Một số bộ ngành chưa thực hiện nghiêm việc tinh giảm biên chế
Sáng 30/10, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 14, Quốc hội thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng: “Tại kỳ họp thứ 2, Đại biểu từng chất vấn bộ trưởng Bộ Nội vụ, vì sau 5 năm thực hiện đề án tinh giảm biên chế nhưng biên chế không giảm lại phình ra.
Số lượng cục, vụ, viện tăng lên; nhiều bộ số thứ trưởng vượt quá quy định, làm tăng gánh nặng quỹ lương, gây lãng phí, ảnh hưởng đến đề án tiền lương của Chính phủ.
Báo cáo giám sát của Quốc hội nêu nhiều ưu điểm, hạn chế rất thẳng thắn, tôi nêu thêm một số nguyên nhân như hệ thống văn bản còn nhiều kẽ hở, bị lợi dụng; một số luật, văn bản ban hành lại phát sinh thêm biên chế.
Trong tổ chức thực hiện từ bộ, ngành đến các tỉnh, thành phố thực hiện thiếu nghiêm túc, thậm chí còn tuỳ tiện trong bổ nhiệm, đề bạt, thành lập các vụ viện, hình thành một số chức danh không đúng quy định như hàm vụ trưởng, vụ phó”.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (ảnh quochoi.vn). |
Vị đại biểu của đoàn Quảng Bình chỉ ra cụ thể: “Quy định của các Bộ là không quá 4 Thứ trưởng nhưng có Bộ vượt lên đến 9 Thứ trưởng.
Tất nhiên phải xem lại xem 4 thứ trưởng có ít hay không vì tỉnh nào có việc cũng muốn có Thứ trưởng, Bộ trưởng về dự cả.
Việc làm này dẫn đến tình trạng "Trung ương làm được thì tỉnh làm được, tỉnh này làm được thì tỉnh kia làm được và tỉnh làm được thì xã phường làm được.
Bộ làm được thì các sở ngành làm được và từ đó mà cấp phó tăng nhanh không chỉ trong các cơ quan nhà nước mà còn cả các cơ quan trong đảng và đoàn thể.
Thực tế có những phòng ban phần lớn là lãnh đạo, thậm chí là lãnh đạo mà không có nhân viên.
Thế nhưng trong một thời gian dài không có cơ quan nào bị nhắc nhở hoặc phê bình”.
Theo ông Phương, hiện chưa có quy định nào ràng buộc, ví dụ bao nhiêu biên chế thì có cấp phó; điều kiện như thế nào thì thành lập được các vụ, viện.
Hoặc trong các trường học, bao nhiêu học sinh, bao nhiêu lớp thì được thành lập một trường. Nên có tình trạng, xã có 150 học sinh cũng có một trường học.
Cứ thành lập ra nhiều trường rồi sinh ra hiệu trưởng, hiệu phó thư viện, kế toán, thiết bị...
Toàn văn phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 6 khóa XII của Tổng bí thư |
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương cho rằng: “Cơ cấu tổ chức bộ máy còn nhiều điểm chưa hợp lý, không xác định rõ vị trí việc làm, phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và địa phương chưa không rõ.
Giữa Trung ương và địa phương nhiều khi trùng lặp, Trung ương làm và địa phương cũng làm, gây ra thừa vị trí.
Vì thế cơ cấu, tổ chức đã tạo nên một số lượng cán bộ "sáng xách ô đi, tối xách ô về" chứ không phải họ lười biếng.
Ông Phương cũng nêu một tồn tại khác đó là do chính sách đào tạo thiếu hợp lý, cung vượt quá cầu, trong đó có “con em của chúng ta và chúng ta rất băn khoăn, nên tạo mọi biện pháp để tăng biên chế cho con em mình vào, sinh ra chạy biên chế, chạy chức chạy quyền là như vậy”
Bộ máy phình cả ở cấp bộ, cấp thôn
Cũng tại phiên thảo luận sáng nay, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định) có ý kiến rằng: “Công tác cái cách hành chính còn một số hạn chế. Có thành lập một loạt tổ chức bộ máy mới từ Trung ương đến địa phương.
Ví dụ, Nghị định số 55 của Chính phủ quy định về việc thành lập bộ phận pháp chế nên từ Trung ương đến Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đều có Vụ pháp chế, phòng pháp chế.
Kết quả là ở Ủy ban nhân dân các tỉnh thành phố thành lập tới 291 các phòng pháp chế trên tổng bên chế chuyên trách 5.400 người.
Một ví dụ khác là việc thành lập ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia. Các tỉnh thành lập một loạt Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới.
Chúng tôi không nói việc thành lập các cơ quan nêu trên là sai, nhưng rõ ràng với cách thức thành lập như vậy chúng ta không kiểm soát được một cách tổng thể bộ máy hành chính nhà nước đã làm gián tiếp tăng bộ máy biên chế hành chính.
Một ví dụ nữa về sự cồng kềnh nhiều tầng nấc trong nhiều Bộ đó là việc thành lập các phòng trong vụ chuyên môn. Hiện nay, cơ cấu tổ chức của Bộ phổ biến theo mô hình truyền thống đó là trong một bộ có tổng cục, vụ”.
Đại biểu Quốc hội Mai Thị Phương Hoa đoàn Nam Định (ảnh Trình Phúc). |
Vị đại biểu này phân tích thêm: “Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị đã nêu cơ bản, không tổ chức phòng trong vụ và Nghị định số 123 của Chính phủ cũng đã quán triệt rất rõ ràng chủ trương nêu trên.
Tuy nhiên, qua báo cáo của Chính phủ chúng ta thấy hiện chỉ có 2/22 vụ không có phòng trong vụ còn tất cả các vụ còn lại có phòng chiếm tới 63,3%.
Hiện nay số phòng trong vụ đã giảm trong những năm gần đây hiện nay còn tới 681 phòng như vậy” ...
Vị đại biểu của đoàn Nam Định chỉ ra: “Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là thiếu sự kiên quyết còn nể nang khi ban hành các quy định, các Nghị quyết về tổ chức hoạt động của các Bộ.
Có một bất hợp lý là Nghị định về cơ cấu bộ máy tổ chức hành chính lại do chính Bộ ngành làm tờ trình Chính phủ phê duyệt, rồi trình Quốc hội.
Do đó, đề nghị các Bộ ngành nêu cao trách nhiệm hơn nữa, công tác này nên giao về Bộ Nội vụ còn các Bộ ngành tham gia, có như vậy mới giữ nghiêm kỷ cương, pháp luật.
Nghị quyết số 18 Hội nghị TW 6 vừa ban hành quy định không thành lập phòng trong vụ, do vậy Chính phủ trong thời gian tới cần rà soát các quy định, các Bộ cũng cần”.
Cuối cùng đại biểu này khẳng định: “Tinh giảm biên chế kết quả đạt được còn khiêm tốn, mới giảm 3 nghìn người trong khi đó nhóm công chức làm ở khối đơn vị hành chính sự nghiệp nhằm cung cấp dịch vụ công đến nay đã lên 2,5 triệu người và tăng nhanh 2,8% so với năm 2010.
Một số bộ ngành chưa thực hiện nghiêm việc tinh giảm biên chế, đặc biệt trách nhiệm người đứng đầu chưa cao”.