Chiều ngày 16/2, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn đã có buổi làm việc với Uỷ ban nhân dân tỉnh để giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” trên địa bàn.
Tham dự buổi làm việc có: Ông Hoàng Duy Chinh - Ủy viên ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn.
Ông Phạm Duy Hưng - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn.
Phía Bộ Giáo dục và Đào tạo có Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn.
Ngoài ra còn có các thành viên đoàn giám sát, đại diện lãnh đạo một số Cục, vụ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đại diện lãnh đạo một số sở ngành, cơ sở giáo dục của Bắc Kạn.
Tại buổi làm việc, ông Phạm Duy Hưng - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông 2018.
Ông Phạm Duy Hưng - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông 2018. Ảnh: Thế Đại. |
Dưới đây là một số nội dung trong báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn:
Nhiều trở ngại trong triển khai Chương trình ở tỉnh khó khăn nhất nước
Bắc Kạn là một tỉnh còn khó khăn nhất cả nước với trên 86% là người dân tộc thiểu số, điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới. Tỉ lệ phòng học chưa được kiên cố còn cao, nhất là cấp học Mầm non và Tiểu học; phòng học bộ môn, tin học, ngoại ngữ, công nghệ, mỹ thuật, âm nhạc, đa chức năng, khối phòng phục vụ học tập, phục vụ sinh hoạt, khối phụ trợ... hầu như chưa được đầu tư xây dựng. Nhiều trường phải sử dụng phòng học làm phòng học bộ môn, thiết bị, thư viện... dẫn đến diện tích, quy cách không đúng quy định.
Bên cạnh đó, là tỉnh miền núi, địa hình phức tạp, bị chia cắt, nhiều địa bàn vùng sâu, vùng xa giao thông đi lại còn khó khăn… cũng ảnh hưởng không nhỏ tới việc học tập của các em học sinh và khó khăn trong triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Báo cáo này đã nêu rõ một số kết quả tích cực trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13, Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Cụ thể, những kết quả tích cực trong việc xây dựng và triển khai kế hoạch giáo dục của các cơ sở giáo dục; trong việc đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá; đổi mới phương pháp dạy học; đổi mới về quản trị các cơ sở giáo dục... cho thấy, việc tổ chức thực hiện dạy học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với các lớp theo lộ trình được thực hiện nghiêm túc, có nề nếp, phù hợp với thực tiễn địa phương; học sinh hoàn thành tốt các mục tiêu cần đạt theo quy định của chương trình, phát huy được các phẩm chất, năng lực trong quá trình học tập.
Công tác chỉ đạo thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 luôn kịp thời, sát sao, quyết liệt. Công tác tuyên truyền, quán triệt, triển khai được thực hiện nghiêm túc, cơ bản đảm bảo đúng kế hoạch lộ trình và yêu cầu, không để xảy ra dư luận xấu và bức xúc trong nhân dân.
Việc tổ chức dạy và học trong các nhà trường đáp ứng yêu cầu; các giáo viên đã từng bước áp dụng được các phương pháp, kỹ thuật dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; nề nếp dạy học theo chương trình mới đã ổn định, tạo được sự chủ động, tự tin trong học tập cho học sinh, không chỉ ở vùng thuận lợi mà còn thấy rõ sự tiến bộ của học sinh ở vùng còn khó khăn; nhiều học sinh đã tích cực, chủ động tham gia các giờ học, các hoạt động giáo dục và đạt kết quả tốt, chất lượng giáo dục đảm bảo mục tiêu đề ra.
Bên cạnh những kết quả nêu trên, Bắc Kạn vẫn gặp một số tồn tại, hạn chế như sau:
Về việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông tại địa phương năm học 2021-2022 thời gian đầu còn có lúng túng. Nguyên nhân, năm học 2020-2021 việc lựa chọn sách giáo khoa lớp 1 được thực hiện theo Thông tư số 01/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo với 05 bộ sách giáo khoa đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt; từ năm học 2021-2022, Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT thay thế Thông tư 01/2020/TT-BGDĐT, việc lựa chọn sách giáo khoa cũng như số lượng bộ sách lớp 2 theo phê duyệt của Bộ Giáo dục và Đào tạo có khác so với sách giáo khoa lớp 1.
