Trong bối cảnh xuất hiện các quan ngại cho rằng các cuộc biểu tình bạo lực phản đối Trung Quốc đưa giàn khoan HD981 tới thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của nước ta có thể sẽ cản trở đầu tư nước ngoài và kìm hãm tiềm năng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, tuy nhiên, các dòng chảy đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam trong 18 ngày qua cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài không hề e sợ điều đó, Bloomberg ngày 19/5 đưa tin cho biết.
Theo đó, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục đổ tiền vào thị trường chứng khoán TP.Hồ Chí Minh mỗi ngày kể từ hôm 18/4, quãng thời gian mua rồng dài nhất từ tháng 1/2014. Họ vẫn tiếp tục mua 93 triệu USD cổ phần ngay cả khi điểm VN-Index giảm 8,8% từ hôm 16/5.
ảnh minh họa. Nguồn Bloomberg. |
Quỹ tài chính Advance Emerging Capital, Công ty quản lý tài sản Samsung và Tập đoàn Jefferies vẫn tỏ ra lạc quan về triển vọng đầu tư của thị trường Việt Nam khi lạm phát đang ở mức thấp, chính phủ Việt Nam nỗ lực loại bỏ nợ xấu của ngân hàng, triển vọng tham gia thỏa thuận TPP sẽ củng cố triển vọng cho xuất khẩu.
Bên cạnh đó, Thủ tướng chính phủ Nguyễn Tấn Dũng hôm 17/5 đã ban hành chỉ thị ngăn chặn các cuộc biểu tình bạo lực, kêu gọi người dân thể hiện lòng yêu nước một cách hòa bình.
"Chúng tôi thấy triển vọng ở Việt Nam vẫn đang tăng. Đà phát triển kinh tế bền vững vẫn tiếp tục", Samir Shah - Giám đốc đầu tư Advance Emerging Capital có trụ sở ở London đang quản lý khối tài sản 750 triệu USD cho biết.
Các nhà đầu tư quốc tế đã mua ròng 188 triệu USD cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam kể từ đầu năm 2014, hướng đến việc mua ròng 9 năm liên tục. Nhiều công ty, trong đó có Quỹ quản lý tài sản PXP Việt Nam nói rằng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có thể sẽ nới "room" ngoại (tỷ lệ nắm giữ cổ phận đối với các nhà đầu tư nước ngoài) trong năm nay.
Chính phủ Việt Nam cũng đang nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Theo dự đoán của Ngân hàng Thế giới (WB) là sẽ đạt mức 5,4% trong năm nay. Tốc độ tăng trưởng trong quý I đạt 4,96%, trong khi tỉ lệ lạm phát dưới 5% vào tháng 2 - mức thấp nhất từ thời điểm năm 2009.
Chính phủ Việt nam cũng đã cho thành lập Công ty mua bán nợ để xử lý các khoản nợ xấu của ngân hàng; cho phép các nhà đầu tư nước ngoài có thị phần lớn hơn trong mảng cho vay nội địa. Trong khi đó, các nhà đàm phán vẫn đang tiếp tục hoàn tất Hiệp định TPP.
Các nhà đầu tư nước ngoài “nghĩ rằng đây là thời điểm tốt nhất để mua vào. Họ thích giá cổ phiếu khi chưa được định giá đúng mức và nhìn nhận căng thẳng chỉ là hiện tượng trong ngắn hạn”, ông Tony Diep, Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư Indochina Capital, nói với Bloomberg.
Alan Richardson, từ quỹ Samsung Asean Equity Fund, nói với Bloomberg trong cuộc phỏng vấn hôm 8/5 rằng đây là thời điểm thuận lợi để mua cổ phiếu ở Việt Nam.