Tháng 3 năm 2015, Hạm đội Nam Hải - Hải quân Trung Quốc tổ chức tập trận ở Biển Đông: Bắn tên lửa (nguồn Tân Hoa xã) |
Hạm đội Nam Hải tập trận bắn đạn thật ở Biển Đông
Theo tờ “Tin tức Trung Quốc” ngày 27 tháng 3, vào trung tuần và hạ tuần tháng 3, ở Biển Đông, một khu thủy cảnh của Hạm đội Nam Hải - Hải quân Trung Quốc đã tổ chức cho nhiều loại biên đội tàu chiến triển khai huấn luyện diễn tập kỹ chiến thuật trên biển trong thời gian 1 tuần.
Theo bài báo, trong diễn tập, các tàu chiến chạy qua lại ở các vùng biển hẹp, khu đánh cá, khu đảo đá rất nguy hiểm; trong đối kháng, tình hình “địch” liên tiếp thay đổi, máy bay chiến đấu không theo dõi sẽ biến mất, các mối đe dọa “như hình với bóng”.
Theo bài báo, các biên đội tàu chiến tập trung sử dụng vũ khí thực tế, đã lần lượt tiến hành diễn tập nhiều khoa mục như tấn công pháo chính-phụ, tấn công tên lửa, săn ngầm, chống khủng bố-chống cướp biển, phòng ngự tổng hợp, nâng cao khả năng xử trí nhiều mối đe dọa và khả năng sử dụng vũ khí thực tế, đặt cơ sở vững chắc cho diễn tập sát chiến đấu thực tế.
Ngoài ra, bài báo cũng đã đăng một số hình ảnh bắn đạn thật của cuộc tập trận này trên Biển Đông do Hạm đội Nam Hải tiến hành. Bài báo không nói rõ tập trận ở vùng biển cụ thể nào trên Biển Đông, cũng không nói rõ lực lượng của khu thủy cảnh nào - PV.
Nếu nó được tiến hành ở vùng biển quần đảo Trường Sa hay quần đảo Hoàng Sa thì đó chính là một loại hoạt động tập trận bất hợp pháp của Trung Quốc, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế - PV.
Tháng 3 năm 2015, Hạm đội Nam Hải - Hải quân Trung Quốc tổ chức tập trận ở Biển Đông: Bắn pháo chính (nguồn Tân Hoa xã) |
Gần đây, nữ đại tá thuộc Đại học Quốc phòng Trung Quốc tên là Lương Phương ngạo mạn cho rằng, Hạm đội Nam Hải – Hải quân Trung Quốc chấp tất tàu chiến của tất cả các nước ven Biển Đông cộng lại, chiến tranh tương lai xảy ra ở đâu thì Hải quân Trung Quốc sẽ tổ chức tập trận ở đó. Nữ đại tá đánh võ mồm nhưng cũng phản ánh nguy cơ nổ ra chiến tranh trên biển trong tương lai với một bên tham chiến là Trung Quốc. Còn đó có phải là chiến tranh xâm lược tiếp theo của Trung Quốc hay không thì chúng ta phải chờ quan sát - PV.
Trung Quốc đang và sẽ áp quan điểm cho ASEAN?
Ngoài ra, về ngoại giao, theo báo chí Trung Quốc, ngày 28 tháng 3, tại diễn đàn nhánh “Cộng đồng ASEAN: điểm khởi đầu mới của nhất thể hóa” thuộc Diễn đàn châu Á Bác Ngao, Vương Nghị - Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc tái khẳng định cách thức giải quyết vấn đề Biển Đông theo “tư duy song song” do họ đề xướng vào năm 2014. Vương Nghị cho rằng, cần “kiên trì sử dụng phương thức hòa bình, xử lý thỏa đáng những tranh chấp do lịch sử để lại (Trung Quốc xâm lược), cùng bảo vệ hòa bình và ổn định của khu vực Biển Đông”.
