Cán bộ "bắt cóc" gà, dân nhường gạo cứu đói, tự trọng của cán bộ ở đâu?

15/03/2015 08:26
QUỐC TOẢN
(GDVN) - Biết dân nghèo đang chạy vạy mưu sinh, lấy đâu ra thóc nuôi gà, làm chuồng nuôi dê, nên cán bộ đành đem số gia súc, gia cầm ấy về...nuôi hộ?

Chuyện 12/24 con dê “lạc chuồng” vào nhà Bí thư huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) chưa qua thì mới đây tại xã Quế An (Quế Sơn, Quảng Nam) cánh phóng viên tiếp tục phát hiện thêm 1.250 con gà hỗ trợ cho dân nghèo bị cán bộ xã ăn chặn.

Hôm 11/3, tờ Dân trí đưa tin, vào tháng 11/2014, huyện Quế Sơn phê duyệt kinh phí mua gà hỗ trợ cho người dân nghèo tại xã Quế An, trong chương trình “Nông thôn mới”. Tuy nhiên toàn bộ 1.250 con gà đã được chia cho Bí thư, Chủ tịch đến cán bộ xã này đem về nhà nuôi.

Theo danh sách của người dân cung cấp, trong số 1.250 con gà hỗ trợ người dân nghèo của xã Quế An thì Chủ tịch xã – ông Hoàng Kim Minh được nhận nhiều nhất là 200 con, còn ông Trần Văn Quyên – Bí thư xã và Chủ tịch Hội nông dân xã - ông Trần Ngọc cùng 17 cán bộ khác của xã mỗi người được nhận 50 con gà về nuôi.

Sự việc vỡ lở, trong cuộc trao đổi với giới truyền thông sau đó, ông Hoàng Kim Minh – Chủ tịch xã Quế An xác nhận phản ánh trên là đúng. 

Tuy nhiên, vị Chủ tịch xã tỏ vẻ phân bua và chỉ thừa nhận mình nhận 50 con gà chứ không phải 200 con như phản ánh. Còn các cán bộ khác ai cũng nhận 50 con gà như nhau. 

Để bao biện cho việc “bắt cóc” gà hỗ trợ cho dân nghèo trong xã, ông Minh cho biết, không phải tất các các cán bộ của xã đều nhận mà họ nhận thay cho anh em, bố mẹ ở nhà. ông Minh cũng cho rằng: “Làm như thế là sai. Ông nào nhận thì trả lại cho dân và xã sẽ họp rút kinh nghiệm”.

Cách đó không lâu, tại huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) cũng xảy ra sự việc tương tự. Theo đó 24 con dê được Thị xã Bỉm Sơn bàn giao cho huyện Thạch Thành để hỗ trợ các hộ nghèo xã Thành Yên, với hy vọng giúp dân thoát nghèo, thì có đến một nửa số lượng bỗng dưng “chui” vào trang trại ông Đỗ Minh Quý - Bí thư huyện ủy Thạch Thành. Điều đáng nói là ông Quý không thuộc đối tượng được cấp dê.

Ảnh minh họa (nguồn: internet)
Ảnh minh họa (nguồn: internet)

Xét về bản chất, cả hai sự việc nêu trên đều có những điểm tương đồng nhau, đặc biệt là trong cách biện hộ của các "quan". Sở dĩ con dê “lạc chuồng” vào nhà Bí thư huyện là bởi theo cán bộ xã Thành Yên thì dê nuôi trong trang trại nhà “quan” sẽ có điều kiện chăm sóc hơn, vả lại số dê ấy cũng chẳng đáng là bao. Chuyện đàn gà bị “bắt cóc” cũng là chuyện “bất đắc dĩ”, bởi: “cán bộ xã nhận nhận thay cho anh em, bố mẹ ở nhà nuôi…” 

Thoáng nghe thì tưởng cán bộ thương dân, lo cho dân, làm đúng trách nhiệm là “đầy tớ” của dân. Biết dân nghèo đang chạy vạy mưu sinh, đến miếng ăn còn khó kiếm thì lấy đâu ra thóc nuôi gà, làm chuồng nuôi dê, nên cán bộ đành đem số gia súc, gia cầm ấy về nhà “nuôi hộ”. 

