Xung quanh vấn đề nay, Phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Sự, Bí thư Thành ủy Hội An (Quảng Nam) để độc giả có cái nhìn đúng về sự việc.
PV: Xin ông cho biết, việc thu vé vào khu phố cổ được thực hiện từ khi nào?
Thực ra việc bán vé vào trong khu phố cổ là đã thực hiện từ năm 1995 tới giờ, chứ không phải là vấn đề mới, đã 20 năm rồi. Đối với việc bán vé trong khu phố cổ là việc phải làm bởi vì hiện nay đó là quần thể di tích, do đó, khi du khách vào tham quan đều phải mua vé. Nguồn thu này (75%) để trùng tu khu di tích phố cổ Hội An. Lâu nay nhờ nguồn này để giải quyết được nhiều vấn đề trong việc bảo tồn di sản văn hóa của Việt Nam và thế giới.
Giá vé hiện tại không đổi và được áp dụng từ năm 2012 (120.000 đồng (khoảng 6USD) cho khách nước ngoài; 80.000 đồng (4USD) cho khách nội địa).
PV: Việc lập thêm các chốt bán vé gây phiền hà với du khách? Những vấn đề nảy sinh trong quá trình bán vé là gì thưa ông?
Trong thời gian bán vé, có nổi lên một số vấn đề.
Vấn đề thứ nhất là một số đơn vị lữ hành trong đó có cả hướng dẫn viên khi đưa khách vào tham quan đã bán vé cho du khách rồi nhưng khi đi vào khu du lịch lại để khách đi lại tự do. Dẫn đến quyền lợi chính đáng của du khách không được đảm bảo. Bên cạnh đó, hình ảnh của Hội An không được quảng bá một cách đầy đủ. Ngoài ra, khi du khách đi vào không có vé, kiểm soát vé yêu cầu phải xuất trình vé đi vào phố cổ nhưng không có. Cái này không phải lỗi của du khách, mà là lỗi của một số hướng dẫn viên. Thành phố đã xử lý rất nghiêm những trường hợp nêu trên.
Bí thư Thành ủy Hội An Nguyễn Sự |
Vấn đề thứ hai là nguồn thất thu từ việc bán vé là rất lớn. Mỗi năm Hội An đón gần 2 triệu khách tham quan. Nhưng số lượng bán vé chỉ đạt khoảng hơn 50%. Thời gian qua, thành phố có chủ trương kiểm soát chặt việc bán vé này. Tuy nhiên, khi thực hiện đã nảy sinh ra sự phản ứng. Trong đó, sự phản ứng của một số đơn vị lữ hành, một số hướng dẫn viên lâu nay dẫn khách đi chui, không mua vé cho khách.
Ngoài ra, cách làm của Thành phố vừa rồi trong quá trình tổ chức thực hiện có nhiều vấn đề bất cập, cần được chấn chỉnh. Thứ nhất là việc du khách ra vào về mặt chế độ, cách ứng xử của một số nhân viên kiểm soát vé không được tế nhị, làm cho du khách cảm thấy bực bội và ức chế khi vào tham quan. Thứ hai là việc kiểm soát vé này đáng lẽ ra phải kiểm soát một cách bài bản. Như khách ở lại phố cổ 5 -10 ngày chỉ phải mua vé một lần thôi rồi ra tham quan nhiều lần được. Nhưng cũng có tình trạng khách mua vé xong, lần sau đi vào phố cổ bị kiểm soát và phải mua vé. Như vậy tạo ra tâm lý ức chế và không đúng. Cách làm này có nhiều trường hợp sai, nên khách phản ứng.
PV: Vậy Thành phố sẽ xử lý, giải quyết việc này ra sao?
Việc mà du khách chưa hiểu, chúng ta phải thông tin, giải thích một cách đầy đủ cho du khách.
Đối với các đơn vị lữ hành, du lịch, chúng tôi sẽ làm việc lại một cách rõ ràng, nghiêm túc. Bản thân du khách không có lỗi trong chuyện này mà là do người tổ chức các chuyến du lịch.
Về phía Thành phố, phải chấn chỉnh và cương quyết chấn chỉnh những bất cập, vấn đề chưa hợp lý trong quá trình kiểm soát và tổ chức bán vé. Để làm sao không bị thất thu vé, đồng thời du khách cũng cảm thấy hài lòng khi đến với Hội An.
Tôi nói việc này rất dứt khoát, không phải nói mà để đó. Trước hết là chấn chỉnh ngay thái độ, cách ứng xử của nhân viên. Thứ hai là điều chỉnh ngay cách tổ chức bán vé. Thứ ba là tạo điều kiện thuật lợi cho du khách khi mà người ta đã mua vé mà ở lại lâu ngày thì đi nhiều lần cũng đều được chấp thuận, không được gây khó khăn cho du khách.
Người ta đến Hội An không phải là tiền, hoặc là mua bán mà vấn đề là cách ứng xử trong việc mua bán. Bản thân việc bán vé là để lấy tiền trùng tu cho di tích. Có thể thấy, trách nhiệm của mọi người khi đến đây đều ý thức được rằng ngoài việc họ mua lại sản phẩm du lịch, đồng thời họ cũng đang góp phần vào việc trùng tu khu di tích. Do đó, ngay bây giờ thành phố sẽ chấn chỉnh những vấn đề bất cập. Bất cập là phải sửa, vô lý cần phải bỏ, cái gì đúng, có lý thì phải giải thích thấu đáo để tạo thuận lợi cho du khách.
