Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến thăm hỏi, chia buồn với gia đình bệnh nhân tử vong khi chạy thận tại Hòa Bình. ảnh: Võ Thu/Gia đình xã hội. |
Chia buồn với gia đình chị Đinh Thị Thu Hằng ở xã Sủ Ngòi, Thành phố Hòa Bình, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến rất xúc động trước chia sẻ của bà Nguyễn Thị Thu (mẹ chị Hằng) rằng cháu ngoại vừa tròn 14 tuổi, đó cũng là số năm mà chị Hằng phải chạy thận do từ khi vừa sinh con thì đã có dấu hiệu suy thận.
Một thời gian sau vợ chồng chị Hằng chia tay, rồi hai mẹ con về sống với ông bà ngoại. Suốt 14 năm qua, mỗi tuần chị Hằng phải đến Bệnh viện đa khoa tỉnh 3 lần để chạy thận, thời gian còn lại giúp đỡ gia đình lao động kiếm sống, nuôi dạy con gái. Nay, người mẹ trẻ đột ngột ra đi để lại đứa con gái đang tuổi ăn, tuổi lớn.
7 người chết vì chạy thận ở Hòa Bình là hiện tượng y khoa chưa từng có |
Tại nhà của gia đình bệnh nhân Nguyễn Thị Minh tại phường Đồng Tiến, Thành phố Hòa Bình, Bộ trưởng được gia đình thông tin: Bà Minh bà đã chạy thận 6-7 năm, chồng bà vừa mất chưa đến giỗ đầu.
Em gái bà Minh bày tỏ: "Người mất thì đã mất rồi. Gia đình chúng tôi cảm ơn Bộ trưởng và các cơ quan, ban ngành của tỉnh Hòa Bình đã quan tâm, chia sẻ với mất mát của của gia đình chúng tôi".
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cùng các thành viên trong đoàn công tác đã chia sẻ sâu sắc với nỗi đau đớn đột ngột, sự mất mát lớn lao của các gia đình mất người thân.
Bộ trưởng cho biết đã chỉ đạo ngành Y tế Hòa Bình phối hợp cùng các chuyên gia đầu ngành thành lập hội đồng chuyên môn tìm nguyên nhân của sự cố này.
Sau khi thăm hỏi, chia buồn cùng các gia đình bệnh nhân, tại buổi làm việc với Ủy ban Nhân dân tỉnh và ngành y tế Hòa Bình, Bộ trưởng bày tỏ sự chia sẻ vì sự cố quá lớn, khiến các y bác sĩ đau đớn, hoang mang: “Bệnh nhân đau một, nhiều khi các bác sĩ đau hai.
Thân nhân gia đình chia sẻ với tôi, bệnh nhân gặp sự cố họ rất đau đớn, nhưng bệnh nhân dù gì cũng đã ra đi, người ở lại nhất là các đồng chí làm trực tiếp sẽ còn rất nhiều áp lực, hoang mang.
Vì thế, tôi mong muốn các đồng chí trung thực, cầu thị để công tác điều tra sớm kết thúc, sớm trở lại hoạt động phục vụ bệnh nhân”.
Bộ trưởng cho biết về quy trình chạy thận nhân tạo, Bộ Y tế đã ban hành theo chuẩn y tế thế giới, mỗi năm có hàng triệu người chạy thận an toàn tại hàng trăm cơ sở y tế trong và ngoài công lập, ở tất cả các tuyến.
“10 năm nay các đồng chí báo cáo vẫn vận hành bình thường, nhưng giờ không bình thường, chắc chắn phải có sự cố ở một khâu nào đó”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã chỉ đạo Bệnh viện Bạch Mai đưa máy móc, trang thiết bị hiện đại lên phục vụ công tác cứu chữa bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, đồng thời nhắc lại yêu cầu đề nghị bệnh viện rà soát quy trình, phối hợp với cơ quan chức năng sớm tìm ra nguyên nhân.
"Lỗi đến đâu xác minh đến đó, phải khách quan, trung thực, cầu thị để khoa sớm hoạt động trở lại, đón bệnh nhân đến điều trị", Bộ trưởng Tiến nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến thăm bệnh nhân chạy thận của Bệnh viện Đa khoa Hoà Bình, được chuyển về Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Võ Thu/Gia đình xã hội. |
Tại buổi làm việc, ông Trần Quang Khánh, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hòa Bình, hiện Sở Y tế tỉnh đã thành lập Hội đồng chuyên môn gồm lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình, bác sĩ điều trị, đại diện Sở Y tế, Phòng Nghiệp vụ y dược, đồng thời mời bốn chuyên gia đầu ngành để xác định rõ nguyên nhân xảy ra vụ việc.
Theo ông Khánh, khó khăn nhất hiện nay là bệnh viện đang có trên 100 bệnh nhân phải định kỳ chạy thận nhân tạo, vì vậy đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ để khoa Thận nhân tạo sớm hoạt động trở lại.
Dưới sự chỉ đạo của Bộ Y tế, Sở Y tế Hà Nội phối hợp với Bệnh viện Bạch Mai phân công 5 bệnh viện trên địa bàn chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực để tiếp nhận người bệnh, bao gồm: Bệnh viện Thận Hà Nội, Bệnh viện đa khoa Hòe Nhai, Bệnh viện Đống Đa, Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Hà Đông. Một số bệnh viện khác trên địa bàn cũng đã tiếp nhận bệnh nhân.
Tới ngày 31/5, Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận tổng cộng 25 bệnh nhân, Bệnh viện Thận Hà Nội tiếp nhận 20 bệnh nhân, Bệnh viện Nông Nghiệp tiếp nhận 35 bệnh nhân, Bệnh viện Đa khoa Thành phố Hòa Bình 24 bệnh nhân.
Theo Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, viện phí của các bệnh nhân được Bảo hiểm Y tế thanh toán, Bệnh viện Bạch Mai lo ăn ở miễn phí và sẽ hỗ trợ toàn bộ các chi phí ngoài Quỹ Bảo hiểm Y tế thanh toán.
Khoa Thận nhân tạo của Bệnh viện Bạch Mai đã cử cán bộ lên tỉnh Hòa Bình hỗ trợ chuyên môn, nhanh chóng ổn định Khoa thận nhân tạo tại BV đa khoa tỉnh Hòa Bình, để hơn 100 bệnh nhân chạy thận chu kỳ sẽ không phải vất vả di chuyển xuống Hà Nội.
Ngày 30/5, Cơ quan Cảnh sát Điều tra, Công an tỉnh Hòa Bình ra quyết định khởi tố vụ án hình sự để điều tra nguyên nhân xảy ra sự cố nghiêm trọng khiến 7 bệnh nhân tử vong khi chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình. Theo quyết định, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Hòa Bình đã khởi tố vụ án theo điều 242 Bộ luật Hình sự về tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác. |