Kiến nghị Chính phủ, 2 Bộ gỡ khó trong đào tạo ngành Nông-Lâm nghiệp, Thuỷ sản

25/06/2023 06:40
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- CLB Khối đào tạo Nông nghiệp, Lâm nghiệp, Thuỷ sản kiến nghị có giải pháp tháo gỡ khó khăn trong đào tạo ngành Nông-Lâm nghiệp, Thuỷ sản hiện nay.

Câu lạc bộ Khối đào tạo Nông nghiệp, Lâm nghiệp, Thuỷ sản thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam có văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về việc có giải pháp tháo gỡ khó khăn trong đào tạo ngành Nông-Lâm nghiệp và Thủy sản.

Trong văn bản kiến nghị, Câu lạc bộ Khối đào tạo Nông nghiệp, Lâm nghiệp, Thuỷ sản nêu: Ngày 5/6/2023, Câu lạc bộ Khối đào tạo Nông nghiệp, Lâm nghiệp, Thuỷ sản tổ chức Hội thảo: “Đào tạo nguồn nhân lực để phát triển bền vững Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thuỷ sản của Việt Nam” tại Trường Đại học Nông Lâm – Đại học Huế để đánh giá thực trạng và kiến nghị một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn trong đào tạo nguồn nhân lực ngành Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thuỷ sản cho các học viện, trường đại học trong bối cảnh hiện nay.

Hội thảo “Đào tạo nguồn nhân lực để phát triển bền vững Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thuỷ sản của Việt Nam” tại Trường Đại học Nông Lâm – Đại học Huế. (Ảnh: CLB Khối đào tạo Nông nghiệp, Lâm nghiệp, Thuỷ sản).

Hội thảo “Đào tạo nguồn nhân lực để phát triển bền vững Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thuỷ sản của Việt Nam” tại Trường Đại học Nông Lâm – Đại học Huế. (Ảnh: CLB Khối đào tạo Nông nghiệp, Lâm nghiệp, Thuỷ sản).

Vì lẽ đó, trong bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Câu lạc bộ đã nêu về thực trạng đào tạo khối ngành Nông-Lâm nghiệp, Thuỷ sản.

Cụ thể, nguồn nhân lực thuộc lĩnh vực Nông-Lâm nghiệp, Thuỷ sản đang thiếu hụt rất lớn so với nhu cầu trước mắt và lâu dài.

Nhu cầu người học theo khối ngành Nông-Lâm nghiệp, Thuỷ sản trong những năm gần đây rất thấp. Kết quả tuyển sinh đại học khối ngành Nông-Lâm nghiệp, Thuỷ sản hàng năm của các học viện, trường đại học có xu hướng giảm nghiêm trọng. Năm 2022, theo số liệu từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, khối đào tạo Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thuỷ sản tuyển sinh chỉ đạt 0,86%; ngành Thú y đạt 0,51%. Trong khi đó, nhu cầu của các đơn vị tuyển dụng đối với người lao động có trình độ từ cao đẳng trở lên rất cao (xấp xỉ 46.000 người/năm), nhưng thực tế số lượng tuyển sinh khối ngành này hàng năm chỉ đáp ứng được khoảng 11,2% so với nhu cầu.

Nguyên nhân của những hạn chế, khó khăn trong đào tạo nguồn nhân lực ngành Nông-Lâm-Thuỷ sản được Câu lạc bộ chỉ ra đó là ngành học chưa có sức hấp dẫn đối với sinh viên; thế hệ Gen Z thích học theo hướng kinh doanh và công nghệ hoặc xuất khẩu lao động;

Ngoài ra, đối với ngành này, sinh viên cũng có tâm lý sợ vất vả và dễ gặp rủi ro khi học; thu nhập không cao (chỉ bằng 50% các ngành công nghiệp, dịch vụ); các chính sách hỗ trợ trong đào tạo và phát triển nguồn nhân lực ngành Nông-Lâm nghiệp, Thuỷ sản cũng chưa có.

