Đảm bảo kế hoạch Chính phủ giao
Theo báo cáo mà Bộ GD&ĐT trình sáng nay, năm 2012 tổng thu – lệ phí của ngành được Chính phủ giao là hơn 3 nghìn tỷ đồng, trong đó thu từ tiền học phí là hơn 2,7 nghìn tỷ và lệ phí khác là hơn 2 trăm tỷ. Năm 2012 là năm thứ 3 thực hiện mức thu theo quy định tại NĐ 49 khi thực hiện mức học phí mới nguồn thu của các trường đã tăng lên đáng kể, theo đó mức độ đáp ứng chi phí đào tạo cũng tăng lên.
Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cũng cho biết, trong năm 2012 tổng chi ngân sách được giao là hơn 4,8 nghìn tỷ, trong đó vốn ngoài nước là 1,1 nghìn tỷ đồng, trong nước là 3,7 nghìn tỷ. Trong đó có chi thường xuyên cho sự nghiệp giáo dục là hơn 3,3 nghìn tỷ đồng. Chi trong việc bù học phí cho các trường sư phạm là 354,5 tỷ đồng, chế độ chính sách đối với học sinh dân tộc là 47,75 tỷ…
Hội nghị báo cáo ngân sách ngành giáo dục được tổ chức sáng nay. Ảnh Xuân Trung |
Trong năm 2012 triển khai các dự án ODA được Bộ GD&ĐT thực hiện với 24 dự án, gồm 11 dự án vay nợ và 13 dự án viện trợ. Ước đạt năm 2012 là hơn 1,4 nghìn tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ODA chiếm tới 92% (hơn 1,3 nghìn tỷ).
Về kinh phí phụ cấp thâm niên cho giáo viên trong năm 2012 (tính từ 1/5/2011), Bộ GD&ĐT cho biết, đã hướng dẫn tính toán nhu cầu thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên với nhà giáo (8 tháng, từ tháng 5 đến tháng 12), tổng bổ sung kinh phí năm 2011 là 71,952 tỷ đồng. Với các đơn vị không đủ kinh phí hỗ trợ đã được Bộ Tài chính bổ sung hơn 60 tỷ. Như vậy, kinh phí thực hiện bổ sung phụ cấp thâm niên năm 2012 là 117,161 tỷ đồng.
Năm 2012, chế độ cải cách tiền lương của giáo viên được Bộ GD&ĐT thông báo, nhu cầu cải cách tiền lương trong năm là hơn 300 tỷ đồng (các đơn vị sự nghiệp là 313,3 tỷ, các đơn vị quản lý hành chính là 9,9 tỷ).
Dự toán thu - chi ngân sách trong năm 2013 được Bộ GD&ĐT cho biết, đây là năm cuối của thời kỳ ổn định ngân sách nên các trường và đơn vị thuộc Bộ được giao dự toán trong 3 nhóm: Nhóm 1 gồm 7 trường (các trường khối kinh tế - tài chính tự đảm bao thu phí hoạt động thường xuyên, NSNN hỗ trợ một phần các hoạt động không thường xuyên).
Nhóm 2 gồm 37 trường (Các trường cao đẳng sư phạm nhà nước đảm bảo 60-70% chi hoạt động thường xuyên, các trường đại học sư phạm NSNN đảm bao chi từ 40-50%. Các trường khối văn hóa- thể thao NSNN chi từ 50-70%, các trường khối Nông –Lâm- Ngư NSNN đảm bảo chi 30-50%, các trường khối công nghệ kỹ thuật NSNN chi 20-40%).
Nhóm 3, gồm 7 trường (các trường Hữu nghị T80, Hữu nghị T78, Phổ thông vùng cao Việt Bắc, Dự bị ĐH dân tộc TƯ, Dự bị dân tộc Sầm Sơn, Dự bị ĐH dân tộc Nha Trang, Dự bị ĐH TP. HCM NSNN đảm bảo toàn bộ chi phí thường xuyên.
