South China Morning Post ngày 23/9 cho biết, hôm nay ông Tập Cận Bình đã kêu gọi quan hệ tốt hơn với Hoa Kỳ và cảnh báo rằng, xung đột giữa hai nước có thể là một "thảm họa" đối với thế giới. Phát biểu trong buổi tiệc chào đón ông ở Seattle, tiểu bang Washington trong ngày đầu tiên đặt chân đến Hoa Kỳ, Tập Cận Bình đã nói điều này trước các doanh nhân, chính khách nổi tiếng như Bill Gate, Henry Kisinger.
Ông Tập Cận Bình và cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kisinger. Ảnh: Reuters. |
"Chúng tôi muốn nhìn thấy có thêm sự hiểu biết và tin cậy, đồng thời giảm bớt sự ghẻ lạnh và nghi ngờ...Nếu tham gia vào xung đột hay đối đầu, nó sẽ dẫn đến thảm họa cho cả hai quốc gia và toàn thế giới. Sự hiểu biết giữa hai nước nên dựa trên sự thật, nếu không chúng ta sẽ trở thành nạn nhân của những tin đồn", ông Tập Cận bình nói.
Về vấn đề nội trị của Trung Quốc, Tập Cận Bình khiến nhiều người nghe "bị sốc" theo South China Morning Post khi ông bác bỏ nhận định rằng, cuộc chiến chống tham nhũng mà ông thúc đẩy thực tế là thanh trừng nội bộ, đấu tranh quyền lực. Thậm chí Chủ tịch Trung Quốc còn ví chuyện này với bộ phim truyền hình chính trị nổi tiếng của Mỹ "House of Cards" với nhân vật Francis Underwood do Kevin Spacey thủ vai, một chính khách Mỹ đam mê quyền lực và đầy tham vọng.
Xung quanh mối quan tâm lớn nhất của ông chủ Nhà Trắng Barack Obama về các cuộc tấn công mạng có nguồn gốc từ Trung Quốc, ông Tập Cận Bình khẳng định rằng Trung Quốc "sắn sàng thiết lập một cơ chế cấp cao với Mỹ để chống lại tội phạm trên mạng internet" và khẳng định, đất nước ông là nạn nhân của tội phạm mạng chứ không phải kẻ xúi giục.
Trung Quốc "sẵn sàng" đến đâu trong hợp tác với Mỹ về vấn đề tấn công mạng phải đợi tuyên bố chung sau hội nghị thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo dự kiến diễn ra vào Thứ Sáu 24/9. Tuy nhiên trước đó The New York Times tiết lộ, sẽ chẳng có tiến triển nào đáng kể bất chấp áp lực từ Mỹ.
Sự "sẵn sàng" của Trung Quốc có chăng là một thỏa thuận nguyên tắc chung chung và không thể giải quyết được vấn đề tấn công mạng nhằm vào Mỹ mà Washington khẳng định chắc chắn rằng, nguồn gốc tấn công từ Trung Quốc.
"Cả hoạt động tấn công mạng nhằm vào các công ty thương mại lẫn chống lại mạng lưới của một chính phủ đều là những hành vi phạm pháp và phải bị trừng phạt theo pháp luật và các điều ước quốc tế liên quan. Cộng đồng quốc tế nên làm việc cùng nhau để xây dựng hòa bình, an ninh và hợp tác chống tội phạm tấn công mạng trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, tin cậy lẫn nhau", ông Tập Cận Bình nói.
Về kinh tế Tập Cận Bình bảo vệ các động thái gần đây của Trung Quốc can thiệp sau khủng hoảng thị trường chứng khoán trong tháng 8. Ông Bình cho rằng, động thái này đã ngăn chặn thành công hoảng loạn thị trường, tạo lập sự ổn định để phục hồi. Ông cũng cam kết với các doanh nghiệp Mỹ rằng Trung Quốc sẽ đối xử công bằng với họ.
Tập Cận Bình nhấn mạnh, Trung Quốc "không có ý định gây ảnh hưởng" thông qua các sáng kiến kinh tế như "Một vành đai, một con đường"?! Chỉ vài giờ trước khi ông Bình phát biểu, các quan chức Trung Quốc và Mỹ đã ký kết một thỏa thuận thúc đẩy hợp tác giữa các doanh nghiệp hai nước trong lĩnh vực năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.
Vợ chồng ông Tập Cận Bình đến Seattle, Washington, Hoa Kỳ. Ảnh: Đa Chiều. |
South China Morning Post nhận định, với các vấn đề kinh tế được ông Tập Cận Bình nêu ra trong chuyến thăm, Trung Quốc muốn trấn an các nhà đầu tư Mỹ rằng nền kinh tế của họ vẫn ổn và mở cửa chào đón doanh nghiệp nước ngoài. Đài truyền hình quốc gia Trung Quốc CCTV đưa tin, ông Tập Cận Bình dự kiến sẽ gặp gỡ CEO của Apple, Microsoft và IBM và có thể ăn tối tại nhà Bill Gate.
