Chiều ngày 1/7, các đại biểu tham dự kỳ họp lần thứ nhất của Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh (sau khi sáp nhập) khóa X đã thông qua các tờ trình của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về việc thành lập 15 Sở, ban ngành chuyên môn trực thuộc.

Căn cứ vào danh sách này, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiếu được chỉ định tiếp tục làm giám đốc Sở giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh sau khi đã sáp nhập với Bà Rịa – Vũng Tàu và Bình Dương.

nvhieusogd.jpg
Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh Ảnh: CTV.

Sinh ngày 18/6/1966, quê quán ở xã Tân An Hội, Thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Văn Hiếu tốt nghiệp đại học sư phạm chuyên ngành Toán, cử nhân chính trị, cao cấp lý luận chính trị, Tiến sĩ Quản lý Giáo dục.

Ông Nguyễn Văn Hiếu đã từng là giáo viên, phó hiệu trưởng rồi hiệu trưởng các Trường trung học phổ thông Quang Trung, Trường trung học phổ thông Trung Lập.

Tại Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh (cũ), ông Hiếu từng giữ chức Phó Chánh Văn phòng, Phó Trưởng phòng rồi Trưởng phòng Giáo dục trung học, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ.

Vào tháng 4/2014, ông Nguyễn Văn Hiếu được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh.

Tháng 8/2021: Ông Nguyễn Văn Hiếu được bổ nhiệm làm Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh.

Hiện Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiếu vẫn là đại biểu Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh (cũ).

Sau khi nhập chung với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Dương, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh (mới) sẽ tiếp nhận nguyên trạng các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc, các đơn vị thuộc thẩm quyền nhà nước giao trong lĩnh vực giáo dục, là một cơ quan chuyên môn trực thuộc Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

sogdtphcmbangdoc.jpg
Ban Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh sau khi sáp nhập với Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Dương. Ảnh: CTV.

Quy mô của ngành Giáo dục và Đào tạo tại Thành phố Hồ Chí Minh sẽ vào khoảng 1,6 triệu học sinh.

Địa chỉ trụ sở chính của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh sẽ đặt tại số 66 68 Lê Thánh Tôn.

Như vậy, với sự hợp nhất với hai địa phương như đã nêu ở trên, Thành phố Hồ Chí Minh sau sáp nhập sẽ là một trung tâm giáo dục có quy mô rất lớn, với hơn 3.500 cơ sở giáo dục từ mầm non đến phổ thông.

Đồng thời, trong chiều ngày 1/7, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã trao quyết định bổ nhiệm cho 9 Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, bao gồm: ông Dương Trí Dũng, ông Nguyễn Bảo Quốc, bà Lê Thụy Mỵ Châu, bà Huỳnh Lê Như Trang, bà Nguyễn Thị Nhật Hằng, ông Nguyễn Văn Phong, bà Trương Hải Thanh, bà Trần Thị Ngọc Châu và ông Nguyễn Kế Toại.

Việt Dũng