Do đó, để sớm có giải pháp giải quyết những khó khăn trong đào tạo nguồn nhân lực ngành Nông-Lâm nghiệp, Thuỷ sản trong giai đoạn hiện nay, Câu lạc bộ có một số kiến nghị, đề xuất gửi tới Chính phủ và một số Bộ như sau:

Đối với Chính phủ:

Thứ nhất, đề nghị Chính phủ có chính sách tăng cường đầu tư cho giáo dục đại học, các chính sách đặt hàng đào tạo đối với những ngành nghề truyền thống thiết yếu và khó tuyển sinh như: Khoa học cây trồng, Khoa học đất, Lâm nghiệp, Chế biến lâm sản, chăn nuôi, thuỷ sản...

Quan tâm và bổ sung ngành Nông-Lâm nghiệp, Thuỷ sản vào nhóm Dịch vụ sự nghiệp công mà ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ chi phí thực hiện dịch vụ theo Nghị định số 186/QĐ-TTg ngày 10/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ.

Thứ hai, Chính phủ thành lập Quỹ học bổng/kinh phí cấp bù ngân sách cho các trường đại học để hỗ trợ học phí và học bổng cho các sinh viên theo học nhóm ngành Nông-Lâm nghiệp và Thuỷ sản như ngành Sư phạm (theo Nghị định 116/NĐ-CP ngày 25/06/2020 về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm).

Thứ ba, ban hành chính sách thu hút sinh viên học ngành Nông-Lâm nghiệp, Thuỷ sản và tăng cường năng lực cho một số trường đào tạo ngành này.

Thứ tư, có chiến lược truyền thông nhằm chỉ đạo, định hướng thông tin cho xã hội, đặc biệt là giới trẻ có nhận thức đúng về vai trò quan trọng của Nông-Lâm nghiệp, Thuỷ sản trong giải quyết các thách thức toàn cầu về lương thực, môi trường. Tôn vinh những người dám dấn thân và có chính sách lương, thưởng ưu đãi xứng đáng cho lực lượng lao động.

Đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo:

Thứ nhất, Bộ cần tạo cơ chế phát triển cho các trường đại học đào tạo Nông-Lâm nghiệp, Thuỷ sản theo hướng đa ngành, đảm bảo đáp ứng nhu cầu xã hội, thực tiễn phát triển, giảm rủi ro trong công tác tuyển sinh.

Thứ hai, tham mưu, đề xuất với Chính phủ có chính sách tăng cường đầu tư và chính sách đặt hàng đào tạo đối với những ngành truyền thống, khó tuyển sinh.

Thứ ba, kiến nghị với Chính phủ thành lập Quỹ học bổng/kinh phí cấp bù ngân sách cho các trường đại học để hỗ trợ học phí và học bổng cho các sinh viên ngành Nông-Lâm nghiệp và Thuỷ sản.

Thứ tư, có chủ trương, kế hoạch để các trường đại học cùng tham gia công tác giảng dạy môn Công nghệ trong các trường trung học phổ thông để nâng cao nhận thức và định hướng nghề nghiệp cho học sinh chọn khối ngành Nông-Lâm nghiệp, Thuỷ sản.

Thứ năm, sớm xây dựng đề án trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ, chính sách thu hút sinh viên vào học khối ngành Nông-Lâm nghiệp, Thuỷ sản.

Thứ sáu, chưa đưa 02 trường gồm: Trường Đại học Nông Lâm (Đại học Thái Nguyên) và Trường Đại học Nông Lâm (Đại học Huế) vào diện phải tự chủ tài chính. Trước mắt, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên ưu tiên tăng phân bổ kinh phí chi thường xuyên và tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho 2 trường này.

Đối với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

Thứ nhất, đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng tham mưu, đề xuất với Chính phủ có chính sách tăng cường đầu tư cho giáo dục đại học, đặt hàng đào tạo đối với những ngành truyền thống, khó tuyển sinh.

Thứ hai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần xây dựng đề án trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ, chính sách thu hút sinh viên vào học khối ngành Nông-Lâm nghiệp, Thuỷ sản và tăng cường năng lực cho một số trường (áp dụng cho các học viện, trường đại học trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Giáo dục và Đào tạo).

Ngọc Mai