Cả chục giáo viên có nguy cơ thất nghiệp sau nhiều năm giảng dạy

10/09/2014 07:10
THỤY MIÊN
(GDVN)- Nhiều giáo viên đã bỏ việc, hàng chục giáo viên khác đang công tác trường THPT Tĩnh Gia V (Thanh Hóa) có nguy cơ thất nghiệp sau nhiều năm cống hiến, giảng dạy.

Nhiều giáo viên bỏ nghề, nhiều người nguy cơ thất nghiệp

Trong đơn kiến nghị gửi cơ quan chức năng, chị Lê Thị Hạnh (đại diện ký đơn) cùng nhiều giáo viên khác phản ánh, sau nhiều năm công tác tại trường Bán công số 1 Tĩnh Gia ( nay là trường THPT Tĩnh Gia V), giáo viên này cùng nhiều người khác có nguy cơ thất nghiệp vì không nằm trong danh sách tuyển dụng của cơ quan chức năng...

“Theo quyết định số 685/2007/QĐ-UBND của UBND tỉnh Thanh Hóa ngày 02/03/2007 ,  năm 2008 tôi cùng nhiều giáo viên được Hiệu trưởng trường THPT Bán công số 1 Tĩnh Gia là ông Phạm Văn Ninh kí hợp đồng thử việc 1 năm làm công tác giảng dạy tại trường. Từ 2009-2012, tôi cùng nhiều giáo viên khác trong nhà trường tiếp tục ký hợp đồng với Hiệu trưởng mới là ông Nguyễn Ngọc Thơi. Lúc này tôi mới phát hiện ra rằng, sau nhiều năm giảng dạy, chúng tôi chưa hề có danh sách trên Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa...”, chị Hạnh phản ánh.

Đơn kiến nghị của giáo viên trường THPT Tĩnh Gia V gửi cơ quan chức năng
Đơn kiến nghị của giáo viên trường THPT Tĩnh Gia V gửi cơ quan chức năng

Năm 2010, trường Bán công số 1 Tĩnh Gia chính thức chuyển sang hệ Công lập với tên gọi trường THPT Tĩnh Gia V. Tại thời điểm này nhà trường đã có 43 giáo viên  được biên chế, còn 33 giáo viên hợp đồng có thời hạn.

Để đáp ứng nhân lực trong quá trình giảng dạy, Năm 2011, trường THPT Tĩnh Gia V tiếp tục tuyển dụng 22 giáo viên theo tiêu chuẩn tuyển dụng của Sở GD&ĐT Thanh Hóa quy định.

Điều này đồng nghĩa với việc 33 giáo viên nằm trong dạng hợp đồng ngắn hạn nêu trên có nguy cơ thất nghiệp.

Điều đáng nói là, tại thời điểm tuyển dụng, hầu hết số giáo viên hợp đồng trước đó (trừ 3 người trong số này được “đặc cách”) tại trường THPT Tĩnh Gia V đều không nằm trong danh sách được tuyển dụng hay con số theo dõi tại Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa. Do vậy, không lâu sau đó, 22 giáo viên mới được tuyển dụng về trường để công tác.

Theo chị Hạnh, chị và nhiều giáo viên khác không nằm trong danh sách tuyển dụng của Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa và trường THPT Tĩnh Gia V, khi trường này chuyển sang hệ công lập là chưa phù hợp với quy định tuyển dụng.

“Tại Khoản 1, Điều 14 NĐ 29/2012 NĐ-CP và Điều A Khoản 4, Điều 7 Thông tư 15/2012/TT-BNV của Bộ nội vụ nêu rõ;  Người có kinh nghiệm hiện đang công tác trong ngành hoặc lĩnh vực hoạt động nghề nghiệp cần tuyển có thời gian liên tục từ đủ 36 tháng trở lên thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ có yêu cầu trình độ, năng lực, kỹ năng chuyên môn phù hợp với vị trí việc làm cần tuyển, trong thời gian công tác không vi phạm pháp luật đến mức bị xử lý kỉ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, được đánh giá là hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đáp ứng được ngay yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng thì được xem xét tuyển dụng đặc cách vào viên chế. Như vậy vì cớ gì chúng tôi không được xem xét tuyển dụng?”, chị Hạnh cho biết.

