Từ ngày 26/9, một số ngân hàng có quy mô lớn, trong đó có các ngân hàng thương mại Nhà nước, điều chỉnh giảm lãi suất huy động tiền đồng ở nhiều kỳ hạn, theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước.
Cụ thể, các kỳ hạn dưới một năm được một số ngân hàng điều chỉnh giảm 0,3-0,5 điểm phần trăm/năm. Theo đó, lãi suất áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và dưới một tháng được các ngân hàng này công bố ở mức 0,3-0,5%/năm, kỳ hạn từ một tháng đến dưới ba tháng ở mức 4,2-4,3%/năm.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu giảm lãi suất huy động sẽ tạo động lực cho sản xuất - ảnh minh họa |
Lãi suất huy động đối với tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn từ ba tháng đến dưới năm tháng ở mức 4,8%/năm, kỳ hạn từ năm tháng đến dưới sáu tháng ở mức 5%/năm, kỳ hạn từ sáu tháng đến dưới chín tháng ở mức 5,3%/năm, và kỳ hạn từ chín tháng đến dưới 12 tháng ở mức 5,5%/năm.
Một số ngân hàng lớn giảm lãi suất huy động có thể kể đến như Vietcombank, BIDV, VietinBank. Trong đó, tại Vietcombank, lãi suất huy động kỳ hạn từ chín tháng trở lên vẫn được ngân hàng này giữ nguyên, nhưng lãi suất áp dụng cho tiền gửi kỳ hạn một, hai, ba và sáu tháng đã giảm lần lượt từ 4,5%/năm, 4,8%/năm, 5,1%/năm và 5,5%/năm xuống còn 4,3%/năm, 4,3%/năm, 4,8%/năm và 5,3%/năm. Theo đó, mức giảm lãi suất tại Vietcombank là 0,2-0,5 điểm phần trăm/năm.
Tại BIDV, lãi suất huy động giảm ở hầu hết các kỳ hạn, với mức giảm lên đến 0,6 điểm phần trăm/năm tùy kỳ hạn. Chẳng hạn như, lãi suất huy động kỳ hạn ba tháng giảm từ 5,5%/năm xuống còn 4,8%/năm, sáu tháng từ 5,8%/năm còn 5,3%/năm, 13 tháng từ 6,8%/năm còn 6,7%/năm,….
Trước động thái điều chỉnh giảm lãi suất huy động của các ngân hàng, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết: Đây là giải pháp tích cực, tác động lớn đến ngành tài chính ngân hàng cũng như nền kinh tế.
Việc các ngân hàng tiết giảm lãi suất huy động cùng với việc tiết giảm chi phí hoạt động sẽ tạo cơ hội để cắt giảm lãi suất cho vay, qua đó hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và nền kinh tế.
“Vấn đề quan trọng với nền kinh tế Việt Nam lúc này là vốn cho sản xuất, doanh nghiệp thiếu vốn quay vòng vì nhiều lý do trong đó có việc lãi suất vay vẫn cao trung bình từ 7 % - 9%. Vì thế nếu lãi suất huy động giảm sẽ có cơ hội giảm lãi suất cho vay, tuy nhiên còn phụ thuộc vào quản trị của ngân hàng”, TS. Hiếu cho biết.
Ở chiều ngược lại, đặt vấn đề lãi suất huy động giảm liệu tác động đến tâm lý đầu tư của người dân, theo đó thay vì gửi tiền ngân hàng người dân sẽ tìm đầu tư khác, TS. Hiếu cho hay, lãi suất giảm sẽ tác động đến thái độ người dân về kênh đầu tư tuy nhiên nếu lãi suất ngân hàng cũng giảm theo thì người dân không thiệt.
Động thái giảm lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại nhà nước lớn diễn ra trong bối cảnh lãi suất huy động vừa phục hồi. Cụ thể, cuối tháng 8 và đầu tháng 9/2016, một số ngân hàng thương mại quy mô trung bình đã tăng lãi suất huy động, như Ngân hàng TMCP Bản Việt lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 tháng từ 7%/năm lên 7,1%/năm, kỳ 13 tháng từ 7,5%/năm lên 7,8%/năm.
Từ ngày 1/9, VPBank tăng lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng từ 4,8%/năm lên 5%/năm, kỳ hạn 2 tháng từ 5%/năm lên 5,2%/năm, kỳ hạn 3 tháng từ 5,2%/năm lên 5,3%/năm. Ngoài ra, nhà băng này cũng điều chỉnh tăng lãi suất 0,1% lần lượt đối với các kỳ hạn 13 và 15 tháng lên 7%/năm.
Tại Eximbank, khách hàng gửi tiết kiệm theo chương trình quà tặng 2016, lãi suất kỳ hạn 1 và 2 tháng đều ở mức 5%/năm, kỳ hạn 3 tháng 5,5%/năm, kỳ hạn 6 tháng 6,1%/năm.
Tuy nhiên, việc tăng lãi suất này được đánh giá là cục bộ, không phản ánh toàn bộ thị trường vì có một số ngân hàng nhỏ khác vẫn giữ nguyên hoặc giảm nhẹ lãi suất huy động.