Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: "Giáo viên có đổi mới được thì mới có đổi mới"

17/02/2023 13:28
Ngân Chi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- "Báo cáo giám sát cần khách quan, sát thực tế nhất, triển khai CT mới không nhằm đạt thành tích mà nhằm đạt đến những chỉ số phát triển GD".

Hai vấn đề khó khăn lớn là cơ sở vật chất và giáo viên

Trong buổi làm việc của đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn với Ủy ban nhân dân tỉnh nhằm giám sát chuyên đề việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông tại địa phương, đã có nhiều ý kiến được nêu ra, trao đổi.

Qua thực tế giám sát, các thành viên trong đoàn đã nhấn mạnh những khó khăn tại các đơn vị trường học khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 và yêu cầu làm rõ thêm, cũng như giải pháp khắc phục. Trong đó, tập trung vào điều kiện triển khai như đội ngũ giáo viên, việc sắp xếp kế hoạch, nhiệm vụ năm học, cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học; sách giáo khoa và tài liệu giáo dục địa phương…

Phát biểu tại buổi làm việc, bà Đồng Thị Vân Thoa (Trưởng ban chuyên trách Văn hóa - xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh - thành viên đoàn giám sát) cho biết: “Cho đến thời điểm này, hoạt động dạy học bắt đầu đi vào nền nếp. Giáo viên đã chủ động, linh hoạt thực hiện chương trình. Học sinh cũng dần tiếp cận được với chương trình mới”.

“Tuy nhiên, có một bộ phận học sinh, đặc biệt là học sinh dân tộc thiểu số còn tự ti, rụt rè nên tham gia hoạt động trong lớp học còn hạn chế. Nếu không có giải pháp để đưa nhóm học sinh này vào quỹ đạo hoạt động chung của lớp, các em sẽ bị tụt hậu so với các bạn. Đây cũng là vấn đề đặt ra cho giáo dục miền núi khi triển khai chương trình” - nữ đại biểu cho biết thêm.

Bà Đồng Thị Vân Thoa (Trưởng ban chuyên trách Văn hóa - xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh - thành viên đoàn giám sát). Ảnh: Thế Đại.

Bà Đồng Thị Vân Thoa (Trưởng ban chuyên trách Văn hóa - xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh - thành viên đoàn giám sát). Ảnh: Thế Đại.

Ngoài ra, bà Thoa cũng đề cập đến hai vấn đề khó khăn lớn khi triển khai chương trình là thiếu giáo viên và cơ sở vật chất.

Cụ thể, đối với việc thiếu giáo viên, đặc biệt trong những năm tới khi quy mô triển khai chương trình lớn hơn, nhu cầu giáo viên nhiều hơn. Bên cạnh đó, việc sắp xếp, bố trí giáo viên đi tập huấn, bồi dưỡng để không ảnh hưởng tới thực hiện nhiệm vụ và có giải pháp cho vấn đề dịch chuyển giáo viên đang diễn ra tại một số huyện miền núi gây khó khăn cho hoạt động giáo dục nói chung, triển khai chương trình mới nói riêng.

Về cơ sở vật chất, đại biểu thông tin, hầu hết các trường học được giám sát đều thiếu phòng học bộ môn, mặc dù đã có một giai đoạn dài đầu tư nhưng không được đáng kể. Nhiều phòng học, thiết bị đã có xuống cấp, không thể sử dụng được.

Nữ đại biểu cũng đề nghị, thúc đẩy việc mua sắm thiết bị dạy học và phải có đầu tư phù hợp về phòng học bộ môn, có như thế thiết bị dạy học mới phát huy hiệu quả.

Với sách giáo khoa, đại biểu Đồng Thị Vân Thoa nêu giải pháp xây dựng tủ sách dùng chung trong các nhà trường; cấp chi phí học tập đầu năm học để gia đình thuận lợi trang bị phương tiện học tập cho học sinh…

Đại diện các cơ sở giáo dục tại buổi làm việc đã chia sẻ về việc triển khai chương trình mới tại nhà trường. Trong đó nhận định công tác tập huấn, bồi dưỡng giáo viên cơ bản thuận lợi, đáp ứng yêu cầu. Xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường năm đầu có khó khăn, bỡ ngỡ, nhưng sau đó đã dần ổn định, chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, cũng có một số băn khoăn từ phía các nhà trường. Thầy Lê Xuân Thứ - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông chuyên tỉnh Bắc Kạn cho biết: “Đối với việc lựa chọn sách giáo khoa, khi giáo viên phải sử dụng bản mềm cũng gặp những khó khăn nhất định. Ngoài ra, đối với các trường trung học phổ thông, không có giáo viên dạy Âm nhạc, Mỹ thuật, thì có nhất thiết phải lựa chọn sách môn này không? Như phía nhà trường, vì không có đội ngũ giáo viên này, nên sẽ phải đi mượn thầy cô ở trung học cơ sở để lựa chọn ra một quyển sách nhưng sau đó cũng không dùng, vì không có giáo viên để dạy.