Được biết, trong quá trình chuyển đổi từ trường bán công sang công lập, nhiều giáo viên tại trường đã gửi kiến nghị lên Sở Giáo dục và Sở nội vụ Thanh Hóa, đề nghị xem xét  về các trường hợp giáo viên hợp đồng không nằm trong danh sách theo dõi…Đoàn công tác của các Sở Giáo dục và Sở Nội vụ đều hứa là sẽ xem xét, giải quyết nhưng kết quả khi trường chuyển sang công lập thì họ nằm ngoài danh sách tuyển dụng, theo dõi của trường và Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa.

Hiện tại trong số 33 giáo viên hợp đồng tại trường THPT Tĩnh Gia V, nhiều người đã bỏ nghề (làm công nhân, lao động tự do…). Số giáo viên còn lại hiện đang công tác tại nhà trường theo dạng hợp đồng ngắn hạn là 10 người. Cá biệt trong số này có những giáo viên đã có thâm niên công tác 14 năm, nhưng vẫn nằm trong diện có nguy cơ thất nghiệp vì không nằm trong chỉ tiêu, danh sách tuyển dụng.

Đến tháng 08/2014 do số lượng học sinh giảm, nhà trường không đủ ngân sách để trả lương theo mức cũ, nên 10 giáo viên này chỉ có thể trả lương hàng tháng với mức 1.150.000 đồng/tháng và đang có nguy cơ mất việc làm: “Thiết nghĩ với mức lương tối thiểu như thế, công sức của chúng tôi biết bao năm cống hiến là không thỏa đáng. Vượt qua biết bao khó khăn tại thời điểm nhà trường đang còn hệ Bán công, chúng tôi đã “đồng cam cộng khổ” với ngành, với trường, dành biết bao tâm huyết tuổi trẻ cho nghề, cho bao thế hệ học sinh (người ít nhất cũng đã 8 năm và người nhiều nhất đã có tới 14 năm trong nghề) lại có nguy cơ thất nghiệp. Bây giờ trong số chúng tôi có người đã ở ngưỡng 40 tuổi, nhìn lại những gì đã cống hiến thì sự đối đãi của của Sở giáo dục, UBND tỉnh Thanh Hóa như vậy là không công bằng”, chị Hạnh phân trần.

Lỗi tại cơ chế tuyển dụng?

Trước những nội dung kiến nghị của nhiều giáo viên hiện đang công tác tại trường THPT Tĩnh Gia V, liên quan đến cơ chế tuyển dụng, ông Nguyễn Ngọc Thơi – Hiệu trưởng nhà trường cho rằng đây là hậu quả của người đi trước để lại (hiệu trưởng cũ-PV): “ Trước đó, số giáo viên này được hiệu trưởng cũ ký hợp đồng tuyển dụng nhưng không được báo cáo danh sách lên Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa. Do vậy khi tiến hành tuyển dụng, nhiều giáo viên trên đã không nằm trong danh sách ưu tiên…”

Ông Nguyễn Ngọc Thơi - Hiệu trưởng trường THPT Tĩnh Gia V
Ông Nguyễn Ngọc Thơi - Hiệu trưởng trường THPT Tĩnh Gia V

Nói về phương án giải quyết đối với những giáo viên không nằm trong danh sách tuyển dụng, có nguy cơ thất nghiệp, ông Thơi cho rằng: “ Quan điểm chỉ đạo của Sở là đề nghị chấm dứt hợp đồng với số giáo viên dôi dư trên và tính toán lại nhu cầu cần phải hợp đồng. Do vậy, đối với hơn 10 giáo viên nói trên, hiện tại nhà trường vẫn cố gắng bố trí công tác giảng dạy, đồng thời cũng tạo điều kiện cho họ có thời gian đi tìm việc khác”.

Điều đáng nói là trong số 33 các giáo viên hợp đồng có thời hạn trước đó với nhà trường thì có 3 người được Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa đồng ý cho nhà trường ký hợp đồng theo quy định của luật lao động. Lý giải cho những trường hợp được cho là “cá biệt” trên, ông Thơi cho rằng: “ đó là những trường hợp được Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa đặc cách”.

Được biết 2 trong số 3 trường hợp được "đặc cách" nêu trên là con của các Hiệu trưởng hiện đang công tác tại các trường THPT trên địa bàn huyện Tĩnh Gia.

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này.

THỤY MIÊN