Bố nhắn con gái chống dịch: “Tinh thần luôn chiến thắng, con nhà lính phải thế”

06/06/2021 06:29
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Lời nhắn của bố là động lực mạnh mẽ khích lệ Bác sĩ Huỳnh Thị Hồng Nhung vượt khó trong cuộc chiến “đánh giặc” Covid-19.

Trong những ngày nắng hè gay gắt, "Biệt đội săn Covid" của Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam vẫn luôn giữ vững sự lạc quan, hoàn thành vượt chỉ tiêu lấy mẫu xét nghiệm.

Vượt lên những vất vả, khó khăn, cô giáo trẻ Huỳnh Thị Hồng Nhung (sinh năm 1994) - Bộ môn Ngoại của Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam nói rằng, cả thầy và trò đang sống trong những ngày tháng đẹp nhất, ý nghĩa nhất.

Bác sĩ Huỳnh Thị Hồng Nhung - Giảng viên Bộ môn Ngoại của Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam. (Ảnh: NVCC)

Bác sĩ Huỳnh Thị Hồng Nhung - Giảng viên Bộ môn Ngoại của Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam. (Ảnh: NVCC)

Sáng ngày 27/5/2021, đoàn tình nguyện của trường bắt đầu xuất phát chi viện cho Bắc Giang. Đoàn gồm có 3 cán bộ giảng viên và 34 sinh viên lên đường với quyết tâm "vững vàng và chiến thắng".

Bác sĩ Nhung chia sẻ: "Là con gái của một người lính đã gắn bó hơn 30 năm với mảnh đất Bắc Giang, tôi ghi danh vào đoàn tình nguyện không đắn đo gì, bởi lẽ với tôi, Bắc Giang chính là quê hương thứ hai của mình.

Tôi thông báo với bố mẹ về quyết định này cùng lời nhắn: Con nhất định sẽ làm tốt, bố mẹ hãy yên tâm!

Trước khi xuất phát lên đường, bố tôi cũng nhắn gửi: ‘Con ơi, tinh thần phải luôn chiến thắng như thế! Con nhà lính là phải thế’. Đó chính là động lực cho tôi cố gắng hơn, nỗ lực hơn trong nhiệm vụ lần này".

"Tinh thần luôn chiến thắng" của đoàn tình nguyện. (Ảnh: NVCC)

"Tinh thần luôn chiến thắng" của đoàn tình nguyện. (Ảnh: NVCC)

Đoàn tình nguyện làm nhiệm vụ lấy mẫu xét nghiệm tại địa bàn huyện Việt Yên. (Ảnh: NVCC)

Đoàn tình nguyện làm nhiệm vụ lấy mẫu xét nghiệm tại địa bàn huyện Việt Yên. (Ảnh: NVCC)

Được phân công làm việc tại địa bàn huyện Việt Yên, những chiến binh trẻ nhận nhiệm vụ lấy mẫu xét nghiệm. Hằng ngày, các bạn khởi hành từ 5 giờ sáng đến các xã. Thường đến 8 giờ tối mới hoàn thành nhiệm vụ, có những ngày kết thúc muộn hơn.

Khi phóng viên đề cập tới những khó khăn trong công việc, nữ giảng viên trẻ tuổi chia sẻ: "Tôi không muốn nhắc về những khó khăn, điều kiện thời tiết, sự thiếu thốn vật tư y tế,... Những khó khăn đó chúng ta không thay đổi được thì phải tìm cách khắc phục.

Thầy trò chúng tôi luôn nhìn về những điều thuận lợi, đó là nhà trường đã trang bị cho các em sinh viên kiến thức, kỹ năng, tinh thần tốt nhất để bước vào tâm dịch mà không bỡ ngỡ. Các em luôn sẵn sàng, đầy bản lĩnh, tự tin.

Vì trường có thế mạnh là đào tạo khối ngành bác sĩ y học cổ truyền nên cả đoàn áp dụng được nhiều phương pháp giúp nâng cao sức khỏe. Thầy cô thường sắc nước nhân sâm, táo đỏ cho các em uống. Những ngày làm việc về có thêm trà thanh nhiệt, những vị thuốc mát của đông y giúp các em giải nhiệt, chống mẩn ngứa.

Và trên tất cả, đó là tình yêu thương, chia sẻ của những người dân Bắc Giang. Thương đoàn làm việc vất vả, bà con mang cho chúng tôi bánh, sữa, dưa hấu, nước uống,... Tình cảm của bà con là động lực giúp cả đội luôn sẵn sàng cống hiến".

Nói về những sinh viên của mình đang tham gia chống dịch, bác sĩ Nhung nói rằng “rất trân trọng, tự hào và cảm phục”. Những chiến binh trẻ không bị khuất phục bởi cái nắng hè gay gắt, không than phiền khi khoác lên người bộ bảo hộ cấp 4 và cũng chưa bao giờ chùn bước trước khó khăn, dẫu là những ngày làm việc triền miên suốt nhiều giờ đồng hồ.