Cô giáo Đào Thị Phương - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sông Cầu cũng cho biết: “Vì giáo viên tiểu học thì phải dạy hầu hết các môn, phải tập huấn nhiều. Mà tổ chức tập huấn trực tiếp cho giáo viên cốt cán trùng vào những ngày có tiết, dẫn đến tỉ lệ giáo viên/lớp rất thấp 1,22-1,28. Đây cũng là bài toán thách thức cho cán bộ quản lý, Hiệu trưởng, Hiệu phó thường xuyên phải đứng lớp”.

Quan tâm, tháo gỡ vướng mắc trong tổ chức đấu thầu

Tại buổi làm việc, các thành viên đoàn giám sát cũng đặc biệt quan tâm đến công tác tổ chức đấu thầu trên địa bàn tỉnh.

Đại biểu Nông Quang Nhất - Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Kạn, Phó Trưởng đoàn giám sát nhìn nhận khó khăn về cơ sở vật chất triển khai chương trình mới từ góc độ lo lắng của phụ huynh: Quá trình giám sát, một số phụ huynh bày tỏ băn khoăn, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học còn thiếu như vậy, liệu có đảm bảo chất lượng dạy và học. Từ đó, đại biểu này đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, các sở, ngành tỉnh Bắc Kạn có giải pháp tháo gỡ cho việc đấu thầu mua sắm thiết bị trường học, đảm bảo theo đúng yêu cầu của chương trình.

“Chúng ta khó khăn lắm mới sắp xếp được kinh phí nhưng lại không mua sắm được do khó trong đấu thầu. Nhiều khi là giá trị quá thấp, thấp hơn cả “giá sàn” trên thị trường... Nếu để “tiền thì có nhưng thầu thì khó” sẽ là một điều vô cùng đáng tiếc. Khó khăn sẽ chồng khó khăn nếu không tìm được giải pháp. Liệu đó có phải rào cản ảnh hướng tới chất lượng không?” - đại biểu Nông Quang Nhất đề cập.

Đại biểu Nông Quang Nhất - Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Kạn, Phó Trưởng đoàn giám sát. .Ảnh: Thế Đại.

Đại biểu Nông Quang Nhất - Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Kạn, Phó Trưởng đoàn giám sát. .Ảnh: Thế Đại.

Về vấn đề này, bà Hồ Thị Kim Ngân - Phó Trưởng chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn cũng đề nghị, cần làm rõ các nội dung liên quan đến tổ chức đấu thầu, vướng tại đâu, tham khảo thế nào, tháo gỡ ra sao...

Bà Nông Thị Hiền - Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bắc Kạn thông tin: “Kinh phí bố trí cho giáo dục, nếu tính trong tổng chi cân đối ngân sách của tỉnh khoảng 33%. Năm 2022, tỉnh đã bố trí 2 lần kinh phí cho trang thiết bị trường học. Dự kiến sẽ bố trí tiếp trong nguồn lực của tỉnh để đáp ứng cơ bản trang thiết bị cho đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.

Bà Nông Thị Hiền - Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bắc Kạn phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Thế Đại.

Bà Nông Thị Hiền - Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bắc Kạn phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Thế Đại.

Tuy nhiên, việc mua sắm gặp khó khăn, đặc biệt trong công tác thẩm định giá và lựa chọn nhà thầu. Đặc biệt, khi có rất nhiều mặt hàng mà thị trường tỉnh Bắc Kạn không đáp ứng, thường phải gửi các công ty để tiến hành thẩm định. Qua thẩm định, giá khá thấp nên chưa thực hiện mua...

Cuối năm 2022, Sở Tài chính đã tham mưu phân cấp mạnh hơn nữa trong công tác này. Tới đây, Sở sẽ hướng dẫn các địa phương trong thẩm định giá, mua sắm, mời chuyên viên từ Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) để tập huấn; và địa phương tổ chức triển khai thực hiện cho năm 2023. ”.

Nhìn nhận để triển khai tốt hơn, không phải báo cáo thành tích

Cùng đoàn giám sát, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và các thành viên trong đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nêu các câu hỏi liên quan đến nhận thức, thái độ của cán bộ quản lý, giáo viên với đổi mới giáo dục phổ thông; công tác “phụ huynh vận”; ngân sách địa phương cấp cho giáo dục; mức độ phân hóa đối với cả giáo viên và học sinh sau một thời gian triển khai chương trình; xây dựng, triển khai kế hoạch giáo dục nhà trường; lựa chọn, sử dụng sách giáo khoa…

Trước các vấn đề đoàn giám sát và Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu ra, ông Phạm Duy Hưng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn khẳng định sự vào cuộc quyết liệt trong triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 của tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh.

