Cả chục giáo viên chờ thất nghiệp:“Trăm cái lý không bằng tí cái tình"

12/09/2014 06:36
QUỐC TOẢN
(GDVN) -Lãnh đạo Sở GD&ĐT Thanh Hóa cho rằng, trách nhiệm xử lý “hậu quả” vụ cả chục giáo viên có nguy cơ thất nghiệp thuộc về lãnh đạo trường THPT Tĩnh Gia V.

Cả chục giáo viên trường THPT Tĩnh Gia V (Thanh Hóa) có thâm niên công tác lâu năm đang đối diện với nguy cơ thất nghiệp trước mắt. Bởi trước đó, theo quan điểm chỉ đạo của Sở GD&ĐT Thanh Hóa: " Đề nghị lãnh đạo trường THPT Tĩnh Gia  V chấm dứt hợp đồng với số giáo viên dôi dư trên và tính toán lại nhu cầu cần phải hợp đồng tại nhà trường…".

Vậy, đâu là bản chất của vấn đề và cách xử lý ra sao?.

Liên quan đến vụ việc trên, chiều 11/9, trong cuộc trao đổi với GDVN, ông Nguyễn Ngọc Thành – Trưởng phòng Tổ chức, Sở GD&ĐT Thanh Hóa cho biết, Sở chủ quản đã nhận được kiến nghị của giáo viên trường THPT Tĩnh Gia V về việc nhiều người có thâm niên công tác tại trường có nguy cơ thất nghiệp.  

Về việc này, ông Thành đưa ra nhận định, đây là lỗi (trách nhiệm) thuộc về công tác tổ chức quản lý trong việc tuyển dụng giáo viên vào làm việc tại trường THPT Tĩnh Gia V.

“Tại thời điểm trường Bán công số 1 Tĩnh Gia được thành lập (nay là trường THPT Tĩnh Gia V), số lượng giáo viên còn hạn chế. Do vậy để đáp ứng đủ nguồn nhân lực phục vụ công tác giảng dạy, nhà trường đã ký hợp đồng lao động với nhiều giáo viên. Tuy nhiên, đến nay, do không còn nhu cầu sử dụng, thì việc không tiếp tục ký hợp đồng với các giáo viên đó thuộc thẩm quyền quyết định của nhà trường”, ông Thành cho biết.

Trụ sở Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa
Trụ sở Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa

Ông Thành cho biết thêm, bước ngoặt của sự việc nằm ở chỗ, không lâu sau khi trường Bán công số 1 Tĩnh Gia chuyển đổi sang hệ Công lập, đến năm 2011 Sở GD&ĐT Thanh Hóa chỉ đạo tổ chức thi tuyển giáo viên để tạo nguồn nhân lực, giảng dạy tại trường THPT Tĩnh Gia V. Tuy nhiên, trong số nhiều cán bộ hợp đồng trước đó, đã nhiều năm công tác tại trường không có giáo viên nào trúng tuyển . Vì lẽ đó, việc các giáo viên này mất chỗ đứng cho các giáo viên mới trúng tuyển là điều dễ hiểu.

Hiện tại, trong số 33 giáo viên đã hợp đồng trước đó với trường THPT Tĩnh Gia V, nhiều người đã bỏ việc. Số còn lại (7 giáo viên) vẫn được nhà trường "tạo điều kiện" ở lại giảng dạy. Nói như ông Nguyễn Ngọc Thơi - Hiệu trưởng trường THPT Tĩnh Gia V: "Đây là sự ưu ái, cũng là cơ hội cho các giáo viên này đi tìm việc khác". Hiện tại số giáo viên này được nhận mức lương cơ bản (1,150 triệu đồng/ tháng) nhưng không có phụ cấp, hệ số…

Về việc này ông Thành cho rằng, đây cũng là lỗi thuộc về công tác tổ chức cán bộ của lãnh đạo nhà trường: “ Lẽ ra tại thời điểm nhà trường thiếu nhân lực giảng dạy, lãnh đạo nhà trường chỉ nên ký hợp đồng thời vụ chứ không phải dạng hợp đồng dài hạn (các hợp đồng này không nằm trong biên chế sự nghiệp giáo dục) đối với các giáo viên này. Đến bây giờ khi nhà trường không có nhu cầu sử dụng lao động trên, vô tình tạo ra sự hụt hẫng về tâm lý cho họ”.

Cũng theo ghi nhận trước đó, trong số các giáo viên được ký hợp đồng, có 3 trường hợp được cho là nằm trong diện “đặc cách” của Sở GD&ĐT Thanh Hóa. Trong số này có 2 trường hợp là con hiệu trưởng, hiện công tác tại các trường THPT trên địa bàn huyện Tĩnh Gia.

Về việc này, ông Nguyễn Ngọc Thành cho biết: “Không có văn bản nào thể hiện quan điểm của Sở GD&ĐT Thanh Hóa về những phát biểu trên”.

Tuy nhiên, trên thực tế, 3 giáo viên này vẫn được giữ lại trường để giảng dạy và hợp đồng lao động theo quy định.

Trước băn khoăn này, ông Thành cho rằng, vấn đề phụ thuộc vào công tác sắp xếp biên chế bộ môn giảng dạy: “Về việc này, hiệu trưởng các trường có thể căn cứ vào số lượng giáo viên biên chế tại các bộ môn giảng dạy (mức độ thừa hay thiếu) để hợp đồng lao động cho phù hợp theo quy định”.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT Thanh Hóa tiếp tục đưa ra quan điểm, Sở sẽ không tham gia trực tiếp vào việc giải quyết sự việc nói trên: “việc xử lý giáo viên dôi dư tại trường THPT Tĩnh Gia V là quyền của lãnh đạo nhà trường.  Sở chỉ chỉ có ý kiến về mặt quan điểm, chỉ đạo rút kinh nghiệm để tránh xảy ra những trường hợp tương tự”, ông Thành nói.

Nói thì dễ, nhưng thực hiện mới là chuyện khó. Bởi “ Một trăm cái lý không bằng một tí cái tình”.  Trong số các giáo viên hiện đang công tác “tạm thời” tại trường THPT Tĩnh Gia V, hầu hết họ đã dốc hết toàn bộ công sức, tuổi trẻ, cùng đồng cam cộng khổ, gắn bó với sự nghiệp giáo dục từ khi nhà trường đang còn khó khăn vất vả ( người ít cũng nhất là 5 năm, người nhiều nhất là 14 năm). 

Vậy sao có thể nói bỏ là bỏ được ngay.

QUỐC TOẢN