Cái “dại” của ông Truyền!

02/03/2014 06:55
VIẾT CƯỜNG
(GDVN) - Trong khi đất nước, người dân còn nghèo, là cán bộ cấp cao về hưu mà ông Truyền lại xây nhà to quá. Có phải ông đã làm việc "dại dột"...

Thông tin về khối tài sản “khổng lồ” của ông Trần Văn Truyền, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng thanh tra Chính phủ đang được đông đảo người dân quan tâm.

Ngôi biệt thự được cho là của ông Truyền tại ấp 3, xã Sơn Đông, Tp Bến Tre
Ngôi biệt thự được cho là của ông Truyền tại ấp 3, xã Sơn Đông, Tp Bến Tre

Theo lời ông Truyền nói với truyền thông, biệt thự hoành tráng trên khu đất rộng 16.000 m2 đó là tiền tích cóp của ông, cộng với tiền của “anh em kết nghĩa”, người quen “ủng hộ”.

Họ “ủng hộ” ông xây biệt thự vì thấy “thương” cho ông, một đời làm quan to mà đến khi nghỉ hưu lại phải chịu cuộc sống cơ cực với ruộng vườn, “lao động đến thối cả móng tay”. Chứ mình ông thì không thể làm nổi.

Vậy mới thấy, làm quan to cũng đau khổ lắm. Làm đến chức Tổng thanh tra Chính phủ mà “về vườn” không có đủ tiền để dựng một ngôi nhà cho khang trang, đẹp đẽ.

Nói đi rồi nói lại thì biệt thự cũng đã xây xong. Đành rằng có người giúp đỡ nhưng với chức vụ mà trước kia ông Truyền đảm nhiệm thì việc ông xây biệt thự hoành tráng tại Bến Tre có phần hơi vội vàng.

Vội vàng ở chỗ, ông Truyền từng là cán bộ cấp cao, về hưu được vài năm đã cho xây dựng một “tòa lâu đài” rực rỡ, chả trách khiến cho dư luận “tức sôi máu”.

Trong khi đó, xã Sơn Đông, TP. Bến Tre là một xã nằm ở ngoại thành thành phố. Xung quanh “tòa lâu đài” của ông Truyền là chòm xóm với những căn nhà nhỏ và còn nhiều nhà lụp xụp. Cuộc sống của người dân nơi đây vẫn nhiều cơ cực.

Bởi thế nên “tòa lâu đài” của ông Truyền mọc lên giữa chốn thôn quê khiến mọi người chú ý. Và họ còn “sốc” hơn khi biết “tòa lâu đài” là của một cựu quan chức cấp cao.

Nếu biệt thự đó của một nhà doanh nghiệp thì là chuyện thường. Nhưng đây, nó lại là của ông Truyền, nguyên Ủy viên trung ương Đảng, nguyên Tổng thanh tra Chính phủ.

Cho dù tiền xây nhà là mồ hôi nước mắt của ông Truyền và gia đình thì nhân dân cũng khó thông cảm.

Có người bảo, nước ta còn nghèo, dân ta còn nghèo, làm thế chả khác nào ông Truyền vỗ ngực, nói với nhân dân, với những người đang còng lưng nhổ mạ rằng “tôi làm Tổng thanh tra Chính phủ, rất vất vả nhưng được rất nhiều tiền”.

Hơn nữa, người Việt không ưa phô trương.

Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư – đó là những đức tính cần thiết cho một người cán bộ, thời nào cũng thế.

VIẾT CƯỜNG