Bộ trưởng Bùi Quang Vinh và những tâm sự

22/01/2016 16:58
Tấn Minh
(GDVN) - Bài phát biểu này ông Bùi Quang Vinh trình bày sáng nay tại phiên thảo luận của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12.

Trong tham luận trình bày về vấn đề "Đẩy mạnh cải cách thể chế, hướng tới một Việt Nam thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ", Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh việc đổi mới hệ thống chính trị đồng bộ với đổi mới về kinh tế là một yêu cầu hết sức cấp bách.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh. ảnh: Báo Đầu tư.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh. ảnh: Báo Đầu tư.

Đồng thời, ông Vinh đề xuất trọng tâm đổi mới thể chế kinh tế trong giai đoạn tới cần dựa trên 3 trụ cột:

Một là thịnh vượng kinh tế phải đi đôi với bảo vệ bền vững môi trường. Việt Nam phải có mức tăng trưởng cao và liên tục trong 20 năm tới với mức tăng thu nhập bình quân đầu người hàng năm 7% có nghĩa là tương đương với mức tăng trưởng GDP hàng năm 8% để đến năm 2035 có mức thu nhập bình quân đầu người từ 15.000 – 18.000 USD.

Để đạt được mục tiêu này, con đường duy nhất là phải tăng năng suất.

Trước mắt, phải nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả cho doanh nghiệp trong nước thông qua việc hoàn thiện, củng cố nền tảng của thể chế kinh tế thị trường, đặc biệt là quyền sở hữu tài sản và xác định các chính sách công bằng, cạnh tranh lành mạnh trong tiếp cận vốn, đất đai, tài nguyên và thông tin.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh và những tâm sự ảnh 2

Ông Vũ Mão: “Đảng cần chỉ rõ những đảng viên nào suy thoái”

Thứ hai, phải thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp, Nhà nước cần tạo dựng môi trường thuận lợi, xây dựng trung tâm hướng dẫn và đào tạo cho doanh nghiệp mới khởi nghiệp.

Cung cấp các kiến thức cũng như nguồn vốn thông qua các quỹ đầu tư mạo hiểm, ngân hàng đầu tư mạo hiểm nhằm tạo ra làn sóng khởi nghiệp và tinh thần doanh nghiệp mạnh mẽ trong toàn xã hội. Phải coi vị thế của doanh nghiệp là vị thế của quốc gia.

Thứ ba, để duy trì tăng trưởng cao trong một thời gian dài cần có một chương trình cải cách tích cực, đẩy mạnh học hỏi và đổi mới sáng tạo; xây dựng một hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia chính là cách thức để cải thiện tình hình về năng suất lao động của Việt Nam.

Việt Nam đang hướng đến thu nhập bình quân đầu người 15.000 - 18.000 USD vào năm 2035. ảnh: Người lao động.
Việt Nam đang hướng đến thu nhập bình quân đầu người 15.000 - 18.000 USD vào năm 2035. ảnh: Người lao động.

Bên cạnh những chính sách phát triển kinh tế nhanh, mạnh mẽ, phải xây dựng những chính sách đảm bảo sự công bằng trong phát triển cũng như cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho mọi người dân, nhất là những đối tượng yếu thế, thiệt thòi trong xã hội.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh và những tâm sự ảnh 4

Ông Vũ Quốc Hùng: “Dân chỉ tin khi Đảng thực sự vì quyền lợi của dân”

Ngoài ra, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng đề cao vấn đề hiệu lực của Nhà nước dựa trên 3 trụ cột hỗ trợ:

Chính phủ được tổ chức tốt với công chức thực tài và có kỷ luật, phải nỗ lực để xử lý các vấn đề để tạo ra một cấu trúc Nhà nước chặt chẽ hơn, mạnh mẽ hơn và đảm bảo chế độ chức nghiệp thực tài.

Nguyên tắc thị trường cần được áp dụng đầy đủ hơn trong hoạch định chính sách kinh tế trên cơ sở phân định rõ các lĩnh vực công và tư, hạn chế xung đột lợi ích, tăng cường bảo vệ quyền tài sản (đặc biệt là về đất đai), thực thi cạnh tranh thị trường và hợp lý hóa sự tham gia của Nhà nước trong nền kinh tế.

Nâng cao hơn nữa trách nhiệm giải trình thông qua việc xây dựng một cơ chế hữu hiệu về kiểm soát và cân bằng giữa ba nhánh quyền lực, tạo dựng khuôn khổ pháp lý, thúc đẩy quyền công dân.

Bảo đảm quyền tiếp cận thông tin chính xác và kịp thời của công dân và tăng cường vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng. 

Tấn Minh