Để tránh lãng phí nguồn ngân sách trong năm tới, Bộ GD&ĐT lưu ý, với những ngành nghề đào tạo ít có khả năng xã hội hóa mà Nhà nước cần đào tạo (sư phạm, kỹ thuật, KHTN, KHXH&NV, nông lâm ngư, nghệ thuật…), nhà nước sẽ thực hiện đặt hàng bằng việc cấp kinh phí trên cơ sở tính đủ chi phí đào tạo và có cơ chế sử dụng để đảm bảo hiệu quả nguôn đầu tư từ NSNN, tránh lãng phí.
Đối với ngành đạo tạo có khả năng xã hội hóa cao (Kinh tế, Tài chính, Luật…), thực hiện giảm dần sự hỗ trợ từ NSNN, đồng thời cho phép các cơ sở đào tạo tự xác định mức thu học phí, đa dạng hóa các nguồn thu của cơ sở đào tạo, tiến tới cơ sở đào tạo tự đảm bảo bù đắp chi phí đào tạo từ nguồn thu học phí, các nguồn thu về nghiên cứu khoa học…
Đối với các hoạt dộng đào tạo cung cấp dịch vụ gắn với chu cầu xã hội, các trường được quyết định mức thu giá dịch vụ trên cơ cở tính đủ các chi phí cần thiết cho việc cung cấp dịch vụ, từng bước tiến tới thực hiện cơ chế tài chính hạch toán đầy đủ chi phí đầu vào, đầu ra. Được quyết định chế độ chi trả tiền lương đối với giảng viên và cán bộ gắn với năng suất, chất lượng hiệu quả công việc.
Năm 2013: Tuyển sinh 133.000 sinh viên đại học
Năm 2012 là năm đầu tiêu các trường tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh. Sang năm 2013 là năm đầu tiên thực hiện Luật Giáo dục đại học theo hướng giao quyền tự chủ, tực chịu trách nhiệm hơn nữa cho các cơ sở giáo dục đại học. Hiện nay Bộ GD&ĐT đã trình Thủ tướng báo cáo rà soát, điều chỉnh quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng để ban hành QĐ mới thay cho QĐ số 121. Trên cơ sở đó Bộ sẽ xem xét việc thành lập, sáng lập, sát nhập, chia tách các trường đại học, trong đó có việc xem xét nghiên cứu đối với việc thành lập phân hiệu của các trường.
Như vậy, trong năm 2013 số lượng các trường trực thuộc Bộ không thay đổi và chỉ tiêu của các trường vẫn ổn định.
Về công tác tuyển sinh 2013, Bộ GD&ĐT cho biết tiếp tục thực hiện Thông tư số 57 và Thông tư số 20. Theo đó, chỉ tiêu tuyển mới sau đại học tăng khoảng 10-12% số lượng chỉ tiêu đào tạo tiến sỹ, chỉ tiêu thạc sỹ tăng khoảng 5%.
Với hệ đại học chính quy, năm 2013 và những năm tiếp theo sẽ không tăng chỉ tiêu đào tạo, đồng thời điều chỉnh cơ cấu chỉ tiêu giữa các ngành theo hướng giảm chỉ tiêu đào tạo nhóm ngành kinh tế - tài chính, quản trị kinh doanh, tăng chỉ tiêu nhóm ngành kỹ thuật công nghệ, nông lâm, y dược và nghệ thuật.
Đối với hệ liên thông, được xác định tối đa bằng 20% chỉ tiêu đại học, cao đẳng tương ứng. Với chỉ tiêu đào tạo giáo viên sư phạm, Bộ cũng cho biết hiện nay với tình trạng thừa giáo viên nên chỉ tiêu sư phạm sẽ giảm dần so với năm trước. Đối với hệ trung cấp chuyên nghiệp, tiếp tục giảm 20%/năm theo lộ trình từng năm và chấm dứt đào tạo trước năm 2017.
Trong năm 2013, chỉ tiêu các bậc đào tạo đáng chú ý nhất vẫn là đại học và cao đẳng. Theo đó, chỉ tiêu năm 2013 cho bậc đại học là 133.000, trong đó sư phạm là 16.000, hệ cao đẳng chính quy là 17.000, sư phạm là 2.900. Trung cấp chỉ tiêu cho năm 2013 là 7.200. Đạo tạo tiến sỹ trong năm 2013 là 1.350 người, thạc sỹ là 27.000 người.
Xuân Trung