Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền |
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Hiện nay Thông tư hướng dẫn liên ngành đã được xây dựng xong. Chúng tôi đang xin ý kiến các bộ, ngành với tinh thần trong tháng 9 này Thông tư sẽ được ban hành, những trường hợp tồn đọng còn lại sẽ được xem xét, giải quyết.
Giải pháp theo Dự thảo Thông tư là tổ chức cơ sở lập xác nhận ban đầu là hết sức quan trọng. Trước tiên ngay địa phương, nơi đối tượng người có công cư trú phải lập danh sách và công khai để mọi người xác nhận. Trước đây, người xác nhận chỉ cần là cựu chiến binh thì đến nay, Hội Cựu chiến binh có trách nhiệm xem xét và xác nhận, sau đó chuyển lên cơ quan LĐTBXH huyện, tỉnh.
Lúc đó, tùy từng đối tượng để xác định, nếu là liệt sĩ thì Bộ LĐTBXH sẽ thẩm định theo quy trình, còn nếu là thương binh sẽ tổ chức giám định mức độ thương tật.
- Nhưng trong trường hợp hồ sơ gốc đã mất mà chúng ta lại yêu cầu Hội Cựu chiến binh xác nhận thì phải căn cứ vào đâu, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Đúng là hồ sơ gốc không còn nhưng Hội Cựu chiến binh phải xác nhận đối tượng đó có đi bộ đội không, có tham gia kháng chiến không, vì những năm vừa rồi có trường hợp không tham gia kháng chiến nhưng do gian lận mà vẫn được xác nhận là đối tượng chính sách.
Vì vậy, chúng tôi nghĩ rằng ít ra Hội Cựu chiến binh sẽ biết đối tượng đó có tham gia kháng chiến hay không, vào thời điểm nào. Thêm vào đó nếu trường hợp này là đảng viên thì cũng có hồ sơ đảng viên ghi lại trong giai đoạn ấy thì đảng viên đó làm gì.
Đấy là những hồ sơ không phải là hồ sơ gốc theo quy định giải quyết chính sách người có công nhưng lại là hồ sơ gốc của cá nhân họ và chúng ta có điều kiện để xác minh thông tin.
- Bộ trưởng vừa nhắc đến hiện tượng giả mạo hồ sơ, ở đây chúng tôi xin nêu việc một khán giả gửi thư đến chương trình cho biết: “Hiện nay có tình trạng người chưa đi bộ đội nhưng lại được hưởng lương hưu cựu chiến binh, thậm chí có cả lương nạn nhân chất độc da cam. Trong khi đó có trường hợp đi bộ đội chống Mỹ nhưng do mất giấy tờ nên không được hưởng quyền lợi gì”. Theo địa chỉ của lá thư thì trường hợp này ở thôn Kim Điền, xã Hưng Đạo, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Xin Bộ trưởng cho biết cách giải quyết trường hợp này như thế nào?
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Chúng tôi đã chỉ đạo thanh tra ở 37 tỉnh, thành phố và chỉ đạo 63 tỉnh, thành phố thực hiện thanh tra. Qua thanh tra đã cắt chế độ đối với đối tượng gian lận trên 7.000 trường hợp, thu hồi ngân sách cho Nhà nước trên 75 tỷ đồng.
Mặc dù vậy, việc gian lận hồ sơ để được hưởng chế độ chính sách vẫn còn. Tới đây, chúng tôi tiếp tục cùng với các địa phương thanh tra, kiểm tra, phát hiện gian lận để xử lý.
