Cả xã hội cần chung tay giúp người khuyết tật có việc làm

06/11/2013 11:01
Theo Đức Thịnh/ Báo người cao tuổi
(GDVN) - Theo kết quả điều tra dân số và nhà ở năm 2009, cả nước có 6,7 triệu người khuyết tật, chiếm khoảng 8% tổng dân số, trong đó có khoảng 60% người khuyết tật trong độ tuổi lao động. Đa số người khuyết tật sống ở nông thôn với các cơ sở hạ tầng, điều kiện sống, phương tiện sinh hoạt chuyên dùng còn nhiều thiếu thốn, do vậy họ gặp nhiều khó khăn trong việc đi lại và giao tiếp với cộng đồng.
Những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chính sách giúp đỡ người khuyết tật có việc làm và hòa nhập cộng đồng. Đến nay, có hơn 256 cơ sở dạy nghề tham gia dạy nghề cho người khuyết tật, trong đó có 55 cơ sở dạy nghề chuyên biệt. Cùng với đó, hệ thống quản lí Nhà nước về dạy nghề được kiện toàn, các văn bản quy phạm pháp luật cũng đã quy định, các cơ sở dạy nghề dành riêng cho người khuyết tật được ưu tiên cấp địa điểm thuận lợi, hỗ trợ vốn, cấp kinh phí đào tạo, miễn giảm thuế, được vay vốn với lãi suất ưu đãi…

Tuy nhiên, cuộc sống của hầu hết người khuyết tật vẫn còn khó khăn. Ông Đào Mạnh Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Công tác Học sinh Sinh viên (Tổng cục Dạy nghề) cho biết: Mỗi năm nước ta dạy nghề cho khoảng 1,5 triệu người, nhưng số người khuyết tật được dạy nghề chỉ đạt khoảng 5.000 đến 6.000 người.

Từ năm 2006 đến 2010, cả nước mới chỉ dạy nghề cho khoảng 30.000 người khuyết tật (đạt 37,5% kế hoạch), chỉ gần 16.000 người có việc làm, số còn lại là cải thiện việc làm. Sự hạn chế này là do đại bộ phận người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn, trình độ văn hóa thấp nên dù có chính sách hỗ trợ nhưng nhiều người khuyết tật vẫn không thể tự bảo đảm các chi phí cần thiết cho việc học nghề và tạo việc làm. Bên cạnh đó, do cơ chế thị trường hướng tới mục tiêu lợi nhuận khiến người khuyết tật khó có được việc làm hơn…

Gian hàng bán sản phẩm của người khuyết tật tại “Ngày hội việc làm hòa nhập cho người khuyết tật” tổ chức tại Hà Nội.
Gian hàng bán sản phẩm của người khuyết tật tại “Ngày hội việc làm hòa nhập cho người khuyết tật” tổ chức tại Hà Nội.

Hiện nay, một số địa phương xuất hiện những mô hình dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật thực sự mang lại hiệu quả. Cụ thể, mô hình dạy nghề gắn với tạo việc làm của Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi huyện Can Lộc (tỉnh Hà Tĩnh). Mặc dù mới đi vào hoạt động từ tháng 1/2010, nhưng Trung tâm đã tổ chức được một số lớp dạy nghề làm hoa lụa, kết chổi đót, mây tre đan xuất khẩu, làm nấm rơm… Trong tổng số 172 hội viên được học nghề tại Trung tâm có 140 hội viên có việc làm, thu nhập ổn định, từng bước tự trang trải được một phần nhu cầu của bản thân.

Một số hội viên đã thành công với mô hình VACR, làm trang trại, mạnh dạn vay vốn ưu đãi để đầu tư, bước đầu giúp không ít gia đình hội viên thoát nghèo, cải thiện chất lượng cuộc sống, vươn lên khá giả. Bản thân họ cũng thoát khỏi sự tự ti.

Tỉnh Thanh Hóa có mô hình hay do Hội Bảo trợ Người tàn tật và Trẻ mồ côi xây dựng, mở được nhiều lớp dạy nghề tại các địa phương. Lớp dạy nghề làm nón lá truyền thống ở xã Trường Sơn, huyện Nông Cống có 25 phụ nữ khuyết tật tham gia; sau học nghề, hầu hết chị em có việc làm ổn định với mức thu nhập 50.000 đồng/người/ngày; có việc làm, thêm thu nhập, chị em khuyết tật hăng say lao động sản xuất và tự tin hơn trong cuộc sống. Còn ở xã Hải Nhân, huyện Tĩnh Gia, Hội Bảo trợ Người tàn tật và Trẻ mồ côi tỉnh tiếp tục đầu tư dự án dạy nghề làm chổi đót truyền thống cho 25 phụ nữ khuyết tật. Sau học nghề, học viên có việc làm tại gia đình và tại các cơ sở sản xuất, thu nhập ổn định hơn 70.000 đồng/người/ngày.

Dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật là hoạt động có ý nghĩa xã hội và tính nhân văn sâu sắc. Nhưng để người khuyết tật có việc làm ổn định, thực sự hòa nhập được với cộng đồng rất cần sự chung tay góp sức của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng ở địa phương và toàn xã hội


Theo Đức Thịnh/ Báo người cao tuổi