Tại hội nghị quán triệt kế hoạch của thành phố về tăng cường kiểm tra, đôn đốc, xử lý vi phạm trật tự giao thông, đô thị ngày 4/3, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội - ông Nguyễn Đức Chung khẳng định mạnh mẽ: Nếu lần này không dẹp được lấn chiếm vỉa hè, ông sẽ chỉ đích danh chỗ nào là của bí thư quận, chỗ nào của chủ tịch quận, chỗ nào có trưởng công an phường và kể cả lãnh đạo sở cũng có người nhà liên quan.
Có lẽ chưa bao giờ có một lãnh đạo đứng đầu Thành phố nói thẳng rằng, trong số 180 quán bia vỉa hè thì có 150 quán “ông công an đứng phía sau”, và khẳng định đã điều tra rất kỹ càng về vấn đề này.
Chủ tịch Thành phố cũng khiến nhiều lãnh đạo phường, xã, quận, huyện tái mặt khi đặt vấn đề trông giữ xe lấn chiếm vỉa hè có sự tham gia của người nhà của cán bộ.
Rồi, ông Chung nêu lại giai đoạn từ 2013 – 2015, các cơ quan chức năng của Hà Nội đã làm rất tốt, xử lý được công việc mà lại giữ được hình ảnh đẹp, được nhân dân ca ngợi. Nhưng trong thời gian gần đây có quận làm tốt, có quận không tốt.
Theo Chủ tịch Thành phố đó là do người đứng đầu, chính quyền ở địa phương đó không quan tâm.
Ông Nguyễn Đức Chung đã có những phát biểu thẳng thắn, mạnh mẽ về vai trò của cán bộ đối với trật tự đô thị Hà Nội. ảnh: vnxpress. |
Chủ tịch Hà Nội cũng đặt câu hỏi: “Nay là tôi nói thế có đồng chí bí thư, có các đồng chí chủ tịch ở đây có dám cam đoan với tôi là các điểm trông giữ xe ở phường không có người nhà, có bãi đỗ xe của các ông bí thư, chủ tịch không?
Có đấy các đồng chí ạ, tôi xin nói với các đồng chí là có cả! Thế bây giờ các đồng chí phải là người quán triệt, phải là người về giáo dục, bảo người nhà thôi, chấm dứt là nó đã đỡ đi rồi.
Tôi xin nói rõ, hôm nay tôi phải nêu rõ với các đồng chí là thực tế. Còn nếu lần này không làm, tôi sẽ có trách nhiệm chỉ đích danh từng chỗ một: Chỗ nào của đồng chí bí thư quận nào, chỗ nào đồng chí chủ tịch quận nào, chỗ nào đồng chí trưởng phường, chỗ nào đồng chí sở nào, kể cả lãnh đạo sở, người nhà cũng có...
Năm nay là năm kỷ cương hành chính, nếu các đồng chí không tổ chức triển khai một cách nghiêm túc, nếu không có hiệu quả, không kiên trì để tái chiếm... thì các đoàn kiểm tra về mặt công vụ của thành phố mà kiểm tra đến lần thứ ba là phải xem xét vấn đề trách nhiệm... Và tôi xin nói thẳng thắn là lần này thành phố cũng sẽ phải xem xét nhấc một vài đồng chí đi!”.
Đón nhận những thông tin này, PGS.TS Bùi Thị An – Đại biểu Quốc hội khóa XIII nói với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam rằng bà hoàn toàn ủng hộ quyết tâm của Chủ tịch Hà Nội làm trong sạch bộ máy cán bộ, nhằm phục vụ tốt nhất cho đời sống của nhân dân.
“Hà Nội là Thủ đô của cả nước, là trung tâm chính trị văn hóa, không chỉ các tỉnh khác nhìn vào Hà Nội mà thế giới cũng nhìn vào Hà Nội.
Vì vậy, tôi hoàn toàn ủng hộ phát biểu của đồng chí Chủ tịch Hà Nội và tin rằng với sự quyết liệt của các lãnh đạo thành phố, chắc chắn Hà Nội sẽ có nhiều thay đổi mạnh mẽ trong thời gian tới”.
PGS.TS Bùi Thị An cho biết, bà hoàn toàn ủng hộ những phát ngôn thẳng thắn của Chủ tịch Hà Nội - ông Nguyễn Đức Chung. ảnh: Trung tâm thông tin Quốc hội. |
Bà Bùi Thị An chia sẻ, khi tham gia hoạt động Quốc hội khóa XIII với tư cách là đại biểu của đoàn Hà Nội, bà đã nêu rất nhiều phản ánh của nhân dân về những tồn tại, bức xúc trong đời sống hàng ngày tới các lãnh đạo, các cấp chính quyền.