Những chiến binh áo trắng luôn kiên cường vượt khó. (Ảnh: NVCC)

Những chiến binh áo trắng luôn kiên cường vượt khó. (Ảnh: NVCC)

Đúng với câu nói "tinh thần phải luôn chiến thắng", cả đoàn luôn giữ vững ý chí can trường và tinh thần lạc quan, vui vẻ. Những sinh viên của Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam luôn khích lệ tinh thần cho nhau, đoàn kết để cùng nhau làm việc.

Họ tự nhận mình là "Biệt đội săn Covid", trên những bộ đồ bảo hộ là những dòng chữ "Mệt chỉ là cảm giác", “Tôi muốn tắt nắng đi cho đoàn săn Covid”,... Đó chính là cách để họ tự động viên mình, động viên những người đồng đội.

Bác sĩ Nhung nhớ lại: "Những ngày làm việc cùng các em vừa thấy thương, vừa xúc động. Tôi vẫn nhớ những câu nói của sinh viên: ‘Em vào nghỉ 15 phút, em tiếp sức cho các bạn ạ’; ‘Cô ơi mình quyết tâm lấy mẫu cho xong xóm này để chiều không phải quay trở lại nữa ạ’; ‘Thôi cậu mệt rồi, vào nghỉ để tớ thay’; ‘Chúng ta nghỉ 10 phút rồi tiếp tục chiến đấu cô nhé’,...

Nghĩ thương các cô cậu học trò vẫn đang miệt mài trên giảng đường nay trở thành những chiến binh quả cảm, làm việc không ngại khó khăn, gian khổ.

Những chiến binh cũng cần được nghỉ ngơi, nhưng tinh thần luôn như vậy, hăng hái, nhiệt tình và quyết tâm".

Dẫu sau ngày dài làm việc cật lực, những bộ quần áo đã ướt đẫm mồ hôi, những gương mặt còn in lằn dấu khẩu trang thì trên môi của những chiến sĩ áo trắng vẫn không thiếu vắng nụ cười.

Những giây phút nghỉ ngơi của sinh viên tình nguyện sau nhiều giờ đồng hồ làm việc cật lực. (Ảnh: NVCC)

Những giây phút nghỉ ngơi của sinh viên tình nguyện sau nhiều giờ đồng hồ làm việc cật lực. (Ảnh: NVCC)

Những lời động viên đồng đội được viết lên tấm áo bảo hộ. (Ảnh: NVCC)

Những lời động viên đồng đội được viết lên tấm áo bảo hộ. (Ảnh: NVCC)

Nguyễn Thành Bá Đạt, sinh viên lớp Y khoa chia sẻ: "Ngày đầu tiên làm việc chưa quen nên em thấy khá mệt, đau đầu, khát nước, nhưng vài ngày là quen được với điều kiện thời tiết cũng như guồng quay của công việc.

Những ngày sau, đoàn làm việc tốt hơn, có buổi sáng chúng em đã hoàn thành vượt chỉ tiêu với gần 1800 mẫu. Chúng em nhận được nhiều lời khen từ Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Giang.

Làm việc cùng nhau có khi xảy ra bất đồng ý kiến, lời qua tiếng lại với nhau. Nhưng chúng em cũng biết cách hạ cái tôi của mình xuống để công việc đạt kết quả tốt. Có hôm em nhận được tin nhắn "xin lỗi" từ một người đồng đội. Và sau đó, nhóm em đã đổi tên là nhóm "yêu thương", đồng đội luôn hiểu ý nhau, yêu thương, giúp đỡ và hộ trợ nhau vượt qua khó khăn".

Những chiến binh đầy nhiệt huyết và đáng yêu. (Ảnh: NVCC)

Những chiến binh đầy nhiệt huyết và đáng yêu. (Ảnh: NVCC)

Nguyễn Thị Huệ, sinh viên lớp Y Đa khoa tâm sự: "Em thấy tự hào vì được làm việc với những người đồng đội trách nhiệm, đoàn kết, yêu thương. Dù trước đây chưa từng quen biết nhưng những ngày ở Bắc Giang chúng em đã gắn bó với nhau như người thân.

Chúng em thường bắt đầu lên đường khi mặt trời chưa thức giấc, có ngày 4 giờ 30 phút cả đội đã tập trung để xuất quân. Mặc dù vất vả nhưng em luôn cảm thấy biết ơn vì được nhận nhiệm vụ thiêng liêng này. Cảm ơn những người dân Bắc Giang đã yêu thương, chia sẻ và động viên cùng đoàn tình nguyện. Những ngày làm nhiệm vụ chống dịch sẽ là ký ức tuyệt vời trong em".

Luôn giữ tinh thần lạc quan chiến thắng dịch bệnh. (Ảnh: NVCC)

Luôn giữ tinh thần lạc quan chiến thắng dịch bệnh. (Ảnh: NVCC)

Cuối ngày, đã hơn 20 giờ tối, trên chuyến xe trở về điểm nghỉ ngơi sau một ngày làm việc vất vả, những chiến binh áo trắng của Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam lại hát vang ca khúc "Lên đàng": "Nào anh em ta cùng nhau xông pha, lên đàng, kiếm nguồn tươi sáng. Ta nguyện đồng lòng điểm tô non sông, từ nay ra sức anh tài..."!

“Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”.

Phạm Minh