Bộ Nông nghiệp chỉ ra hạn chế trong đào tạo nhân lực nông nghiệp, nông thôn

14/07/2023 06:44
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Cả ba hệ đào tạo cao đẳng, trung cấp và sơ cấp đều chứng kiến sự suy giảm tuyển sinh của các ngành nông nghiệp trong giai đoạn 2016-2021.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 11/7/2023, công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực của Bộ đạt được những thành tựu nhất định, góp phần tích cực vào chuyển đổi cơ cấu kinh tế của ngành trong thời gian qua. Hệ thống các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng thuộc Bộ tiếp tục được kiện toàn về tổ chức bộ máy hoạt động.

Sinh viên Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế trong tiết học (Nguồn: Website nhà trường).

Sinh viên Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế trong tiết học (Nguồn: Website nhà trường).

Cụ thể, đến nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có 12 cơ sở đào tạo đại học và sau đại học (gồm 04 đại học/học viện và 08 viện nghiên cứu), 28 trường cao đẳng và 02 trường cán bộ quản lý. Tổng số có 40 cơ sở đào tạo cấp bằng từ bậc tiến sĩ đến bậc sơ cấp. Các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp thuộc Bộ đã hình thành mạng lưới các trường, cùng với các phân hiệu bố trí rộng khắp tại nhiều vùng kinh tế trên cả nước. Bộ đã đầu tư xây dựng mạng lưới các trường cao đẳng chất lượng cao (gồm 8 trường chất lượng cao, tiếp cận trình độ khu vực và quốc tế).

Các trường đại học đã chú trọng công tác tuyển sinh, mở rộng ngành đào tạo mới, đáp ứng nhu cầu xã hội và người học. Đến năm 2022, các cơ sở đào tạo đại học của Bộ có 38 ngành đào tạo trình độ tiến sĩ; 39 ngành đào tạo thạc sĩ và 97 ngành đào tạo trình độ đại học, 112 ngành đào tạo cao đẳng; 122 ngành trung cấp.

Trên cơ sở chuẩn đầu ra, một số trường đã phối hợp với các doanh nghiệp xây dựng chương trình bảo đảm linh hoạt hơn phù hợp với nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ nêu ra những tồn tại, hạn chế trong đào tạo nhân lực nông nghiệp, nông thôn.

Đối với đào tạo sau đại học, công tác tuyển sinh đối với học viên cao học mặc dù có sự ổn định nhưng suy giảm, đặc biệt ở các ngành nông nghiệp truyền thống.

Cụ thể, trong nhóm ngành nông nghiệp có sự suy giảm tuyển sinh ở ngành: Khoa học đất, Khuyến nông, Chăn nuôi, Nông học, Khoa học cây trồng, Phát triển nông thôn, Kinh tế nông nghiệp, Bảo vệ thực vật.

Nhóm ngành thủy sản giảm mạnh ở chuyên ngành Khai thác thủy sản, Quản lý và khai thác nguồn lợi biển đảo, Khoa học thủy sản.

Nhóm ngành lâm nghiệp giảm mạnh ở ngành: Lâm sinh, Lâm học, Quản lý tài nguyên rừng, Lâm nghiệp đô thị.

Nhóm ngành thủy lợi giảm mạnh ở ngành: Kỹ thuật tài nguyên nước, Thủy văn, Kỹ thuật xây dựng công trình thủy và Kỹ thuật cấp thoát nước.

Ngoài ra, có sự mất cân đối giữa các lĩnh vực quan trọng của ngành, đặc biệt khối thủy sản mới có 01 chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ và 02 chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ.