Quan điểm này của Trung Quốc thực chất là: các tranh chấp cụ thể cần do “các nước đương sự trực tiếp” giải quyết thông qua đàm phán và hiệp thương. Các bên cần đồng ý tích cực triển khai tham vấn, tranh thủ trên cơ sở hiệp thương thống nhất, sớm đạt được “Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông” (COC) và đạt được thu hoạch sớm. Trung Quốc đề xướng, các nước liên quan tích cực bàn “cùng khai thác”, quản lý và kiểm soát có hiệu quả bất đồng.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị |
Như vậy, thực ra, Trung Quốc yêu cầu “đàm phán song phương” giữa các bên tranh chấp để giải quyết vấn đề Biển Đông, nhưng tranh chấp Biển Đông rõ ràng có tranh chấp song phương và có tranh chấp đa phương, nên phải dùng nhiều cách thức khác nhau để giải quyết tranh chấp. Trung Quốc không thể khư khư với quan điểm “song phương” được – PV.
Hơn nữa, Trung Quốc nói rằng, cần tham vấn, tranh thủ để sớm đạt được COC, Trung Quốc đã đề xướng, đã cam kết, nhưng có lẽ không làm, tương lai thì chưa rõ.
Bởi vì, các hành động thực tế trong năm 2014 như cắm giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 và điều một lực lượng quân sự, bán quân sự khổng lồ vào vùng biển chủ quyền của Việt Nam để đòi ăn cướp tài nguyên và đe dọa vũ lực đối với Việt Nam, hơn nữa đang xây dựng rầm rộ trên các đá ngầm ở quần đảo Trường Sa đã cướp của Việt Nam, rõ ràng là những hành động bất hợp pháp, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, an ninh của Việt Nam, xâm phạm nghiêm trọng hòa bình, an ninh và ổn định khu vực, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, phá hoại nghiêm trọng DOC và cản trở tiến tới đạt được COC – PV.
Hy vọng rằng, Trung Quốc cam kết kiên trì đi con đường “phát triển hòa bình”, cam kết sớm đạt được COC thì họ cần biết giữ lời, biến lời nói thành hành động để tạo được lòng tin, tạo được uy tín cho chính họ, giữ được hình ảnh “phát triển hòa bình” như họ đang cố tuyên truyền ra thế giới - PV.
Tháng 3 năm 2015, Hạm đội Nam Hải - Hải quân Trung Quốc tổ chức tập trận ở Biển Đông: Bắn đạn gây nhiễu (nguồn Tân Hoa xã) |
Theo đó, Trung Quốc nên từ bỏ các quan điểm cứng rắn trong tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải, không tiếp tục sử dụng vũ lực để đe dọa Việt Nam như năm 2014, cũng không nên sử dụng vũ lực để can thiệp vào Myanmar, trong tương lai không còn dùng chiến tranh xâm lược như các năm 1974, 1988… Và tốt nhất là Trung Quốc rút quân khỏi quần đảo Hoàng Sa và một phần quần đảo Trường Sa, tiến tới đàm phàn hòa bình, trao trả toàn bộ các hòn đảo đã xâm lược cho Việt Nam, để từ đó Trung Quốc có được hòa bình vĩnh viễn và phát triển bền vững trên hướng Biển Đông - PV.
Ngoài vấn đề Biển Đông, Vương Nghị còn cho rằng, năm 2015, Trung Quốc muốn tổ chức tốt Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc-ASEAN. Ý của ông Vương Nghị là để tuyên truyền quan điểm an ninh châu Á mới do họ đưa ra trong năm 2014 (an ninh chung, an ninh tổng hợp, an ninh hợp tác, an ninh bền vững), Trung Quốc muốn tăng cường hợp tác về an ninh, muốn “cung cấp nhiều sản phẩm công hơn cho khu vực” - ý là muốn can dự nhiều hơn vào các vấn đề của khu vực, thực hiện quan điểm các công việc của châu Á do người châu Á (Trung Quốc) giải quyết - PV.
Đài Loan muốn chơi "cân bằng" ở Biển Đông?
