội Đặc nhiệm, dường như được ông trời thương tình se duyên nên vợ lính đặc nhiệm thường là những người có sức chịu đựng thép và sự tảo tần, cáng đáng gia đình... cũng ít ai bằng được, đó là một trong những động lực không thể thiếu giúp các anh tiếp tục bền bỉ trong cuộc chiến phòng, chống tội phạm.
“Tuy vất vả, hiểm nguy, đầy rẫy khó khăn đòi hỏi người chiến sĩ phải nỗ lực không ngừng nhưng những gì mình cống hiến góp phần lập lại sự công bằng cho xã hội, khẳng định một chân lý “Cái ác luôn bị trừng trị và loại bỏ để bảo vệ cái thiện”.
Đặc biệt mỗi lần phá xong một vụ án, mỗi lần nhận được những ánh mắt đầy tin tưởng của nhân dân thì đó chính là phần thưởng cao quý nhất dành tặng cho chúng tôi”, Trung tá Võ Hồng Phương mỉm cười chia sẻ.