Nhưng có lẽ hiếm có vị Bí thư, cán bộ xã nào rảnh đến mức đi “nuôi hộ” dê, gà, khi loài vật ấy không thuộc “chính chủ”, và cũng  bởi nhiệm vụ các vị được giao đâu phải là nuôi dê, nuôi gà hộ người khác. Mặt khác, thử hỏi nếu không có tố cáo của người dân thì số dê “nhầm chuồng”, số gà bị “bắt cóc” liệu có trở về được với người dân? 

Thật khổ cho dân, bởi nếu các loại giống vật nuôi, hay bất cứ một thứ vật chất nào khác có giá trị kinh tế, được nhà nước hỗ trợ cho dân mà cứ “lạc” vào nhà các "quan" thì dân bao giờ mới hết nghèo? Câu chuyện có dừng lại ở việc kiểm điểm và rút kinh nghiệm sâu sắc?

Lỗi cũng tại mấy chú gà, chú dê, bởi nếu chúng biết chuyện của nhau (chuyện dê “nhầm chuồng” vào nhà ông Bí thư huyện Thạch Thành), thì khó có chuyện đàn gà đi vào “vết xe đổ” của đàn dê, để khiến ông này, bà nọ phải mang tiếng xấu.

Cũng từ câu chuyện con dê “lạc chuồng”, con gà bị “bắt cóc” ngẫm đến câu nói của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan: “người ta ăn của dân không từ một thứ gì” thật thấm thía. 

Nhưng có một câu chuyện khác mà ở đó lòng tự trọng của dân nghèo khiến ai cũng phải nể chứ chưa nói đến riêng các vị cán bộ mà có dê "nhầm chuồng", gà "bắt cóc".

Ấy là trong dịp Tết Nguyên Đán Ất Mùi 2015 vừa qua, xã Phước Bình (huyện Bác Ái, Ninh Thuận) từ chối nhận gạo cứu đói giáp hạt.

Tờ Tuổi trẻ hôm 6/3 dẫn lời ông Pinăng Hoàng – Chủ tịch xã Phước Bình cho biết, qua rà soát số hộ nghèo này thì không có hộ nào thiếu đói, mà không thiếu đói thì làm sao nhận. Xã dành phần gạo cứu đói này cho những hộ thiếu đói ở các xã khác. 

Ông Pinăng Hoàng cũng  xác nhận toàn xã có 218 hộ nghèo (với 1.909 khẩu) có nhận đầy đủ khoản hỗ trợ tết như quà, tiền 150.000 đồng/hộ. Riêng gạo cứu đói giáp hạt của Chính phủ thì xã từ chối, không nhận.

Vị lãnh đạo xã lý giải, trên địa bàn xã có sông Tô Hạp quanh năm nước chảy qua cùng điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thích nghi với việc trồng chuối.

“Chuối của đồng bào Raglai trồng, tiêu thụ mạnh lắm nên xã chúng tôi không có hộ thiếu đói. Cùng với đó, xã có họp với các thôn bàn về việc có nên đăng ký nhận gạo cứu đói hay không thì các thôn từ chối nhận” - ông Pinăng Hoàng nói.

Từ câu chuyện dân Phước Bình không nhận gạo cứu đói chứng minh một thực tế, trong cái đói, cái nghèo, giá trị vật dù lớn đến mấy chất khó có thể “mua chuộc” được danh dự và lòng tự trọng của người dân. Bởi lẽ, người dân Phước Bình còn nghèo thật đấy! nhưng họ tự trọng với suy nghĩ rất con người: “Dành phần gạo cứu đói này cho những hộ thiếu đói ở các xã khác”.

Chuyện con dê đi lạc, con gà bị "bắt cóc", đừng nên xảy ra nữa!

QUỐC TOẢN