Vụ án “xà xẻo” tiền ngân sách tại Bệnh viện nội tiết trung ương (TW):

Bộ Y tế “xin tội” cho các bị can như thế nào?

19/08/2013 11:47
PV
(GDVN) - Trước thời điểm Công an quận Đống Đa (Hà Nội) ra quyết định khởi tố bị can đối với 3 cán bộ Bệnh viện Nội tiết TW trong vụ án “xà xẻo” tiền ngân sách thì Bộ Y tế lại có công văn gửi cơ quan CSĐT “xin tội” cho các bị can này.
Câu hỏi đặt ra, đã 2 lần Thanh tra Bộ Y tế có dấu hiệu bao che cho sai phạm của các đối tượng nêu trên, giờ Bộ Y tế lại có công văn “xin” giao vụ án  trên về Bộ xử lý “nội bộ”?! Tuy nhiên, CA, VKSND quận Đống Đa vẫn tiến hành các bước tố tụng trong vụ án này theo đúng quy định của pháp luật.
Bộ Y tế đề nghị “đặc quyền” cho tội phạm?
Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, người phạm tội phải được xử lý nghiêm minh theo pháp luật. Thế nhưng, trong lúc Công an quận Đống Đa đang phối hợp cùng VKSND quận Đống Đa điều tra vụ án tham ô tài sản xảy ra tại Bệnh viện Nội tiết TW thì ngày 14/06/2013, thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên ký công văn 3486/BYT-TTrB gửi Công an quận Đống Đa với nội dung: “…Bộ Y tế đã kiểm tra, nhận thấy các cán bộ vi phạm đều là cán bộ y tế, trong đó có những đồng chí đã có đóng góp nhất định cho ngành Y tế trong việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Bệnh viện nội tiết Trung ương
Bệnh viện nội tiết Trung ương
Sai phạm của một số cán bộ thuôc Bệnh viện Nội tiết TW là lần đầu, có phần do chủ quan, không nhận thức được các quy định của pháp luật nên đã làm ảnh hưởng đến uy tín của Bệnh viện cũng như của ngành Y tế…Bộ Y tế đề nghị cơ quan CSĐT- Công an quận Đống Đa giao lại vụ việc trên để Bộ Y tế kiểm tra, xử lý nghiêm các cán bộ vi phạm, thu hồi lại vật chất do các cá nhân gây ra…”. Tuy nhiên, quyết tâm không để bỏ lọt tội phạm, ngày 12/07/2013 Công an quận Đống Đa ra quyết định khởi tố bị can đối với 3 đối tượng là bác sỹ, cán bộ Bệnh viện Nội tiết TW gồm: Mai Anh Tuấn, Vũ Minh Phúc, Nguyễn Thị Ngọc Anh. Trước đó, Công an quận Dương Kinh (Hải Phòng) đã khởi tố vụ án và chuyển lên Công an quận Đống Đa điều tra theo thẩm quyền. Sau khi gửi công văn “xin tội” cho cán bộ mà không nhận được “hồi âm” từ cơ quan Công an, ngày 12/07/2013 Thanh tra Bộ Y tế tổ chức “cuộc họp” phối hợp giải quyết vụ việc xảy ra tại Bệnh viện Nội tiết TW. Thành phần quan trọng mà Bộ Y tế mời là đại diện Công an quận Đống Đa đã không đến dự. Buộc, thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên (chủ trì cuộc họp) phải chỉ đạo dừng “cuộc họp”. Cũng trong ngày hôm đó, cơ quan CSĐT ra quyết định khởi tố bị can các đối tượng nêu trên. Tội danh tham ô tài sản nhà nước của một số cán bộ Bệnh viện Nội tiết TW đã rõ ràng như trong quyết định khởi tố vụ án ký ngày 2 tháng 7 năm 2012 của công  an Quận Dương Kinh thành phố Hải Phòng; Thủ trưởng cơ quan điều tra Công an thành phố Hà Nội sau khi nghiên cứu tài liệu đã có ý kiến tại công văn 25/CV-PC44-Đ2 ngày 21 tháng 11 năm 2012 đề nghị Cơ quan CSĐT (PC44) Công an thành phố Hải Phòng: “...khởi tố bị can và áp dụng biện pháp ngăn chặn với Vũ Minh Phúc trước khi chuyển vụ án cho cơ quan CSĐT Công an quận Đống Đa, TP. Hà Nội...” vì: “...đã có đủ căn cứ xác định Vũ Minh Phúc đã thực hiện hành vi tham ô tài sản” ấy vậy mà Đảng ủy Bệnh viện Nội tiết TW lại chỉ xác định: “các cá nhân sai phạm với số tiền chi không đúng chế độ làm thất thoát tiền của nhà nước không lớn” và Đảng ủy Bệnh viện đã cùng Phó Giám đốc phụ trách Bệnh viện ký văn bản “tập thể” số 338/BVNTTW ngày 10/06/2013 gửi Bộ Y tế để “cầu cứu” Bộ Y tế “can thiệp” với những lý do lãng xẹt: “...., bản thân các cán bộ vi phạm đều là cán bộ y tế, ...., hơn nữa hầu hết các cán bộ vi phạm đều đã có gia đình, vợ con,... Do vậy, nếu để cơ quan CSĐT ra quyết định khởi tố bị can thì ngoài việc sự nghiệp, gia đình, vợ con của người đó bị ảnh hưởng thì uy tín Bệnh viện cũng bị mất…Với những lý do trên, Đảng ủy- Ban GĐ Bệnh viện Nội tiết TW thiết tha đề nghị Bộ Y tế có ý kiến với cơ quan CSĐT…”. Văn bản “cầu cứu” này có đóng dấu, chữ ký của ông Nguyễn Vinh Quang - Phó Bí thư phụ trách Đảng bộ Bệnh viện. Ông Quang cũng chính là lãnh đạo bị tố cáo có nhiều liên quan trong các sai phạm nêu trên. Rõ ràng, Bộ Y tế không có chuyên môn điều tra, xử lý tội phạm nhưng lại có công văn “xin” chuyển các bị can về cơ quan này “xử lý”? Còn Bệnh viện Nội tiết TW sau khi để xảy ra sai phạm thì lại “xin” cho cán bộ sai phạm với nhiều lý do không xác đáng. Người đại diện cho Đảng “đi xin” lại chính là người đang bị tố cáo chịu trách nhiệm về các sai phạm trên. Các hành vi nêu trên không chỉ gây bức xúc trong dư luận mà vi phạm Pháp lệnh chống tham nhũng; Nghị quyết trung ương Đảng số IV và V; và nguyên tắc xử lý tội phạm của Luật Hình sự; Cụ thể Điều 3. Nguyên tắc xử lý (bộ luật Hình sự) 1. Mọi hành vi phạm tội phải được phát hiện kịp thời, xử lý nhanh chóng, công minh theo đúng pháp luật. 2. Mọi người phạm tội đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt nam, nữ, dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần, địa vị xã hội. Nghiêm trị người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố chống đối, lưu manh, côn đồ, tái phạm nguy hiểm, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội; người phạm tội dùng thủ đoạn xảo quyệt, có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, cố ý gây hậu quả nghiêm trọng… Có thể thấy, ngoài việc các đối tượng sai phạm phải được xử lý nghiêm minh theo pháp luật thì cần xem xét đến trách nhiệm, năng lực của Thanh tra Bộ Y tế. Đã 2 lần cơ quan Thanh tra vào cuộc nhưng không hiểu sao kết luận thanh tra trước khi vụ việc bị khởi tố vẫn kết luận: “Các lớp học là có thật, đúng đối tượng, đúng thời gian, chất lượng tốt… Như vậy nội dung tố cáo các cán bộ dùng thủ đoạn lập "danh sách ma" học viên dự lớp tập huấn để chiếm đoạt tiền Nhà nước là không có cơ sở". Điều đáng nói là những kết luận của Thanh tra nêu trên đã có nhiều dư luận báo chí tiến hành điều tra vụ việc và phản ánh cụ thể từng sai, vậy nhưng lãnh đạo cơ quan Thanh tra Bộ Y tế vẫn cố tình ra văn bản che đậy những việc làm sai trái của những cán bộ Bệnh viện Nội tiết. Vấn đề này tại Website của Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng Trung Ương ngày 9/8/2012 đã có ý kiến: "Kết luận Thanh tra Bộ Y tế là thiếu khách quan, chưa chính xác. Tới đây, sau khi cơ quan chức năng điều tra, làm rõ vụ việc trên, cần phải xem xét làm rõ trách nhiệm của đoàn Thanh tra - Bộ Y tế...". Báo Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc diễn biến tiếp theo của vụ việc này.
Nội dung vụ án

