Cần bổ sung thông tin về lượng đường trong sữa
“40% lượng đường trẻ em dung nạp vào cơ thể đến từ sữa công thức”; “Sữa công thức trên thị trường Việt Nam có xu hướng ngọt hơn các nước trong khu vực do thói quen ăn đường của người Việt”… là những thông tin khiến nhiều bố, mẹ Việt đang cho con uống sữa công thức lo lắng.
“Đúng là từ trước đến nay, tôi vẫn nghĩ sữa vốn ngọt sẵn nên không để ý đến thành phần đường có trong sữa. Nguyên nhân nữa là việc chọn được sữa công thức phù hợp với con trẻ không dễ, nên khi bé hợp với sữa nào, gia đình tôi cứ mua loại sữa đấy cho con, dẫu có ngọt một chút cũng không sao, miễn con uống sữa và phát triển tốt cân nặng, chiều cao là được”, chị Ngọc Huyền (Cầu Diễn, Hà Nội) cho biết.
Để dễ nhận biết sữa công thức chứa nhiều hay ít đường, nhiều khách hàng đề nghị nhà sản xuất chú thích thêm lượng đường ngoài bao bì như đã áp dụng cho sữa tươi. |
Bỏ qua những tranh luận về sữa ngọt, sữa nhạt, điều chị Huyền mong muốn: “Theo lời khuyên của bác sĩ, sữa có độ ngọt càng cao càng không tốt cho trẻ, vậy làm thế nào phân biệt được sữa chứa nhiều đường, ít đường. Lượng đường trong sữa thế nào là phù hợp”.
Cùng lo lắng như chị Huyền, trao đổi với báo Giáo Dục Việt Nam, chị Lê Thanh Tân (Đống Đa, Hà Nội) đề nghị: Cần phải yêu cầu nhà sản xuất ghi rõ thông tin “sữa không đường, sữa ít đường, sữa nhiều đường” ngoài bao bì sữa công thức… như đã áp dụng cho sữa tươi. Có như vậy người tiêu dùng mới dễ dàng nhận biết.
Bên cạnh đó, hiện nay ngoài sữa công thức, đường dung nạp vào cơ thể con trẻ còn đến từ các chế phẩm của sữa như sữa chua, váng sữa, caramen,… đường trong hoa quả, bánh kẹo… Đây đều là thức ăn hàng ngày cần thiết và là những món khoái khẩu của bé.
Thế nhưng thông tin về thành phần đường trên các thực phẩm này thể hiện khá chung chung. Do đó, không chỉ kiểm tra lượng đường từ sữa công thức, các bố mẹ Việt cũng băn khoăn về lượng đường trong các thực phẩm này liệu đã phù hợp chưa khi thực tế, nhiều người khẳng định, sữa chua hay váng sữa dành cho các bé cũng rất ngọt.
Đường trong sữa có lợi nhưng không được lạm dụng
Bên cạnh protein, chất béo, Vitamin và khoáng chất thì đường là một trong bốn nhóm thực phẩm quan trọng không thể thiếu trong khẩu phần ăn của trẻ.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, chất bột đường (Gluxid/Carbohydrat) cung cấp 50- 60% tổng nhu cầu năng lượng hàng ngày của trẻ.
Chất bột đường có tác dụng cung cấp năng lượng. 1g Carbohydrat cung cấp 4 kcal năng lượng. Bột đường cũng giúp cấu tạo nên tế bào và các mô; Hỗ trợ sự phát triển não và hệ thần kinh của trẻ; Điều hòa hoạt động của cơ thể; Cung cấp chất xơ cần thiết.
Đường có trong sữa là cần thiết nhưng cho trẻ uống sữa nhiều đường sớm sẽ hình thành thói quen thích ăn ngọt, thậm chí khiến trẻ có nguy cơ bị sâu răng, béo phì, tiểu đường... Ảnh minh họa. |
Trong chất bột có thành tố đường, đường có trong các loại thực phẩm hàng ngày như ngũ cốc, khoai củ, gạo, mì, bánh mì, bún, miến, sữa… và sữa là thực phẩm trẻ em sử dụng nhiều nhất, đặc biệt là trẻ dưới 3 tuổi.
Tuy đóng vai trò quan trọng nhưng sử dụng đường nhiều và sớm ở trẻ nhỏ sẽ hình thành thói quen thích ăn ngọt. Ăn thực phẩm nhiều đường khiến trẻ nguy cơ bị sâu răng, béo phì, tiểu đường.
Sữa nội ngọt hơn sữa ngoại?Hoang mang sữa ngọt, sữa nhạt |
Một nghiên cứu rộng rãi tại Đức với đối tượng là các bé 5 và 6 tuổi cho thấy: 4,5% những bé bị béo phì do uống sữa công thức, so với 2,8% là tỉ lệ của các bé bú mẹ.
Nguyên nhân khiến trẻ sử dụng sữa công thức nguy cơ béo phì do sữa công thức nhà sản xuất có pha trộn thêm đường surcose với tỷ lệ cao hơn đường trong sữa mẹ.
Đường trong sữa công thức, bao nhiêu là phù hợp?
Với sản phẩm sữa công thức, nhà sản xuất không ghi cụ thể chất đường mà thay vào đó là tên ký hiệu thành tố hóa học như Gluxid hoặc Carbohydrat.
Ths. BS Lê Thị Hải, Giám Đốc Trung tâm Dinh dưỡng – Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, khi lựa chọn sản phẩm sữa công thức ít đường, bà mẹ cần lưu ý thành phần Gluxid hoặc Carbohydrat.
Các sản phẩm sữa có tỷ lệ Gluxid hoặc Carbohydrat càng thấp sẽ càng tốt cho trẻ.
Ngoài ra thành phần đường trong sữa càng giống sữa mẹ càng tốt. Theo Bảng thành phần hóa học thực phẩm Việt Nam, tỷ lệ đường trong hàm lượng 100g chỉ chiếm 6,89%.
Cũng trong Bảng thành phần này, Viện Dinh dưỡng khuyên chọn sữa bột toàn phần trong đó tỷ lệ đường trong 100g chỉ chiếm 38,42%.; Tỷ lệ này với sữa bột tách béo là 51,48%.
Với trẻ quen sử dụng sữa có độ ngọt cao, Ths.BS Lê Thị Hải cho rằng phụ huynh nên chuyển sang cho con sử dụng sữa có độ ngọt nhẹ hơn. Ban đầu có thể trẻ sẽ không thích uống, tuy nhiên nên cho trẻ uống sữa mới liên tục ít nhất 2 tuần, sau đó trẻ sẽ thích nghi dần.