Biến tro cốt người thành kim cương - nghề hốt bạc mới ở Hong Kong

25/05/2012 14:10
Nguyễn Hường (nguồn CNN)
(GDVN) - Than chì được bỏ vào một cỗ máy giống như núi lửa - nơi có áp suất và nhiệt độ cực cao để nung trong 9 giờ liên tục.
Eva Wu đã không thay đổi bất kỳ một thứ gì trong căn phòng của cậu con trai kể từ khi Cornald qua đời vào tháng 1/2011 để lưu trữ ký ức về đứa con trai đáng yêu của mình.

Chiếc dây truyền gắn viên kim cương được làm từ tro cốt con trai bà Wu
Chiếc dây truyền gắn viên kim cương được làm từ tro cốt con trai bà Wu

Cornald đã vĩnh biệt trần thế ở tuổi 17 vì một chứng bệnh ung thư hiếm gặp có tên gọi là PEComa. Thương người mẹ một mình nuôi con kể từ sau khi ly hôn, Cornald đã luôn cố gắng giữ sự lạc quan của mình đến tận những ngày cuối cùng trong đời.

"Thằng bé luôn an ủi tôi. Nó nói rằng: "Mẹ ơi, con biết những gì đang xảy ra. Con không sợ chết. Con biết nơi con đến. Con có Chúa trong trái tim mình vì vậy đừng lo lắng cho con"" - bà Wu kể lại.

Để giữ cảm giác đứa con vẫn luôn ở bên cạnh mình ngay cả khi đã khuất, bà Wu đã quyết định dùng phần tro cốt của con sau khi hỏa táng đặt làm một viên kim cương. 

"Tôi cảm thấy thanh thản. Cảm thấy nó vẫn còn ở bên cạnh tôi. Và đó 100% đúng là nó" - bà nói.

Quy trình làm kim cương từ tro cốt người chết


Bà Wu đã đính viên kim cương được làm từ phần xác thịt còn lại của cậu con trai trẻ tuổi lên miếng mề đay hình cây thập giá để có thể luôn đeo trên cổ mình. Nó giúp bà ghi nhớ hình ảnh khuôn mặt luôn đang mỉm cười của đứa con.

Một viên kim cương tưởng niệm 1/4 carat có giá 3.000 USD
Một viên kim cương tưởng niệm 1/4 carat có giá 3.000 USD

Viên kim cương đặc biệt trên của bà Wu được làm bởi công ty Algordanza, một công ty Hong Kong chuyên sản xuất các "viên kim cương tưởng niệm" từ năm 2008 - ông Scott Fong, giám đốc Algordanza cho biết.

Algordanza có trụ sở chính đặt tại Thụy Sỹ. Tên gọi của nó theo tiếng địa phương có nghĩa là "nhớ". Ông Fong đã nảy ra ý tưởng làm kim cương từ tro cốt người chết vào năm 2007 khi một người dì của mẹ ông qua đời.

Quá trình làm kim cương từ tro cốt khá đơn giản - ông Fong nói.  Algordanza sẽ gửi 200 gram tro cốt của người đã khuất sau khi được hỏa táng tới phòng thí nghiệm tại Thụy Sỹ, nơi các nhà khoa học sẽ thu thập cacrbon từ đống tro tàn này, thanh lọc đến độ tinh khiết 99% rồi tinh chế thành than chì đen mượt.

Sau đó, than chì được bỏ vào một cỗ máy giống như núi lửa - nơi có áp suất và nhiệt độ cực cao để nung trong 9 giờ liên tục. Khi quá trình này hoàn tất người ta sẽ thu được một viên kim cương tổng hợp có màu xanh nhạt được hình thành từ chất boron được sinh ra tự nhiên trong cơ thể người.

Để làm ra một viên kim cương 1/4 carat loại này, khách hàng phải trả cho Algordanza 3.000 USD tiền phí - Fong nói. Viên kim cương lớn nhất mà Algordanza bằng phương pháp này có giá 37.000 USD.

Hốt bạc nhờ đất đai khan hiếm

Than chì thu thập từ tro cốt của người đã khuất trước khi được nung thành kim cương.
Than chì thu thập từ tro cốt của người đã khuất trước khi được nung thành kim cương.

Mức giá làm ra những viên kim cương tưởng niệm có cao nhưng vẫn khá cạnh tranh so với chi phí mai táng ở Hong Kong, nơi chi phí này rơi vào khoảng từ 2.000 - 200.000 USD/người tùy thuộc vào loại quan tài, chỗ chôn cất.

Ngoài ra, tình trạng quỹ đất khan hiếm, giá bất động sản cao cũng là nguyên nhân khiến cho chi phí chôn cất người chết trong các nghĩa trang tại đây trở nên đắt đỏ. 

Trên thực tế, chính quyền Hong Kong chỉ cho phép người chết được mai táng tối đa 6 năm trước khi phải cải táng và hỏa táng. 

Theo ông Fong, thực trạng đất đai đắt đỏ ở Hong Kong đã giúp doanh thu của Algordanza tăng gấp đôi kể từ khi họ mở văn phòng tại đây vào năm 2008.

Tuy nhiên, theo văn hóa truyền thống của người Trung Quốc, việc kinh doanh cái chết là một điều cấm kỵ. Ngay cả cha của ông Fong, ông Bill, ban đầu cũng đã lên án kế hoạch kinh doanh của ông. 

Tuy nhiên, cha của ông Fong chấp thuận ý tưởng trên sau khi ông Fong thuyết phục ông cụ rằng việc làm này có thể giúp thế hệ trẻ giữ gìn truyền thống gia đình. 

Cha ông Fong qua đời một vài tuần trước do biến chứng của bệnh ung thư gan. Hài cốt của ông cụ cũng đã được làm thành 4 viên kim cương chia cho 4 người con đang sống khắp nơi trên thế giới của ông lưu giữ. 

Còn bà Wu cũng thừa nhận một viên kim cương không thể thay thế được người đã khuất, nhưng nó là một cách để giúp những người còn sống tưởng nhớ tới thân nhân của họ.  
Nguyễn Hường (nguồn CNN)