Việc lập dự toán kinh phí chi cho hoạt động của Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa tại điểm c, khoản 1, Điều 11 Thông tư số 25/2020-TT-BGDĐT ngày 26/8/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về quy định lựa chọn sách giáo khoa trong các cơ sở giáo dục phổ thông còn có khó khăn, vướng mắc, chưa thực hiện được.
Nguyên nhân, Thông tư số 25/2020-TT-BGDĐT được ban hành từ cuối tháng 8 và có hiệu lực từ 11/10/2020. Đây là thời điểm Sở Giáo dục và Đào tạo, các địa phương, đơn vị đã hoàn thành việc xây dựng dự toán cho năm 2021, nên năm 2021 chưa có kinh phí cho nhiệm vụ này. Hiện nay, cơ bản các khó khăn này đã được tháo gỡ.
Về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học mặc dù đã được quan tâm đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của đổi mới giáo dục, nhất là thiết bị dạy học môn Tiếng Anh và Tin học lớp 3.
Về trang thiết bị dạy học: Còn thiếu nhiều, đa số được đầu tư từ lâu, đã cũ, hỏng không được thay thế, không đáp ứng được yêu cầu cải tiến chất lượng giáo dục. Thiết bị dạy học để triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 hầu hết chưa được đầu tư, mua sắm bổ sung. Một số bộ bàn ghế học sinh (4 chỗ ngồi kiểu cũ) không đúng với quy định của Bộ; không phù hợp với mô hình học tập theo nhóm của giáo dục phổ thông hiện nay.
Các nhà trường chưa được đầu tư thiết bị hiện đại (ngoài danh mục tối thiểu do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành), đặc biệt là thiết bị công nghệ thông tin, thiết bị dạy và học ngoại ngữ.
Qua rà soát, cơ bản các trường còn thiếu thiết bị dạy học, nhất là các trường phổ thông để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018:
- Cấp mầm non: Hiện có 20.009 bộ/cái/chiếc; còn thiếu 3.810 bộ/cái/chiếc.
- Cấp tiểu học: Hiện có 30.977 bộ/cái /chiếc; còn thiếu 9.990 bộ/cái/chiếc.
- Cấp trung học cơ sở: Hiện có 31.775 bộ/cái/chiếc; còn thiếu 9.172 bộ/cái/chiếc.
- Cấp trung học phổ thông: Hiện có 7.921 bộ/cái/chiếc; còn thiếu 2.037 bộ/cái/chiếc.
Việc giảng dạy đối với các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Nghệ thuật vẫn do các giáo viên của từng phân môn cùng đảm nhiệm thực hiện vì hiện nay chưa có giáo viên có trình độ đào tạo đối với các môn học này. Việc bố trí giáo viên dạy học môn Tiếng Anh và Tin học còn khó khăn do không có giáo viên đủ điều kiện về trình độ đào tạo - tốt nghiệp Đại học theo quy định của Luật Giáo dục 2019; các trường có nhiều điểm trường và các điểm lẻ cách xa nhau cũng khó khăn cho công tác bố trí giáo viên dạy học hai môn này.
Tính đến thời điểm hiện tại, ở cấp tiểu học 91 trường đã có giáo viên Tiếng Anh, 12 trường đã có giáo viên Tin học. Để đảm bảo 100% học sinh lớp 3 được học môn Tin học và Công nghệ, môn Tiếng Anh cấp tiểu học theo đúng quy định, một đơn vị trường học cần tối thiểu 01 giáo viên giảng dạy môn Tin học và Công nghệ lớp 3 của năm học 2022-2023 và cần đảm bảo giáo viên giảng dạy môn Tiếng Anh với 04 tiết/tuần đối với lớp 3, 4, 5 (bắt buộc) và 02 tiết/tuần đối với lớp 1, 2 (tự chọn).
Bên cạnh đó, còn thiếu giáo viên ở một số môn học khác do chưa tuyển dụng đủ số lượng nên nhiều giáo viên vẫn phải dạy vượt định mức và phải sử dụng thêm đội ngũ giáo viên hợp đồng.