Xung quanh vấn đề Biển Đông, Đài Loan cũng đòi yêu sách "đường lưỡi bò" vẽ bậy, đang chiếm giữ đảo Ba Bình ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Tờ "Thời báo Trung Quốc" Đài Loan vừa đưa tin, ngày 26 tháng 3, tại Viện lập pháp (Quốc hội) Đài Loan, ủy viên Viện lập pháp của Quốc Dân Đảng là Lâm Úc Phương cho rằng, mấy năm trước, theo các cơ quan nghiên cứu Mỹ, Trung Quốc tăng cường sức mạnh quân sự tạo ra mối đe dọa cho hòa bình, hiện nay lại nói "có lợi cho sự phát triển ổn định của khu vực".
Tháng 3 năm 2015, Hạm đội Nam Hải - Hải quân Trung Quốc tổ chức tập trận ở Biển Đông: Bảo dưỡng đạn dược (nguồn Tân Hoa xã) |
Điều này cho thấy, Mỹ lấy lợi ích của mình để giải thích an ninh khu vực, cho nên Đài Loan cần giải thích với Mỹ, tăng cường phòng thủ đảo Ba Bình (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam), nhằm đóng vai trò "người cân bằng" ở Biển Đông, tách rời với Việt Nam và Trung Quốc, tránh khả năng nổ ra chiến tranh, cũng có thể hỗ trợ cho tấn công cướp biển, tiến hành cứu trợ nhân đạo.
Theo bài báo, Viện Lập pháp Đài Loan ngày 26 tháng 3 mời người đứng đầu cơ quan an ninh quốc gia Đài Loan Lý Tường Trụ tiến hành báo cáo công việc và tham gia hoạt động chất vấn, Lâm Úc Phương đã đề cập tới vấn đề Biển Đông.
Lý Tường Trụ cho rằng, hiện nay, Bộ Quốc phòng Mỹ công bố bản ghi nhớ hợp tác chiến lược trên biển, nhấn mạnh, năm 2014, Trung Quốc tăng cường hoạt động trên biển ở Ấn Độ Dương, châu Á-Thái Bình Dương "có lợi cho sự phát triển ổn định của khu vực"; Đài Loan phân tích cho rằng, do Trung Quốc sử dụng tàu chiến cỡ lớn, tàu ngầm cùng diễn tập, huấn luyện ở Ấn Độ Dương, làm giảm sự kiện cướp biển khu vực, hòa bình, ổn định khu vực tăng cường.
Lý Tường Trụ cho rằng, nhưng cũng trong một bản báo cáo của cơ quan nghiên cứu Mỹ vào 8 năm trước, Mỹ chỉ rõ, Trung Quốc và Nga là "tai họa lớn nhất" ảnh hưởng tới khủng hoảng thế giới. Hiện nay, việc thay đổi quan điểm làm cho Đài Loan phải xem xét vấn đề từ góc độ cạnh tranh và hợp tác.
Lâm Úc Phương cho rằng, Đài Loan mở rộng (phi pháp) đường băng máy bay ở đảo Thái Bình (tức đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) có thể "làm giảm xung đột Biển Đông, tiến hành cứu trợ nhân đạo". Còn theo Lý Tường Trụ, trên cơ sở đó, ông không phản đối, nhưng, nhìn ở góc độ cạnh tranh và hợp tác, "cố ý tăng cường chỉnh đốn sẵn sàng chiến đấu ở đây hoàn toàn không phải là việc tốt đối với Đài Loan".
Lý Tường Trụ nói, khu vực Biển Đông nếu có bất kỳ bên nào liên tục tăng cường sức mạnh quân sự, chỉnh đốn sẵn sàng chiến đấu, không phải là việc tốt đối với sự phát triển ổn định của khu vực. Ông nói, 30% Biển Đông là mối đe dọa an ninh truyền thống, 70% là mối đe dọa an ninh phi truyền thống, "nếu chúng ta (Đài Loan) cố ý tăng cường chỉnh đốn sẵn sàng chiến đấu, đối với tình cảnh của Đài Loan, không phải là một việc tốt".
Sĩ quan chỉ huy Hạm đội Nam Hải - Hải quân Trung Quốc trong cuộc tập trận ở Biển Đông tháng 3 năm 2015 (nguồn Tân Hoa xã) |