Hội diễn giao lưu võ thuật kỷ niệm 225 năm ngày chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789-2014) năm nay có sự tham gia của 12 đơn vị đến từ khắp các quận huyện trên địa bàn thành phố. Tại Hội diễn giao lưu đã thu hút nhiều môn võ nổi tiếng như: Võ cổ truyền Việt Nam, võ trận Bình Định, Vịnh Xuân Quyền, Côn Nhị khúc, Aikido, Taekwondo, Karatedo,...
|
Hội diễn giao lưu võ thuật kỷ niệm 225 năm ngày chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789-2014) thu hút đông đảo các môn phái võ thuật tham gia |
Phát biểu tại buổi khai mạc, ông Phạm Hữu Phước Huy - Phó giám đốc Cung văn hóa Lao Động TP.HCM, trưởng ban tổ chức cho biết, năm nay Hội diễn giao lưu võ thuật nhằm kỷ niệm 225 năm ngày chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789 - 2014), tôn vinh truyền thống võ học của dân tộc và phát triển nền võ thuật TP.HCM nói riêng, võ thuật Việt Nam nói chung. Đồng thời, là nơi để các vận động viên võ thuật giao lưu, học tập, xây dựng tình đoàn kết với các môn võ khác.
Năm nay, Hội diễn thu hút đông đảo các môn phái võ thuật khác nhau về đây biểu diễn. Đặc sắc nhất vẫn là những màn biểu diễn võ trận Bình Định. Theo các võ sư, võ trận là võ tác chiến, võ dùng cho trận mạc. Võ trận Bình Định là dòng võ nổi tiếng trong hệ thống võ cổ truyền Việt Nam. Bởi vậy, những bài quyền, bài binh khí của võ trận Bình Định ít hoa mỹ, đẹp mắt mà thực dụng, quyết liệt và mạnh mẽ.
|
Võ trận Bình Định ít hoa mỹ nhưng quyết liệt, mạnh mẽ với những đòn đánh hiểm khiến đối phương đó đoán trước |
Tương truyền, ba anh em nhà Tây Sơn là những người có công khai sáng, phát triển và hoàn thiện võ phái Bình Định truyền dạy cho nghĩa quân. Nhờ những kỹ năng chiến đấu này đã góp phần giúp nghĩa quân Tây Sơn làm nên chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa năm 1789, đại phá 29 vạn quân Thanh.
Theo các sử liệu dân gian ghi lại việc Hoàng đế Quang Trung Nguyễn Huệ sáng tạo Yến phi quyền, Độc lư thương. Người em thứ 3 trong 3 anh em nhà Tây Sơn là Nguyễn Lữ thì sáng tạo nên Hùng kê quyền. Đây đều là những độc chiêu võ thuật được lưu truyền trong nghĩa quân Tây Sơn.
Sau này, khi nhà Tây Sơn sụp đổ, nhiều tướng lĩnh Tây Sơn mai danh ẩn tích, đem những thế võ độc đáo này truyền cho hậu thế theo hình thức võ phái và lưu truyền đến nay, tạo thành các phái võ Bình Định nổi tiếng.
|
Tương truyền, võ trận Bình Định được các nghĩa quân Tây Sơn phát triển thành các dòng võ Bình Định ngày nay |
Do đó, những bài quyền, bài binh khí biểu diễn tại Hội diễn giao lưu võ thuật ngày 4/2 năm Giáp Ngọ, trong không khí cả nước kỷ niệm 225 năm ngày nghĩa quân Tây Sơn đại phá quân Thanh khiến người xem thêm nhiều cảm xúc, mọi người thêm phần hào hứng trước những thế võ mạnh mẽ, quyết liệt.
Sau gần 2 giờ biểu diễn, các vận động viên võ thuật đã cống hiến cho khán giả nhiều màn võ đẹp mắt, hấp dẫn.
|
Cú tung người "kết thúc" đối phương trong màn đối kháng |
|
Màn võ 1 đối kháng với 2 bằng tay không |
|
Những động tác mạnh mẽ, quyết liệt khiến người xem hào hứng và nhiều cảm xúc đối với môn võ Bình Định |
|
Những cú tung chân đá vỡ miếng gỗ khiến nhiều người xem vỗ tay tán thưởng không ngớt |
|
Ngoài ra, những màn biểu diễn từ các môn võ khác như Vịnh Xuân Quyền, Côn nhị khúc, Taekwondo, Karatedo,...cũng không kém phần hấp dẫn, thu hút người xem |
|
Màn "đo ván" đối phương tuyệt đẹp từ môn võ Aikido |
|
Hội diễn giao lưu võ thuật kỷ niệm 225 năm ngày chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789-2014) thu hút đông đảo người dân đến xem |
Việt Văn