- Liên quan đến chính sách với người có công bị phơi nhiễm chất độc hóa học, ông Phạm Đức Hậu, 70 tuổi, trú tại xã Thanh Thủy, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An có hỏi về trường hợp của mình như sau: “Tôi có thời gian chiến đấu tại chiến trường B2, thuộc Quân khu 7, đến năm 1975 phục viên về địa phương với thương tật 24%. Tôi đã làm hồ sơ và được Hội đồng Pháp lệnh Người có công tại cơ sở xã xác nhận, nhưng Phòng LĐTBXH huyện Thanh Chương tiếp nhận hồ sơ của tôi hơn 2 năm nay mà chưa thấy hồi âm”. Ông Hậu còn nói không chỉ bản thân ông mà nhiều đồng đội khác của ông cũng trong tình trạng như vậy. Xin Bộ trưởng cho biết ý về kiến trường hợp của ông Phạm Đức Hậu?
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Trường hợp mà ông Hậu nêu là điều đáng tiếc. Vì trách nhiệm của ngành là sau khi có hồ sơ phải xem xét, đủ điều kiện phải giải quyết, không đủ điều kiện phải trả lời.
Với trường hợp cụ thể ông Hậu đã 2 năm mà chưa được giải quyết, chúng tôi xin ghi nhận và sẽ cho kiểm tra ngay, có thể trường hợp này chỉ thiếu một vài yêu cầu trong hồ sơ đó nhưng lại không được hướng dẫn làm ngay nên dẫn đến kéo dài. Chúng tôi sẽ tiếp tục chỉ đạo các địa phương phải giải quyết sớm cho các đối tượng này.
- Liên quan đến chế độ chính sách cho người thân, xin gửi tới Bộ trưởng lá thư sau: “Tôi quê ở xã Nhân Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, chiến đấu ở chiến trường Đông Nam Bộ, bị nhiễm chất độc hóa học. Con tôi bị dị tật được trợ cấp hàng tháng. Tôi được trợ cấp hàng tháng là 1 triệu 840 nghìn đồng. Xin hỏi: vợ, con trai, con dâu tôi có được Nhà nước mua bảo hiểm cho không? Nếu được, tôi phải cần những thủ tục gì, nộp hồ sơ ở đâu để được giải quyết?”.
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Trong quy định về chế độ bảo hiểm y tế đối với người có công thì đối tượng như bác (người gửi lá thư trên- PV) là người có công được hưởng chế độ thường xuyên; vợ, con cũng được Nhà nước mua bảo hiểm y tế. Còn con dâu trong trường hợp này không được Nhà nước mua bảo hiểm y tế theo Luật Bảo hiểm y tế hiện hành.
- Chúng tôi xin nêu trường hợp của bà Nguyễn Thị Hồng Vân ở huyện Đại Lộc, Quảng Nam. Bà Vân tham gia lực lượng vũ trang xã và Huyện đội Đại Lộc từ năm 1966-1975, hiện nay đang hưởng chế độ bệnh binh 61%. Bà Vân viết: “Sau khi có Quyết định 290, tôi có làm hồ sơ cùng một số anh, chị em cùng đơn vị, nhưng hiện nay những người làm hồ sơ đã được giải quyết hết, còn bản thân tôi chưa được giải quyết mà không hiểu vì lý do gì? Bản thân tôi hiện nay cũng là thân nhân của 3 liệt sĩ: mẹ và hai anh trai. Mẹ tôi được Nhà nước công nhận là Mẹ Việt Nam Anh hùng. Xin hỏi Bộ trưởng trường hợp như tôi có được hưởng chế độ theo Quyết định 290 không, có được chế độ nhà tình nghĩa không?”
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Quyết định 290 chỉ quy định đối với trường hợp trực tiếp tham gia kháng chiến mà chưa được hưởng chính sách đối với người có công. Trường hợp bà Vân đã được hưởng chế độ chính sách là bệnh binh 61% rồi nên không được hưởng chính sách theo Quyết định 290 nữa.
Về chính sách hỗ trợ nhà ở thì bà Vân vừa là đối tượng người có công vừa là con của liệt sĩ, bà được hưởng trợ cấp của Nhà nước về nhà ở, vì vậy, việc thực hiện chính sách về hỗ trợ nhà ở đối với bà nếu địa phương chưa thực hiện, chúng tôi sẽ kiểm tra và đôn đốc địa phương thực hiện chính sách với bà.