Về công tác dạy và học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 6 trong các cơ sở giáo dục còn có những khó khăn nhất định, một số giáo viên còn lúng túng trong việc thực hiện chương trình mới, chưa mạnh dạn tự chủ trong dạy học; việc vận dụng các phương pháp, kỹ thuật dạy học chưa thực sự thuần thục nên phần nào ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả của việc triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa lớp 6 trên địa bàn tỉnh; tiến độ biên soạn, thẩm định Tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Bắc Kạn còn chậm.
Chưa tổ chức được nhiều hội thảo về tổ chức dạy học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Về kinh phí: Việc sử dụng ngân sách trong thực hiện các Đề án triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông đạt hiệu quả. Tuy nhiên, do nguồn ngân sách của tỉnh còn hạn chế, điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, việc huy động các nguồn lực của tỉnh và các nguồn vốn xã hội hoá đầu tư cho giáo dục và đào tạo chưa đáp ứng nhu cầu và các tiêu chuẩn về cơ sở vật chất giáo dục.
Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: Thế Đại. |
Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế: Do tỉnh còn nhiều khó khăn, nguồn lực đầu tư cho giáo dục còn hạn chế; việc huy động các nguồn xã hội hoá giáo dục còn ít. Thiếu nguồn tuyển giáo viên đối với các môn tích hợp, môn Tiếng Anh và Tin học. Một số giáo viên lớn tuổi, chậm đổi mới, hạn chế về khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học; một số ít giáo viên chưa thật sự tâm huyết, trách nhiệm với nghề.
Việc biên soạn, thẩm định Tài liệu giáo dục địa phương còn gặp nhiều khó khăn như: đội ngũ tác giả là người địa phương trực tiếp biên soạn tài liệu chưa có kinh nghiệm; thời gian biên soạn, thẩm định tài liệu diễn ra trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên dẫn đến chậm.
Đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm đầu tư kinh phí
Từ những khó khăn, bất cập trong thực tiễn triển khai, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn đề cập đến một số giải pháp khắc phục. Cụ thể:
Một là, tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, quán triệt và công tác truyền thông về giáo dục, đặc biệt là lộ trình thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới.
Hai là, tích cực, chủ động trong chỉ đạo, triển khai thực hiện các nhiệm vụ; chuẩn bị tốt các điều kiện để thực hiện đối với các lớp tiếp theo theo đúng lộ trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị giáo dục; sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo lộ trình.
Ba là, tiếp tục tăng cường công tác quản lý, kịp thời chỉ đạo, trao quyền chủ động cho các nhà trường, cho giáo viên trong quá trình thực hiện; chủ động, linh hoạt trong việc thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, hỗ trợ tư vấn cho các nhà trường trong quá trình triển khai thực hiện; tổ chức có hiệu quả các chương trình bồi dưỡng, tập huấn, hội thảo chuyên đề nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn.
Ngoài những giải pháp trên, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn cũng có một số đề xuất, kiến nghị cụ thể:
Đề nghị Quốc hội, Chính phủ điều chỉnh chính sách tiền lương đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục cho phù hợp với nội dung Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XI “Có chế độ ưu đãi đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục để đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục yên tâm công tác và thu hút được học sinh giỏi vào ngành sư phạm”.
Đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm đầu tư kinh phí cho tỉnh để thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa theo lộ trình (xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị phục vụ dạy và học, tập huấn, bồi dưỡng giáo viên,...).
Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Nội vụ báo cáo Chính phủ không thực hiện cắt giảm biên chế giáo viên đối với ngành giáo dục và đào tạo, đồng thời nghiên cứu thực hiện tinh giản có xem xét tới yếu tố vùng, miền; xem xét, sửa đổi định mức giáo viên/lớp quy định tại Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV và Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT cho phù hợp với việc triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và điều kiện thực tế của từng vùng, miền.
Đồng thời, Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản hướng dẫn cụ thể hơn nữa việc thực hiện đặt hàng đào tạo giáo viên theo Nghị định số 116/2020/NĐ-CP, trong đó nên có sự ràng buộc của sinh viên đã được các địa phương cử đi học, tránh tình trạng các địa phương thực hiện đặt hàng nhưng sinh viên sau khi tốt nghiệp lại tham gia giảng dạy tại địa phương khác dẫn đến không hiệu quả trong việc bổ sung nguồn tuyển dụng giáo viên cho các địa phương.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có hướng dẫn cụ thể về biên soạn Tài liệu giáo dục địa phương.