Người dân Xuân Đỉnh lâu nay vẫn truyền miệng về những cỗ “kiệu bay” không thể lý giải mỗi dịp diễn ra lễ hội ở Phủ Chúa trong làng. Điều đặc biệt là những người rước kiệu đều khẳng định họ hoàn toàn khỏe mạnh và không hề có chuyện bị chóng mặt khi rước kiệu.
Những cỗ “kiệu bay” mặc dù đã được vẽ lộ trình từ trước đó nhưng sau khi các cụ trong làng làm lễ dâng hương xin đưa Chúa đi du xuân đều không đi theo ý người khênh, mà như có một sức mạnh vô hình nào đó điều khiển. Những người rước kiệu đều có cảm nhận lúc nặng lúc nhẹ, lúc như kiệu quay theo bốn phía... không thể lý giải nổi.
Các kiệu nam phải đi kèm để hỗ trợ khi cần |
Ông Đỗ Đình Mùi, 72 tuổi, một người dân ở Xuân Đỉnh kể, từ bao năm nay, từ khi sinh đến khi lớn lên ở mảnh đất Xuân Đỉnh, mỗi lần rước Chúa đi du xuân đều xảy ra hiện tượng “kiệu bay”. Ban đầu khi kiệu mới ra thường rất nặng và số người khênh cũng từ 4 đến 8 người nhưng khi “bay” thì những cỗ kiệu này đi với tốc độ rất nhanh giữa rừng người dân đến xem Chúa đi du xuân khiến ngay cả những người dân không rước kiệu cũng phải vã mồ hôi mới theo kịp. Tuy đi rất nhanh nhưng không ai trong số những người khênh kiệu có cảm giác mệt mỏi và thậm chí có lần dù quãng đường đi chỉ chưa đầy 2km nhưng phải mất đến nửa ngày trời Chúa mới yên vị.
Lễ hội Phủ Chúa ở Xuân Đỉnh diễn ra trong 3 ngày ( từ 10/1 – 12/1 âm lịch) để tưởng nhớ công ơn bà Chúa Vũ Thị Ngọc Xuyến, người đã có công xây dựng làng xã Xuân Đỉnh. Đây cũng là dịp nhân dân xã Xuân Đỉnh, Hà Nội vui chơi, gặp gỡ đầu xuân và cầu mong một cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Tương truyền bà Vũ Thị Ngọc Xuyến là vợ chúa Trịnh Tạc đã có công tâu với nhà vua xin được cấp cho dân làng số ruộng chỉ bằng “cái vạt áo vua” cho dân làng nơi đây cày cấy.
Bà cũng là người có công tu bổ ngôi đền Sóc thờ Phù Đổng Thiên Vương, ngày đêm tụng kinh niệm phật cầu phúc cho dân làng. Nhớ tới công đức này của bà Chúa, nhân dân xã Xuân Đỉnh hằng năm đều tổ chức dâng hương cúng bái. Nhưng đại lễ rước kiệu bà du xuân thì chỉ 5 năm mới tổ chức một lần.
Người dân ở Xuân Đỉnh đổ về xem "kiệu bay" ở phủ Chúa |
Những người rước kiệu sẽ không đi theo lộ trình đã định sẵn mà phụ thuộc vào " ý" bà Chúa. Vì vậy, có thể kiệu đang đi tự nhiên bỗng dưng quay ngược lại, đi lối khác. Hay kiệu có thể quay vòng tròn, rồi tiến lên đi rất nhanh. Vì vậy người dân vẫn gọi đây là kiệu bay.
Lý giải về hiện tượng “kiệu bay” ở Xuân Đỉnh, trao đổi với báo chí, GS.TS Nguyễn Văn Trị, Viện Vật lý Kỹ thuật, Đại học Bách khoa Hà Nội. Theo GS.TS Trị, cho biết, hiện tượng kiệu bay có thể xem là một hiện tượng thăng hoa cao độ của con người. Có thể lý giải hiện tượng kiệu Chúa quay và nhẹ bẫng như vậy là nhờ Định luật bảo toàn mômen động lực, trong đó 8 người khênh đều thống nhất với nhau. Giống như hình ảnh những người đứng trên không trung. Nhờ sự cân bằng của chiếc gậy nên họ có thể biểu diễn nhiều động tác trên không trung, cả mấy tiếng đồng hồ mà không sợ rơi lơ lửng..
Những cỗ "kiệu bay" có thể xoay nhanh bất kì lúc nào khiến những người khiêng kiệu liên tục xoay như chong chóng |
Không ai biết được những cỗ kiệu bay sẽ đi theo hướng nào |
Chúa du xuân có thể đi qua bất kì đường nào chứ không theo lộ trình được vẽ ra trước khi rước kiệu |
Trước đó, các cụ bô lão trong làng phải làm lễ để xin rước Chúa đi du xuân |
Mỗi khi "kiệu bay" là dòng người lại chạy hết hơi mới theo được Chúa |
Mặc dù những người chạy theo không khiêng kiệu nhưng ai nấy đều hết hơi chạy theo kiệu Chúa |
Nhưng điều kì lạ là những người khiêng kiệu lại chẳng ai thấy mệt dù kiệu quay như chong chóng |
Không chỉ kiệu rước Chúa đi du xuân mới... bay mà các kiệu có đựng đồ cúng lễ theo Chúa cũng "bay" hoặc quay tròn. |
Hoàng Lâm