Washington là động lực thúc đẩy đằng sau nỗ lực đa phương nhằm ngăn chặn hoạt động quân sự hóa bất hợp pháp và yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.
Việc đẩy lùi chủ nghĩa xét lại của Trung Quốc sẽ đòi hỏi phải có một nỗ lực quốc tế chủ yếu do Mỹ định hình.
Máy bay B-52H của Mỹ bay qua "khu vực tranh chấp" trên Biển Đông ngày 04/3/2019 (Ảnh: SCMP). |
Phát biểu tại một buổi gặp gỡ lãnh đạo các tập đoàn năng lượng ở Texas ngày 12/3/2019, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo chỉ trích "hoạt động xây đảo nhân tạo bất hợp pháp của Trung Quốc tại các tuyến đường biển quốc tế".
Ông cho rằng những hành động của Trung Quốc không đơn thuần là vấn đề an ninh.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Lục Khảng, cho rằng Ngoại trưởng Mỹ đã phát ngôn "thiếu trách nhiệm".
Ông cho rằng những cường quốc không có tuyên bố tranh chấp trên Biển Đông thì không nên can thiệp vào những thảo luận hiện nay. [1]
Bắc Kinh đang thắt chặt sự kiểm soát bất hợp pháp của họ trên cả bầu trời, mặt biển và dưới lòng Biển Đông.
Điều đó có thể làm xói mòn các nguyên tắc pháp lý then chốt làm nền tảng cho trật tự hàng hải toàn cầu, ngăn chặn các đối tác Đông Nam Á tiếp cận các quyền lợi và nguồn lực của họ, và cuối cùng là gây bất ổn và xung đột tiềm tàng trong khu vực.
Xét cho cùng, Trung Quốc phản đối bất kỳ hoạt động quân sự nước ngoài nào mà không có thông báo ở vùng biển nước này tuyên bố chủ quyền bất hợp pháp.
Các lực lượng Trung Quốc thường xuyên đưa ra các cảnh báo buộc các tàu và máy bay quân sự nước ngoài phải rời khỏi các vùng cảnh báo quân sự không được phân định rõ hoặc ngừng đe dọa an ninh các cơ sở của Trung Quốc chỉ bằng việc quá cảnh ở không phận quốc tế và các vùng biển lân cận. [2]
Các tướng Mỹ bàn cách đánh chiếm đảo Trung Quốc chiếm đóng ở Biển Đông? |
Khi thiết kế cách thức tốt nhất để đẩy lùi Trung Quốc ở Biển Đông, Mỹ có thể trích dẫn sách lược đã từng áp dụng ở biển Hoa Đông.
Tháng 10/2017, Mỹ bắt đầu các chuyến bay do thám trên biển Hoa Đông nhằm giám sát và làm gián đoạn hoạt động của các tàu bị nghi là vi phạm lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên.
Đầu năm 2018, chính quyền Tổng thống Donald Trump quyết định mở rộng nỗ lực đó bằng cách lôi kéo thêm các nước vào việc theo dõi các tàu được cho là đang vận chuyển hàng cấm.
Tháng 2/2018, báo Asahi Shimbun của Nhật Bản đưa tin Mỹ và Nhật Bản đã lên kế hoạch tổ chức một hội nghị quốc tế để thành lập liên minh này, các bên được mời gồm Australia, Pháp, Singapore, Hàn Quốc và Anh. [3]
Kể từ tháng 5/2018, Australia, Canada, New Zealand và Anh đã bố trí các máy bay do thám tại căn cứ không quân Kadena của quân đội Mỹ tại Okinawa để tiến hành các cuộc tuần tra thường xuyên trên biển Hoa Đông và biển Nhật Bản.
Một tàu chiến của Anh cũng đã được triển khai tới Nhật Bản để trợ giúp nỗ lực này.
Máy bay do thám thu thập thông tin về các con tàu bị nghi là vi phạm các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên.
Những máy bay này chụp ảnh số hiệu của con tàu tham gia vận chuyển dầu trái phép giữa các tàu và báo cáo lên Liên Hợp Quốc để buộc các bên đó phải giải trình bằng việc ghi vào danh sách đen các con tàu và công ty có dính líu.
Theo đó, gây sức ép buộc các nước thành viên, đặc biệt là Trung Quốc và Nga, phải thẳng tay trừng phạt các đối tượng vi phạm.
Liên minh này đã mở rộng vào tháng 9/2018 với việc thành lập Trung tâm điều phối thực thi trên tàu USS Blue Ridge.
Con tàu này là nơi làm việc của hơn 50 nhân viên đến từ Australia, Canada, New Zealand, Hàn Quốc, Pháp, Anh và Nhật Bản.
Mỹ nên thực hiện vai trò lãnh đạo đa phương như đã làm ở biển Hoa Đông để đẩy lùi Trung Quốc ở Biển Đông (Ảnh:AP ). |
Ngoài ra, trung tâm điều phối này được nhận định nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động thông tin liên lạc thông qua các đài chỉ huy giữa các tàu thuộc liên minh và các tài vận chuyển trái phép bị tình nghi.
Tháng 11/2018, Tư lệnh Bộ chỉ huy Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Đô đốc Phil Davidson cho biết Mỹ đã dành riêng hai tàu cho các hoạt động tuần tra này và tăng cường 50% các chuyến bay do thám của họ.
Hiệu quả của liên minh này trong việc ngăn chặn những hành động vi phạm các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên trong dài hạn vẫn cần phải xem xét.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng nỗ lực đa phương đầy tham vọng này đã thành công trong việc gây áp lực đối với các đối tượng vi phạm các lệnh trừng phạt.
Trong vài năm qua, Mỹ đã thúc giục các nước có cùng tư tưởng gia tăng sự hiện diện của họ ở Biển Đông nhằm giúp khẳng định quyền tự do hàng hải của họ bất chấp các tuyên bố chủ quyền bất hợp pháp của Trung Quốc.
Nhưng Washington vẫn chưa tìm cách xây dựng một liên minh chính thức phục vụ những mục đích đó khiến các nước khác phải khẳng định quyền lợi của họ một cách riêng lẻ. [4]
Để làm việc này, Mỹ nên thực hiện vai trò lãnh đạo đa phương giống như họ đã làm ở biển Hoa Đông.
Sự hợp tác có nhiều bên tham gia như vậy cuối cùng có thể dẫn đến việc thành lập một lực lượng đặc nhiệm phối hợp.
Về ngoại giao, Mỹ có thể cùng các nước có chung quan điểm và các nước có yêu sách đưa vấn đề Biển Đông trở lại vị trí hàng đầu trong nghị trình quốc tế.
Một nỗ lực ngoại giao có phối hợp trên phạm vi quốc tế sẽ nâng cao nhận thức về sự o ép của Trung Quốc ở Biển Đông và khiến cho việc liên tục vi phạm quy tắc trở nên tốn kém hơn bằng việc làm xói mòn hình ảnh của Bắc Kinh với tư cách là nước lớn có trách nhiệm toàn cầu.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://www.scmp.com/news/china/military/article/3001655/us-b-52-bombers-fly-over-disputed-south-china-sea-second-time
[2] https://www.foreignaffairs.com/articles/china/2019-01-16/how-us-can-step-south-china-sea
[3] http://www.asahi.com/ajw/articles/AJ201811040018.html
[4] http://nghiencuubiendong.vn/nghien-cuu-asean/7151-asean-va-canh-tranh-my-trung