Sau khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành tại Kỳ họp thứ 9 vừa qua, một trong những nhiệm vụ trọng tâm được đặt ra phải nhanh chóng triển khai lập Báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án.
Mới đây, Bộ Giao thông vận tải đã trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư và cho phép sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa ACV để thực hiện lập Báo cáo nghiên cứu khả thi Giai đoạn 1 của dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (trước mắt ứng trước kinh phí từ nguồn vốn đầu tư phát triển của ACV để thực hiện).
Thiết kế ý tưởng sân bay Long Thành trong hồ sơ quy hoạch được duyệt - Nguồn Cục Hàng không Việt Nam. |
Hiện tại, đề xuất này của Bộ đang chờ ý kiến đóng góp của các Bộ Xây dựng, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư.
Tại cuộc họp Ban cán sự Đảng Bộ Giao thông vận tải ngày 3/8 nhằm chỉ đạo triển khai dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Ông Nguyễn Hoằng – Vụ trưởng Vụ Kế hoạch và đầu tư (Bộ Giao thông vận tải) cho biết nếu Thủ tướng Chính phủ đồng ý đề nghị của Bộ Giao thông vận tải thì công tác tuyển chọn tư vấn lập Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án sẽ được triển khai.
Dự kiến quá trình đấu thầu tuyển chọn tư vấn sẽ mất khoảng 8 tháng, quá trình nghiên cứu lập Báo cáo nghiên cứu khả thi mất khoảng 18 tháng.
Theo ông Hoằng dự định một kế hoạch chi tiết triển khai công tác lập Báo cáo nghiên cứu khả thi để có thể báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến vào tháng 10/2017. Nếu Quốc hội thông qua dự án sẽ triển khai ngay năm 2018.
Hiện tại ACV đang chủ động lập đề cương - dự toán thực hiện lập Báo cáo nghiên cứu khả thi (sơ bộ ước tính dự toán chi phí tư vấn khoảng 35 triệu USD, khoảng 0,64% khái toán tổng mức đầu tư giai đoạn 1.
Bộ Giao thông vận tải cho biết, phía Nhật đề xuất được tiếp tục làm báo cáo khả thi của dự án. Bộ Giao thông vận tải sẽ báo cáo Chính phủ về việc giao nhà thầu làm báo cáo tiền khả thi tiếp tục nghiên cứu báo cáo khả thi.
Bộ Giao thông vận tải sẽ thuê tư vấn nước ngoài thẩm định để đảm bảo khách quan.
Được biết Cảng hàng không quốc tế Long Thành thiết kế xây dựng đạt cấp 4F theo phân cấp của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO); Cảng hàng không Long Thành được kỳ vọng trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực; quy mô đầu tư xây dựng các hạng mục của dự án đạt công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm.
Trong đó giai đoạn 1: Đầu tư 1 đường cất hạ cánh và 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm; chậm nhất năm 2025 hoàn thành và đưa vào khai thác.
Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành được Quốc hội thông qua trong lúc vẫn còn có nhiều ý kiến trái chiều từ một số chuyên gia hàng không, chuyên gia kinh tế.
Hầu hết ý kiến băn khoăn xoay quanh 3 vấn đề chính: Thứ nhất hiệu quả dự án bao gồm hiệu quả kinh tế (lợi nhuận, thu hồi vốn…); Thứ hai vấn đề vốn thực hiện dự án quá lớn trong bối cảnh nợ công tăng cao; Thứ ba việc kỳ vọng sân bay Long Thành trở thành điểm trung chuyến quốc tế với 100 triệu hành khách/năm là không thực tế, khó khả thi.