Đối với tuyển sinh đại học có sự suy giảm tuyển sinh ở các ngành truyền thống như: Khoa học đất, Khoa học cây trồng, Phát triển nông thôn, Nuôi trồng thủy sản, Lâm sinh, Quản lý tài nguyên rừng, Công nghệ thực phẩm, Công nghệ sau thu hoạch, Thủy văn học, Kỹ thuật xây dựng công trình thủy…

Sự thay đổi trong xu hướng lựa chọn ngành nghề của học sinh, sinh viên cũng dẫn đến mất cân đối trong cơ cấu giáo viên. Trong khi một số ngành nghề mới mở có sự thiếu hụt giảng viên cơ hữu, phải mời thêm giảng viên bên ngoài thì các ngành truyền thống lại có sự dư thừa, mặc dù nhiều giảng viên có trình độ cao được đào tạo bài bản và kinh nghiệm lâu năm nhưng không có đủ giờ dạy.

Giáo dục nghề nghiệp cũng suy giảm tuyển sinh các ngành nông nghiệp truyền thống, đặc biệt là sụt giảm nhanh của hệ đào tạo cao đẳng, sơ cấp, dạy nghề ngắn hạn. Cụ thể, từ năm 2016-2021, tuyển sinh trình độ cao đẳng giảm từ 6.042 học sinh xuống còn 4.305 học sinh (mặc dù có xu hướng tăng so với 2020). Một số trường đào tạo nông nghiệp chỉ đạt dưới 50% chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo cao đẳng so với số lượng chỉ tiêu đăng ký. Học sinh hệ trung cấp và sơ cấp duy trì tuyển sinh ở mức ổn định hơn. Tuy nhiên cả ba hệ đào tạo cao đẳng, trung cấp và sơ cấp đều chứng kiến sự suy giảm tuyển sinh của các ngành nông nghiệp trong giai đoạn 2016-2021.

Cùng với những khó khăn trong công tác tuyển sinh, việc học sinh, sinh viên bỏ học giữa chừng cũng đang trở thành vấn đề quan tâm của nhiều trường, đặc biệt đối với học sinh học trung cấp, cao đẳng.

Một số ngành nghề, kiến thức kỹ năng của người học chưa phù hợp hoặc chưa đáp ứng nhu cầu của thị trường và người sử dụng lao động. Ở một số trường, việc giảng dạy vẫn còn nặng về lý thuyết, tài liệu, giáo trình chưa được cập nhật thường xuyên, thậm chí còn lạc hậu so với yêu cầu của xã hội người sử dụng lao động; phương pháp giảng dạy chưa thực sự lấy người học làm trung tâm, phương pháp giảng dạy “thày giảng trò ghi chép” còn phổ biến. Một số kỹ năng cần thiết như khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng số… còn hạn chế. Thực trạng này dẫn đến hạn chế cơ hội tìm kiếm việc làm phù hợp, đặc biệt là sự thay đổi nhanh chóng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Về nguyên nhân khách quan của những tồn tại, hạn chế trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ ra rằng, thứ nhất, do quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa cùng với quá trình đô thị hóa dẫn đến chuyển dịch lao động từ khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản sang khu vực công nghiệp – xây dựng, dịch vụ và du lịch.

Thứ hai, thu nhập và điều kiện làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp kém hấp dẫn hơn so với các ngành khác nên khiến cho số học viên đăng ký theo học các ngành nông nghiệp bị giảm sút.

Thứ ba, nguồn lực đầu tư của nhà nước cho giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp còn hạn hẹp, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển và rất thấp so với mức trung bình chung của khu vực và thế giới.

Thứ tư, việc thực hiện cơ chế tự chủ đối với các viện, trường cũng dẫn đến khó khăn về tài chính trong thực hiện nhiệm vụ. Áp lực về cân đối thu chi, tìm kiếm thu nhập để bổ sung vào quỹ tiền lương và các chi phí thường xuyên của đơn vị khiến cho công tác đào tạo sau đại học của một số viện gặp khó khăn.

Thứ năm, đa số các trường của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nằm ở ngoại thành hoặc ở các tỉnh trên cả nước, nên công tác tuyển sinh cũng gặp khó khăn do tâm lý học sinh và phụ huynh muốn học ở trung tâm thành phố lớn để có điều kiện đi lại, sinh hoạt thuận lợi và có nhiều cơ hội tìm việc làm thêm trong quá trình học.

