Đăng đàn trong chương trình “Dân hỏi Bộ trưởng trả lời”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã có lý giải và phát biểu mạnh mẽ về kế hoạch xây dựng một môi trường đầu tư minh bạch hiệu quả, công bằng.
Vấn đề được lãnh đạo nhiều doanh nghiệp đặt ra trong thời gian qua chính là việc đang có sự mất công bằng trong những chính sách ưu đãi giữa doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp trong nước.
Nhiều vấn đề liên quan chính sách thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài được Bộ trưởng Bùi Quang Vinh lý giải |
Cụ thể trong những năm qua, chúng ta đã dành rất nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp nước ngoài như thuế, đất đai trong khi doanh nghiệp nhà nước phải đối mặt với hàng núi thủ tục hành chính, ưu đãi không rõ ràng chủ trương phát triển doanh nghiệp trong nước đặc biệt khối doanh nghiệp tư nhân.
Bày tỏ quan điểm của mình Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng, không thể nói rằng doanh nghiệp nước ngoài được ưu đãi rất nhiều còn doanh nghiệp trong nước thì không, mà phải nói rằng hai bên đều có những thuận lợi và những khó khăn riêng. “Nhưng cũng phải nói một cách công bằng rằng, thời gian vừa qua chúng ta đặt trọng tâm và chú ý nhiều tới mảng doanh nghiệp nước ngoài ở các cấp”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh thẳng thắn.
Vấn đề là tại sao lại có những ưu đãi lớn như vậy cho khối doanh nghiệp nước ngoài? Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, dựa trên những đóng góp của doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp nước ngoài có những vai trò riêng. “Trong lúc chúng ta đang thiếu hụt nguồn lực về vốn, kinh nghiệm và khoa hoc công nghệ. Không chỉ có Việt Nam mà có rất nhiều quốc gia khác kể cả các quốc gia phát triển đều cần vốn đầu tư nước ngoài”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói.
Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, trong Luật Đầu tư sắp tới sẽ có nhiều giấy cấp phép được gỡ bỏ. |
Tuy nhiên theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, nếu chúng ta không quan tâm đúng mức và đầy đủ đến khối doanh nghiệp trong nước thì dù có thu hút đầu tư nước ngoài tốt bao nhiêu kinh tế Việt Nam vẫn không phát triển được và bị lệ thuộc nên động lực để phát triển sắp tới là phải quan tâm tới khối doanh nghiệp trong nước.
Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, khối doanh nghiệp trong nước gồm hai mảng: Mảng doanh nghiệp nhà nước và mảng doanh nghiệp dân doanh. “Hiện nay với chúng ta đang tập trung tái cấu trúc lại các doanh nghiệp nhà nước theo hướng thu hẹp lại các lĩnh vực hoạt động và cổ phần hóa mạnh mẽ nhưng điều cốt tử của doanh nghiệp nhà nước là phải nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhận định.
Trong khi đó, với doanh nghiệp dân doanh hay còn gọi là tư nhân, theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh người dân và doanh nghiệp tư nhân phải được quan tâm đây là lực lượng lớn nhất đông đảo nhất và quan trọng nhất của nền kinh tế Việt Nam. Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết sắp tới Chính phủ sẽ trình Quốc hội để sửa hai luật có liên quan rất nhiều đến hai lĩnh vực nay đó là Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư theo hướng tất cả ngành nghề nào mà luật pháp không cấm thì người dân và doanh nghiệp đều được tham gia.
“Trước đây chúng ta đã nói tới điều này rất nhiều và gần đây trong hiến pháp sửa đổi của năm 2013 chúng ta lại một lần nữa khẳng định quan điểm này. Tuy vậy lần này phải biến quan điểm này trở thành hiện thực. Trong luật doanh nghiệp, giấy phép của họ không cần đăng ký lĩnh vực đầu tư. Trong Luật Đầu tư sẽ dỡ bỏ toàn bộ không cần cấp phép cho đầu tư trực tiếp từ nước ngoài cũng như các lĩnh vực đầu tư. Rất nhiều giấy cấp phép sẽ được gỡ bỏ và chúng ta chỉ làm nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra một trong tư tưởng xuyên suốt là chúng ta sẽ sử dụng cơ chế thị trường để phân bổ nguồn lực và đảm bảo các thành phần kinh tế được tiếp cận với nguồn lực bình đẳng như nhau", Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết thêm.
Việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài bên cạnh thu hút nguồn vốn là vấn đề chuyển giao công nghệ. Về vấn đề này, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng trong khoảng 16.000 doanh nghiệp nước ngoài đầu tư trực tiếp tại Việt Nam thì hầu hết ở dạng 100% vốn nước ngoài. Vì vậy theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, yêu cầu hoặc điều kiện để chuyển giao trực tiếp công nghệ cho một đối tác liên doanh là ít.
“Ngay trong báo cáo đánh giá 20 năm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài ghi rõ việc chuyển giao công nghệ chưa được nhiều chỉ khoảng 5%, như vậy là thấp. Tuy vậy chúng ta cũng không bi quan ngược lại việc doanh nghiệp nước ngoài đầu tư trực tiếp vào Việt Nam có tác động trực tiếp mạnh mẽ đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tái cấu trúc lại ngành nghề lao động Việt Nam theo hướng tăng cao chất lượng cạnh tranh” Bộ trưởng Bùi Quang Vinh lạc quan.
Trước nhận định cho rằng lo ngại về pháp lý gây trở ngại cho nhà đầu tư nước ngoài muốn đặt chân đến Việt Nam, điển hình như việc mua bán, sáp nhập. Bộ trưởng Bùi Quang Vinh thẳng thắn cho rằng, môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam chưa thật hoàn thiện vì Việt Nam là quốc gia đang phát triển nên hệ thống luật pháp đang được hoàn thiện dần.
Trong khi đó, trước lo ngại về con số đầu tư trực tiếp nước ngoài trong Quý 1 năm 2014 chỉ đạt 3,3 tỉ USD bằng một nữa so với cùng kỳ năm 2013. Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng việc so sánh đầu tư trực tiếp nước ngoài theo quý là không phản ánh được bản chất của vấn đề.
Sở dĩ trong quý 1 năm 2013 tổng mức đầu tư FDI quý 1 năm 2013 tăng đột biến vì có liên tiếp hai dự án lớn đầu tư vào Việt Nam là dự án nhà máy Sam Sung Thái Nguyên trị giá 2 tỉ USD và dự án hóa lọc dầu tại Nghi Sơn (Thanh Hóa) 2,8 tỉ USD. Trong khi quý 1 năm 2014 không có những dự án lớn như vậy, tuy nhiên không có nghĩa là tình hình thu hút đầu tư nước ngoài năm 2014 sẽ sụt giảm mạnh so với năm 2013.