Thực tế, có những nơi cán bộ rất sâu sát với đời sống của dân, nhưng ngược lại có những nơi dường như sự chuyển biến còn quá chậm, gây ra nhiều bức xúc cho dân.
“Những vụ làm ăn chỗ này chỗ khác có sự dung túng của cán bộ mà đồng chí Chủ tịch Thành phố đề cập là hoàn toàn đúng với thực tế hiện nay.
Ai cũng biết việc này, bởi nó không phải chỉ là một hai trường hợp cá biệt mà là hàng trăm trường hợp chỉ trong phạm vi của một quận, một huyện.
Muốn biết sự thật, hãy hỏi những người dân nghèo đang từng ngày bám vỉa hè mưu sinh. Những người bán nước, những người bán hàng rong trên vỉa hè phải chấp nhận những gì thì mới được bán hàng?”, bà An nêu vấn đề.
Theo đánh giá của PGS.Bùi Thị An, sự thể hiện của Chủ tịch Thành phố rất đúng với tinh thần kiến tạo, hành động mà Chính phủ đang dày công xây dựng.
“Tôi rất ấn tượng với cách mà đồng chí Chủ tịch đề cập, đó là không cần phải ra quân rầm rộ, vấn đề cốt lõi là phải làm thế nào để người dân hiểu và ủng hộ, chấp hành một cách tâm phục khẩu phục.
Ngay cả cách xử lý mà đồng chí Chủ tịch nêu ra cũng rất kiên quyết nhưng cũng rất nhân văn.
Đó là nếu vi phạm tới lần thứ 3 thì dứt khoát rút giấy phép kinh doanh, cho tới khi nào anh cam kết chắc chắn không bao giờ tái phạm thì mới cho phép tiếp tục kinh doanh.
Cách xử sự có lý có tình như vậy chắc chắc được người dân hết lòng ủng hộ”, bà An nói.
Bà Bùi Thị An cũng nhắc lại hai sự kiện diễn ra năm 2016 và đầu năm 2017, Chủ tịch Thành phố Hà Nội đã có những phát ngôn hết sức thẳng thắn về những vấn đề đang gây bức xúc:
Chuyện thứ nhất là cắt tỉa cỏ, cây cảnh mỗi năm chi tới 700 tỷ đồng (trong đó riêng Đại lộ Thăng Long chỉ 24km mỗi năm chi hết 53 tỷ đồng).
Ông Nguyễn Đức Chung đã ra lệnh dừng ngay việc này để sử dụng khoản tiền ấy vào những việc thực sự có ích cho dân.
Chuyện thứ hai, tại Hội nghị tổng kết và triển khai công tác của Sở Quy hoạch kiến trúc ngày 4/1/2017, ông Nguyễn Đức Chung đã nói: “Chúng ta đang phải trả giá vì đã làm quy hoạch băm nát Hà Nội”.
Theo ông Chung, thành phố đã không tận dụng được giá trị bất động sản trong rất nhiều năm, gây lãng phí. Nếu những năm 90, khi mở đường chúng ta lấy rộng ra hai bên 200-300m mặt đường “thì thành phố đã giàu lắm rồi, chúng ta có đủ tiền để phát triển hạ tầng không kém gì các nước khác…
PGS.Bùi Thị An đánh giá, những phát biểu thẳng thắn của Chủ tịch Thành phố trong thời gian qua cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền Hà Nội đang từng bước tạo ra những thay đổi đáng kể cho bộ mặt đô thị Thủ đô.
“Nếu không có sự thẳng thắn cần thiết ấy thì tôi nghĩ rằng ở nhiều nơi, nhiều cấp vẫn còn duy trì cái kiểu làm việc chậm chạp, ì ạch khiến cho người dân bức xúc. Hà nội có biết bao nhiêu dự án chậm tiến độ, chất lượng thấp?
Rất nhiều, không thể đếm hết. Ngay như dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông hay tuyến Nhổn – ga Hà Nội bị chậm cũng có phần nguyên nhân do các quận, huyện giải phóng mặt bằng quá chậm.
Sự yếu kém trong điều hành của các cá nhân quản lý từng cấp cơ sở ở Hà Nội đã gây ra sự ì trệ cho Hà Nội nhiều năm qua và nó rất cần có một bàn tay cứng rắn để tạo nên sự chuyển động hoàn toàn mới”, bà An chia sẻ.
PGS.Bùi Thị An cũng cho rằng, để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong các cấp lãnh đạo ở các sở, quận, huyện, phường… thì rất cần có sự đánh giá vị trí, nhiệm vụ của từng cán nhân, thực hiện luân chuyển, thậm chí cách chức đối với một số trường hợp quản lý yếu kém, để xảy ra nhiều sự cố trên địa bàn quản lý.