Thứ sáu, chế độ tiền lương và đãi ngộ còn bất cập, đề án cải cách chính sách tiền lương chậm được ban hành khiến cho các nhà khoa học, đội ngũ giảng viên chưa thực sự yên tâm công tác, nhiều người phải làm thêm ngoài để kiếm thêm thu nhập do đó phần nào ảnh hưởng đến chất lượng hiệu quả nghiên cứu, giảng dạy.

Đối với giáo dục nghề nghiệp, việc tuyển sinh các hệ đào tạo nghề nghiệp, đặc biệt là hệ cao đẳng gặp nhiều khó khăn. Tâm lý trọng bằng cấp vẫn còn nặng nề trong nhiều phụ huynh học sinh. Nhiều trường đại học, đặc biệt là các trường mở mới, các trường ở địa phương sẵn sàng hạ thấp điểm tuyển sinh để có sinh viên. Từ đó, dẫn đến nhiều trường không bảo đảm chỉ tiêu tuyển học sinh hệ cao đẳng, chất lượng đầu vào thấp.

Mục tiêu của Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 5/12/2011 phấn đấu có ít nhất 30% học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở đi học nghề. Nhưng đến nay, học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở đăng ký vào học trung cấp nghề chỉ đạt khoảng 8%.

Về nguyên nhân chủ quan, báo cáo nêu rõ, thứ nhất, do sự lãnh đạo, chỉ đạo về công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; lãnh đạo một số trường còn tâm lý ỉ lại, trông chờ, chưa chủ động trong đổi mới nội dung, chương trình giảng dạy. Chưa quyết liệt trong tuyển sinh, hợp tác với các địa phương và doanh nghiệp, đối tác nước ngoài.

Thứ hai, công tác tham mưu triển khai thực hiện, thể chế hóa để thực hiện cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng đào tạo và xây dựng cơ chế chính sách đặc thù về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chậm, lúng túng, nhất là đào tạo nhân lực trình độ cao của Ngành.

Thứ ba, chưa có tổng kết đánh giá và dự báo cụ thể về công tác phát triển nguồn nhân lực của Ngành để có các giải pháp tổ chức đào tạo gắn với thị trường lao động; việc lồng ghép công tác đào tạo với các chương trình, dự án lớn của Bộ, ngành chưa được chú trọng; công tác đầu tư cho nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực còn ít và dàn trải.

Thứ tư, công tác quản trị và phương pháp quản lý ở nhiều trường chậm đổi mới, bị ảnh hưởng nặng nề bởi tư duy bao cấp, chưa chủ động, kịp thời chuyển đổi sang mô hình quản trị hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, đẩy mạnh phân cấp và tăng tính trách nhiệm giải trình cho đơn vị cấp dưới.

Thứ năm, phương pháp giảng dạy, nghiên cứu ở một số đơn vị còn nghèo nàn, lạc hậu. Năng lực ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh của nhiều giảng viên còn hạn chế, dẫn đến khó khăn trong việc cập nhật sự phát triển của khoa học công nghệ trong ngành, lĩnh vực. Điều này không chỉ gây khó khăn trong việc hợp tác quốc tế nghiên cứu, đăng các bài báo quốc tế, mà còn hạn chế trong việc tham mưu cho Bộ giải quyết các vấn đề thực tiễn của ngành.

Thứ sáu, kinh phí đầu tư từ ngân sách nhà nước của Bộ dành cho mua sắm bổ sung thiết bị từ các chương trình mục tiêu, chống xuống cấp để phục vụ đào tạo còn thấp so với yêu cầu; nguồn kinh phí dành cho nghiên cứu khoa học còn eo hẹp, dàn trải, do vậy đề tài nghiên cứu so với số lượng cán bộ nghiên cứu còn thấp.

Ngọc Mai