Reuters ngày 13/1 cho biết, các biện pháp trừng phạt mới chống lại Triều Tiên của Mỹ sau vụ tấn công mạng nhằm vào Sony Pictures có thể cắt đứt các liên kết còn lại của quốc gia này với hệ thống tài chính quốc tế.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (giữa). |
Reuters dẫn lời Daniel Glaser, thư ký phụ trách vấn đề chống tài trợ khủng bố tại Bộ Tài chính Mỹ cho biết, các biện pháp trừng phạt trước đó đã làm nản lòng "hàng trăm" ngân hàng nước ngoài, gồm cả các ngân hàng thương mại lớn của Trung Quốc và khiến họ từ bỏ việc kinh doanh với Triều Tiên.
Biện pháp trừng phạt mới được Tổng thống Barack Obama công bố hôm 2/1 sẽ cho phép các nhà chức trách nước này linh hoạt hơn trong việc xác định các tổ chức tài chính còn lại đang cho phép Triều Tiên tiếp cận hệ thống toàn cầu và có thể áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với các tổ chức này.
"Chúng tôi có thể nhắm mục tiêu vào bất kỳ cơ quan chính phủ nào của Triều Tiên, chúng tôi có thể nhắm mục tiêu bất kỳ dại diện chính thức nào của chính phủ Triều Tiên ... chúng ta có thể áp dụng biện pháp trừng phạt đối với bất kỳ cá nhân hay pháp nhân nào cung cấp hỗ trợ cho họ," ông nói trong cuộc họp tại Hạ viện.
Ed Royce, Chủ tịch Ủy Ban Đối ngoại Hạ Viện Mỹ kêu gọi sử dụng phạm vi đầy đủ của các biện pháp trừng phạt mới công bố sau khi nhà chức trách Washington tuyên bố Triều Tiên đứng đằng sau các vụ tấn công vào Sony Pictures.
Ông Royce cũng nhấn mạnh tới việc cần ngăn chặn "một số ngân hàng nhỏ" vẫn đang kinh doanh với Triều Tiên để Bình Nhưỡng không thể tiếp cận với các nguồn ngoại tệ mà Washington tin rằng chúng được sử dụng trong chương trình vũ khí của quốc gia này.
Tại một cuộc họp báo tại New York, Phó Đại sứ Liên Hợp Quốc An Myong Hun của Triều Tiên tái khẳng định lập trường của đất nước mình rằng, Bình Nhưỡng không đứng sau vụ tấn công mạng Sony Pictures và yêu cầu Mỹ đưa ra bằng chứng cho tuyên bố của mình./.