Việc tuyên truyền về chương trình mới được thực hiện sâu rộng đến đông đảo nhân dân, phụ huynh, giáo viên, học sinh… nên sự đồng thuận trong triển khai thực hiện khá tốt; triển khai thực hiện chương trình không có vướng mắc.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ sự cần thiết được tham gia làm việc cùng Đoàn giám sát của đại biểu Quốc hội các địa phương. Những ý kiến được lắng nghe trực tiếp từ các địa phương sẽ hữu ích cho báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo với đoàn giám sát của Quốc hội, cũng như quá trình chỉ đạo triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Với cuộc làm việc này, Bộ trưởng nhìn nhận, đã cho thấy nhiều việc, nhiều khía cạnh của bức tranh giáo dục tỉnh Bắc Kạn. Báo cáo và những trao đổi tại buổi làm việc cho thấy những quan tâm sâu sắc của lãnh đạo địa phương. Những ý kiến trao đổi của Đoàn giám sát đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn mang lại nhiều thông tin sát thực về quá trình thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Thế Đại.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Thế Đại.

Từ thực tế triển khai thời gian qua, Bộ trưởng cũng “đặt hàng” đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn có một báo cáo giám sát không chỉ dừng lại ở mục đích gửi về Văn phòng Quốc hội mà còn là góc nhìn về giáo dục của một tỉnh khó khăn hàng đầu cả nước. Theo Bộ trưởng, trong làm chính sách sẽ chú ý tới nhóm ở giữa, nhóm này chiếm số đông, nhưng vẫn mở đường cho nhóm có điều kiện phát triển hết cỡ và hỗ được nhóm khó khăn.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh: “Mong rằng báo cáo của tỉnh Bắc Kạn sẽ đóng góp cho cái chung, không chỉ cho một tỉnh mà còn là của một nhóm. Qua đó thấy được những điểm cần tăng cường hỗ trợ, những điều chỉnh chính sách vĩ mô. Mong tỉnh Bắc Kạn sẽ có báo cáo giám sát khách quan nhất, sát thực tế nhất, để có bức tranh đầy đủ, khách quan từ thực tế địa phương, bởi chương trình giáo dục phổ thông 2018 đang triển khai không phải để đạt thành tích mà để đạt đến những chỉ số phát triển của giáo dục”.

Bộ trưởng đề nghị bổ sung vào báo cáo đánh giá cụ thể về những việc làm được, những việc còn vướng mắc; bổ sung một phần đánh giá chuyển biến trong nhận thức, tư tưởng, sự thấu hiểu về chương trình phổ thông; tăng cường đánh giá về chuyên môn của chương trình, việc đổi mới phương pháp dạy và học, tiếp nhận của học sinh… Đặc biệt, Bộ trưởng cho rằng, báo cáo cần dự báo, nhìn nhận khách quan được tác động vĩ mô của chương trình vào giáo dục của địa phương.

Một quan điểm được Bộ trưởng mong muốn sẽ có trong báo cáo giám sát, đó là nhìn nhận chương trình mới đổi mới rất sâu, tốc độ nhanh, đòi hỏi cao, tính kế thừa chương trình cũ rất lớn, nên trong quá trình triển khai không thể nóng vội, đổi mới giáo dục không thể một sớm một chiều. Những gì cấp bách đặt ra phải làm ngay, nhưng cũng có việc cần hoàn thiện từng bước.

Cùng với mối quan tâm về báo cáo giám sát, tại buổi làm việc, Bộ trưởng bày tỏ mong muốn đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn nói lên tiếng nói của mình về việc cắt giảm biên chế trong ngành giáo dục, nếu có cắt giảm phải tính đến đặc thù của địa phương.

“Đồng thời, phải có kế hoạch cụ thể về kiên cố hóa trường lớp học đến năm 2023 và triển khai ráo riết với lộ trình cụ thể từng năm, vì Bắc Kạn hiện vẫn là địa phương thuộc nhóm có tỉ lệ trường học kiên cố thấp nhất cả nước. Đặc biệt, cần có chiến lược xây dựng lực lượng giáo viên, hỗ trợ nhà giáo vì đây là nhân tố quyết định. Giáo viên có đổi mới được thì mới có đổi mới. Giáo viên có hạnh phúc thì mới có trường học hạnh phúc” - Bộ trưởng chia sẻ.

Phát biểu kết luận, cũng nhấn mạnh đến chất lượng báo cáo giám sát, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Duy Chinh - Trưởng đoàn giám sát đồng thời đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh và các sở/ngành trong quá trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 cần phải linh hoạt hơn nữa ở những nội dung thuộc thẩm quyền của tỉnh, trên tinh thần bám sát chỉ đạo của Trung ương. Quá trình thực hiện có khảo sát, đánh giá sơ bộ để rút kinh nghiệm cho triển khai ở các lớp sau.

Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Duy Chinh - Trưởng đoàn giám sát phát biểu kết luận buổi làm việc. Ảnh Thế Đại.

Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Duy Chinh - Trưởng đoàn giám sát phát biểu kết luận buổi làm việc. Ảnh Thế Đại.

Ông Hoàng Duy Chinh đưa ra những lưu ý để triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 tốt hơn trong thời gian tới. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh tập trung hơn nữa cho công tác thông tin, truyền thông, để cấp ủy đảng, nhân dân trong tỉnh, đặc biệt là đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên hiểu, chia sẻ, ủng hộ, quyết tâm triển khai đổi mới.

Ngân Chi