Tôi đã chỉ đạo rồi, thứ sáu này (25/4) tôi họp và thứ hai tuần sau sẽ chấn chỉnh ngay. Có nghĩa là không để kéo dài tình trạng này. Sẽ xử lý thật nghiêm những hướng dẫn viên lợi dụng tình hình để đưa khách đi chui. Khi du khách đến đây, Hội An đã tổ chức nhiều dịch vụ miễn phí khác. Thí dụ đêm rằm phố cổ, mọi người được thưởng thức một cách tự do, thoải mái. Hội An sẽ không vì việc bán vé này mà làm mất hình ảnh trong bạn bè, du khách.
PV: Có ý kiến phản ánh việc thu phí này sẽ làm giảm lượng khách du lịch, đụng chạm đến lợi ích của người dân trong khu phố? Xin ông giải thích rõ vấn đề này?
Tôi xin khẳng định rằng, lượng khách tới Hội An ngày một tăng. Tôi khẳng định bằng trách nhiệm của người đứng đầu thành phố này. Việc thu phí khu phố cổ cũng nhằm làm cho người dân trong khu phố có thu nhập cao hơn. Ví dụ việc thành phố tổ chức đêm phố cổ để thu hút du khách, người dân ở đây sẽ được hưởng lợi nhiều hơn. Việc thu phí này tôi tin rằng không ảnh hưởng gì lớn đến việc kinh doanh của người dân Hội An. Chỉ có một điều là chúng ta không phải vì mấy đồng bạc bán vé mà chúng ta làm quá đáng để hình ảnh tốt đẹp trong mắt du khách về Hội An bao lâu nay bị méo mó đi. Việc làm này ảnh hưởng tới lợi ích người dân là không đúng.
Phố cổ Hội An (Ảnh minh họa) |
Thực tế kiểm kê, du khách vẫn tăng lên. Trước khi đi công tác, tôi có quan sát trực tiếp 2 ngày. Khi đi xe đạp vào phố cổ, tôi phải dắt xe đi bộ bởi đoàn khách quá đông không thể đi qua được. Lượng khách Hội An so với cùng kỳ năm ngoái tăng trên 20%.
PV: Tiền bán vé sẽ được sử dụng như thế nào thưa ông?
Tiền khi bán vé, 75% để trùng tu các ngôi nhà cổ (phần lớn tư nhân) trong phố cổ. Thành phố sẽ xem xét hỗ trợ phù hợp. Nhà mà khó khăn, nghèo khổ, thành phố sẽ hỗ trợ 100%. Tiền mà thu được từ bán vé đều tập trung để tu sửa khu phố cổ, đó là di tích. Cả phố cổ Hội An là quần thể di tích. Chứ không phải thu tiền này để làm giàu cho ngân sách hoặc chi phí cho một vấn đề gì. Tất cả đều vì lợi ích của người dân. Tôi muốn nói một điều lớn hơn, không phải vì một cái vé mà Hội An mất đi hình ảnh đẹp.
PV: Với cương vị người đứng đầu TP Hội An, ông muốn nhắn nhủ điều gì tới du khách?
Đối với du khách và cơ quan truyền thông, có quyền phản ánh tất cả các hiện tượng, sự việc xảy ra có thể là tích cực hoặc tiêu cực. Chúng tôi không có yêu cầu nói khác đi sự thật. Nhưng, khi động tới lợi ích cá nhân, của một bộ phận nào đó mà ảnh hưởng tới lợi ích chung thì cần có cái nhìn toàn cục, thấu đáo để giải quyết vấn đề này.
Thứ hai, khi cơ quan truyền thông phản ánh cần nghe rất rõ phản ánh của du khách, của cộng đồng mạng, kể cả ý kiến của địa phương, cần bám sạt thực tế tình hình địa phương để ý kiến đưa ra thật khách quan.
Du khách và mọi người cần tỉnh táo xem sự việc này ra sao trước khi chúng ta đánh giá nó. Vấn đề tiếp theo là đề nghị các đơn vị lữ hành phải giữ gìn di sản này để nó còn tồn tại lâu dài, tiếp tục được hưởng lợi từ di sản. Nếu không có tiền trùng tu, di sản sẽ sụp đổ. Đã sụp đổ, sẽ không có di tích để khai thác nữa.
Ngoài ra, một vấn đề nữa muốn nói rõ là không hề có chuyện Hội An vắng như chùa bà đanh như một số báo phản ánh. Không biết báo chụp hình như vậy lúc nào. Bởi như tôi trực, quan sát thì lúc 12 giờ trưa, 5 giờ sáng hay 10 giờ đêm thì đúng là vắng thật. Cần phải hết sức khách quan, bởi vắng lúc nào chứ bình thường du khách Hội An vẫn rất đông. Báo chí có quyền phản ánh nhưng cần trung thực, chính xác.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!