Cấm CSGT đứng khuất tầm nhìn, ào ra đột ngột dừng xe

14/03/2014 13:31
Theo Pháp Luật TP HCM
CSGT không được dùng gậy xỉa thẳng vào người dân hoặc đứng nơi khuất tầm nhìn để “đón lõng”. CSGT cũng phải từ bỏ thói quen đột ngột bước ra giữa đường để dừng xe.

Ngày 13/3, Phòng CSGT đường bộ-đường sắt (PC67), Công an TP.HCM tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho các cán bộ, chiến sĩ thuộc đơn vị. Đáng chú ý, giảng viên lớp tập huấn đã chỉ ra hàng loạt dấu hiệu vi phạm của CSGT trong thời gian qua và yêu cầu phải chấn chỉnh ngay.

Nghiêm cấm sử dụng điện thoại

Phụ trách buổi tập huấn, Trung tá Nguyễn Hoàng Giao, phòng Pháp chế Công an TP.HCM, dẫn chứng: “Nhiều lần tôi chứng kiến các CSGT sau khi dừng xe thì xảy ra đôi co với người dân. Sau đó CSGT dẫn xe đi mà không hề lập biên bản. Như vậy là vi phạm. Tôi xin nhắc lại, quy định yêu cầu trước khi đưa xe của người dân đi thì phải lập biên bản”.

Từ ví dụ này, ông Giao nhắc đi nhắc lại quyền hạn của CSGT trong việc dừng xe, xử phạt vi phạm giao thông. Theo đó, khi không thực hiện kế hoạch tổng kiểm tra hoặc theo chuyên đề, CSGT chỉ được dừng xe khi có dấu hiệu vi phạm (hoặc từ tin báo của người dân, hoặc theo yêu cầu bằng văn bản của người có thẩm quyền của cơ quan điều tra).

Lực lượng CSGT TP.HCM đang nỗ lực chấn chỉnh lễ tiết, tác phong… nhằm xây dựng hình ảnh đẹp trong người dân.
Lực lượng CSGT TP.HCM đang nỗ lực chấn chỉnh lễ tiết, tác phong… nhằm xây dựng hình ảnh đẹp trong người dân.

 
“Giám đốc Công an TP nghiêm cấm lập chốt kiểm tra, xử lý vi phạm. Lực lượng CSGT đang trên đường tuần tra, kiểm soát thì được dừng tại một điểm để kiểm tra, xử phạt. Tuy nhiên, việc dừng một lúc nhiều xe như ở gần cầu Điện Biên Phủ hay nhiều nơi vùng ven mà tôi chứng kiến là không đúng. Một điểm kiểm tra được dừng không quá 15 phút và không được dừng cùng lúc quá ba xe. Ngoài ra, trong một tổ chỉ duy nhất một CSGT có “thẻ xanh” được phép dừng xe chứ không phải tùy tiện ai cũng có thể dừng”, ông Giao nói.

Ông Giao cũng nhấn mạnh một số nguyên tắc quan trọng như cấm CSGT dùng gậy xỉa thẳng vào người dân, cấm đứng nơi khuất tầm nhìn để “đón lõng” người dân… “Giám đốc Công an TP cũng nghiêm cấm CSGT sử dụng điện thoại di động trong quá trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm giao thông. Nếu vi phạm, bị người dân chụp ảnh thì CSGT đó phải làm kiểm điểm do vi phạm quy trình”, Trung tá Giao lưu ý.

Liên đới trách nhiệm

Dư luận hiện rất quan tâm đến vụ tài xế, chủ xe “níu áo” CSGT huyện U Minh Thượng (Kiên Giang) đòi bồi thường thiệt hại gần ba tấn cá vì họ cho rằng CSGT sai quy trình là nguyên nhân dẫn đến toàn bộ xe cá bị thối. Phân tích lỗi “không chấp hành hiệu lệnh…”, Trung tá Giao cho hay đây là lỗi thứ hai, tức trước đó đã phát hiện vi phạm mới dừng xe kiểm tra. Điều này có nghĩa là trong biên bản vi phạm phải ghi nhận ít nhất hai lỗi chứ nếu chỉ có một lỗi “không chấp hành hiệu lệnh…” là sai quy trình.

Ngoài ra, khi dừng xe CSGT phải đảm bảo an toàn giao thông, tức phải ra hiệu lệnh khi xe cách 30 m (xe cơ giới) và 5 m với xe thô sơ. Đặc biệt, CSGT phải từ bỏ thói quen đột ngột bước từ trong ra giữa đường để dừng xe.

Nói về đợt tập huấn lần này, Thượng tá Trần Thanh Trà, Trưởng phòng PC67, cho hay mục đích là nhằm quán triệt đến 100% cán bộ, chiến sĩ CSGT thuộc PC67 phải thực hiện nghiêm túc các quy định về nội dung, hình thức trong việc tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm giao thông. Từng cán bộ, chiến sĩ phải nắm vững các quy định về phòng ngừa sai phạm, tiêu cực, nêu cao tinh thần trách nhiệm nhằm xây dựng hình ảnh đẹp của CSGT, tạo niềm tin và sự ủng hộ rộng rãi từ người dân.

“Kết thúc mỗi buổi tập huấn, các cán bộ, chiến sĩ CSGT phải viết cam kết không vi phạm quy trình, điều lệnh, lễ tiết, tác phong… Ban chỉ huy các đội CSGT cũng phải cam kết liên đới trách nhiệm khi CSGT trong đội vi phạm nhằm nâng cao vai trò của ban chỉ huy các đội trong việc phòng ngừa vi phạm”, Thượng tá Trà khẳng định.

CSGT phải nghe dân giải trình
 
Với anhững vi phạm bị tước bằng lái hoặc mức phạt trên 15 triệu đồng (với cá nhân) hoặc 30 triệu đồng (với tổ chức) thì quyền lợi của người dân hiện không được đảm bảo do CSGT “quên” hướng dẫn họ về quyền giải trình thực hiện. Theo Trung tá Nguyễn Hoàng Giao, với các trường hợp này, trong vòng năm ngày sau khi lập biên bản thì người dân có quyền gửi văn bản giải trình, chứng minh mình không vi phạm. Hoặc sau hai ngày làm việc, người dân có thể trực tiếp đến trụ sở CSGT để giải trình và việc giải trình này phải được lập biên bản.
 

Theo Pháp Luật TP HCM