Trong khi Tập Cận Bình tập trung vào các vấn đề kinh tế, rõ ràng ông chủ Nhà Trắng lại có mong muốn khác từ đối tác này. Ông Obama đã đe dọa trừng phạt các quan chức Trung Quốc vì những nỗ lực của tin tặc nước này đánh cắp bí mật công nghệ, sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp Mỹ cũng như thông tin cá nhân các quan chức chính phủ Hoa Kỳ.
Ý đồ thực sự của Trung Nam Hải là tìm kiếm lợi ích kinh tế từ Mỹ, tiếp tục bành trướng Biển Đông, dùng con bài tấn công mạng để ngã giá
Giáo sư Mỹ gốc Hoa ông Bùi Mẫn Hân từ đại học Claremont McKenna nói với South China Morning Post, các hành động gần đây của Trung Quốc đã trực tiếp thách thức quyền lợi quan trọng và các giá trị cốt lõi của Hoa Kỳ.
Tất cả những gì người Mỹ lo ngại về hành vi của Trung Quốc, từ bành trướng trên Biển Đông cho đến an ninh mạng, bảo hộ kinh tế thì ông Tập Cận Bình đều "đánh đòn phủ đầu" bằng cách phủ nhận tất cả - PV.
Hoạt động leo thang "thiếu thận trọng" của Trung Quốc ở Biển Đông, các cuộc tấn công mạng không kiềm chế nhằm vào Mỹ, các chính sách bảo hộ kinh tế vĩ mô của Bắc Kinh đã phá hủy niềm tin rằng Trung Quốc sẽ trở thành đối tác có trách nhiệm khi hội nhập toàn cầu.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc vẫn xem chiến lược xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ là một bước đi địa chính trị để "kiềm chế" Trung Quốc. Hơn nữa họ bị ám ảnh bởi sự thống trị của Mỹ trong lĩnh vực tài chính và công nghệ quốc tế, cũng như cam kết của Mỹ với các giá trị tự do, dân chủ bị xem là mối đe dọa hiện hữu với đảng Cộng sản Trung Quốc.
Tổng thống Obama và ông Tập Cận Bình. |
Sự pha trộn giữa thiếu lòng tin lẫn nhau với các hành vi ăn miếng trả miếng đã đẩy quan hệ Trung - Mỹ xuống mức thấp nhất kể từ sau sự kiện Thiên An Môn năm 1989. Hiện nay có một mối quan tâm phổ biến rằng Trung Quốc và Hoa Kỳ đang dẫn đầu một cuộc Chiến tranh Lạnh mới.
Đối với Tập Cận Bình, mức đặt cược vào chuyến công du Hoa Kỳ của ông không cao. Để duy trì hình ảnh trong nước như một nhà lãnh đạo mạnh mẽ, ông phải có những lời nói và chính sách mang (nặng) chủ nghĩa dân tộc. Nhưng ông cũng cần phải ổn định mối quan hệ (đối ngoại) quan trọng nhất.
Từ những động thái gần đây trong quan hệ Trung - Mỹ, dư luận có thể mong đợi một thành công khiên tốn trong một vài lĩnh vực gây tranh cãi. Nhưng những cải thiện đó sẽ không làm thay đổi mối quan hệ đối địch mà chỉ có thể ngăn chặn nó xấu thêm, ít nhất là cho đến hiện nay.
Với Trung Quốc, phần thưởng mong muốn lớn nhất sau chuyến thăm này là một hiệp định đầu tư song phương. Trên thực tế, một hiệp định như vậy sẽ làm cho các nhà đầu tư Trung Quốc dễ dàng hơn khi hoạt động tại Mỹ cũng như các doanh nghiệp Mỹ dễ tiếp cận thị trường Trung Quốc.
Đó sẽ là lợi ích ngắn hạn đối với Tập Cận Bình, vì nó được xem như lá phiếu tín nhiệm của Hoa Kỳ đối với nền kinh tế đang gặp khó khăn của Trung Quốc. Nhưng triển vọng cho một hiệp định như thế không chắc chắn lắm, nhất là Quốc hội Mỹ rất hoài nghi, doanh nghiệp Hoa Kỳ lại cần sức thuyết phục lớn hơn. Cả hai nhóm đối tượng này đã thất vọng "cay đắng" bởi các chính sách kinh tế "hám lợi" của Trung Quốc sau khi gia nhập WTO.
Căng thẳng trên Biển Đông có thể sẽ rất khó khăn để vượt qua khi Tập Cận Bình đã đánh cược uy tín quốc gia của mình và vai trò lãnh đạo trong vấn đề này. Tập Cận Bình cự tuyệt yêu cầu của Mỹ về việc chấm dứt các hoạt động bồi lấp, xây dựng, quân sự hóa bất hợp pháp đảo nhân tạo ở Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam - PV).
Tạp chí Nikkei Asia Review ngày 23/9 dẫn lời Kurt Campbell, cựu Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách châu Á - Thái Bình Dương bình luận: "Tập Cận Bình có khả năng sẽ thể hiện lập trường cứng rắn hơn, tránh để lộ bất kỳ sự yếu đuối hoặc dễ bị tổn thương nào."