Theo hồ sơ vụ án, thực hiện kế hoạch "Xây dựng mạng lưới tuyên truyền phòng bệnh từ những cán bộ không hưởng lương thuộc tuyến xã, phường" của Bộ Y tế, ông Nguyễn Vinh Quang - Phó Giám đốc BV Nội tiết TW, kiêm Giám đốc Trung tâm Ðào tạo và Chỉ đạo tuyến (Trung tâm Chỉ đạo tuyến) của BV Nội tiết TW đã triển khai nhiều lớp tập huấn cho cán bộ không hưởng lương trên phạm vi toàn quốc trong các năm 2010 và 2011.

Thực hiện sự chỉ đạo của ông Quang, ông Mai Anh Tuấn - Phó Trưởng phòng Truyền thông Trung tâm Chỉ đạo tuyến cùng hai cán bộ hợp đồng là bác sĩ Vũ Minh Phúc và cán bộ Nguyễn Thị Ngọc Anh mang công văn chỉ đạo của ông Quang xuống Trung tâm Y tế dự phòng TP Hải Phòng, Trung tâm Y tế quận Dương Kinh (TP Hải Phòng) để tổ chức lớp tập huấn "Bệnh lý tuyến giáp".

Trong hai ngày 26 và 27/11/2010, lớp tập huấn đã tổ chức tập huấn cho 60 học viên là các cán bộ Hội Phụ nữ, Ðoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân của 10 xã thuộc huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng. Theo sổ sách chứng từ, số tiền Nhà nước chi cho lớp tập huấn này là hơn 70 triệu đồng. Qua xác minh của Cơ quan CSĐT - CAQ Dương Kinh về danh sách các học viên lớp tập huấn ký nhận tiền ở huyện Tiên Lãng, Trưởng Công an của 10 xã có tên cán bộ tham gia tập huấn đều khẳng định không có ai trong danh sách những người đi học và nhận tiền của BV Nội tiết TW có đăng ký thường trú tại các xã của huyện Tiên Lãng. Như vậy, toàn bộ danh sách học viên đã nhận tiền là "danh sách ma" do nhóm cán bộ tổ chức lớp tập huấn lập ra. Cũng với “kịch bản rút tiền nhà nước” tương tự như ở Hải Phòng, nhóm “ê-kíp” bác sỹ tại BV Nội tiết TW tiếp tục có hành vi lập khống chứng từ để “rút ruột” gần 80 triệu đồng tiền ngân sách nhà nước dành cho việc chăm sóc sức khỏe của người dân thành phố Hồ Chí Minh.

PV