Cán bộ chọn cách "chui vào vỏ kén", "chắc ăn" thì e rằng cơ hội sẽ trôi mất

01/11/2022 06:36
Trung Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Vì có sự chồng chéo của pháp luật nên có thể làm theo luật này là đúng nhưng với luật kia là sai, nhiều cán bộ chọn né tránh để đảm bảo "yên vị".

Phát biểu thảo luận về tình hình phát triển kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 5, Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) nêu tình trạng bất an, sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có cả cán bộ, lãnh đạo, quản lý. Trong đó, đại biểu Thông cho biết: "Có cán bộ tâm sự rằng họ thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước hội đồng xét xử".

Từ phát biểu này đã dấy lên nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận. Nhiều người bày tỏ lo ngại, nếu có thực trạng cán bộ lãnh đạo như vậy thì nguy cơ, hậu quả ra sao với xã hội sẽ như thế nào? Đâu là nguyên nhân? Giải pháp nào chấm dứt thực trạng trên?

Hệ thống pháp luật có độ "chênh", cán bộ sợ sai nên chọn "yên vị"?

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề này, ông Cao Đình Thưởng - Đại biểu Quốc hội khóa XIV, nguyên Ủy viên Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: "Theo tôi, thực trạng này là có, thậm chí là đang xuất hiện nhiều ở khắp các địa phương trong cả nước.

Từ đó để thấy rằng, vẫn còn một bộ phận cán bộ có tư tưởng rằng, nếu có "sự lựa chọn" thì rõ ràng họ sẽ chọn phương án là như vậy".

Ông Cao Đình Thưởng. Ảnh: Quochoi.vn

Ông Cao Đình Thưởng. Ảnh: Quochoi.vn

Ông Thưởng phân tích, đúng ra với cán bộ ngồi ở vị trí lãnh đạo, khi sự quyết định của người đó có thể ảnh hưởng đến một bộ phận lớn người dân thì đáng lẽ họ cần tích cực phát huy năng lực, phẩm chất dám nghĩ dám làm, đổi mới cách làm việc. Nhưng đáng buồn, nhiều người đã không làm như vậy mà chọn cách làm ngược lại.

"Về việc này, chúng ta cũng phải thừa nhận một thực tế là trong hệ thống pháp luật nước ta hiện nay vẫn có độ "chênh" nhất định. Có thể làm theo luật này thì đúng nhưng làm theo luật kia lại sai, nên vấn đề ở đây là cần chỉnh sửa lại luật và cải cách thể chế sao cho đồng bộ pháp luật, để khi áp vào luật thì nó hoàn toàn khớp.

Xử lý tốt việc chồng chéo của luật thì cán bộ thực thi mới thấy an toàn để đưa ra các quyết sách, nếu không lúc nào cũng mang tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm.

Cũng có thể xuất phát từ tâm lý đó, có những việc cần được quyết định nhanh chóng, kịp thời mà cán bộ đó lại chần chừ, lùi thời gian có khi lại mất cơ hội cho cả một lĩnh vực. Nếu xét rộng ra trong bình diện chung của một đất nước, nó còn là nhân tố kéo chậm sự phát triển và tạo ra nhiều bức xúc trong xã hội.

Bên cạnh đó, việc có những cán bộ chọn cách "chui vào vỏ kén" cho an toàn còn dẫn tới hành động nói thì sợ sai, làm thì sợ kỷ luật nên họ chọn phương án làm những gì thấy chắc ăn. Với công việc tập thể, nhiều khi cán bộ chắc ăn cho bản thân quá thì thời cơ lại qua mất hoặc thiếu đi tính sáng tạo. Tuy nhiên, cần phải hiểu rằng, việc đổi mới, sáng tạo đối với người lãnh đạo lúc nào cũng là yếu tố cực kỳ quan trọng", ông Thưởng nêu lên nhận định.

Qua đó, vị này cũng viện dẫn điển hình như tình trạng thiếu thuốc xảy ra vừa qua trong ngành y tế. Đồng thời nêu lên quan điểm rằng, Luật, thông tư liên quan đến vấn đề đấu thấu thuốc đã có từ lâu nhưng tại sao ngành y tế lại vẫn để xảy ra tình trạng như vậy.

Không đơn thuần chỉ là việc cung ứng thuốc sớm hay muộn nếu các quyết sách được đặt bút ký nhanh hay chậm, mà sự chậm trễ này còn dẫn đến hệ lụy là nhiều người bệnh, người dân phải chịu ảnh hưởng theo.

Ông Thưởng cho hay, trong lĩnh vực đầu tư công cũng vậy, ngoài những địa phương làm tốt thì cũng có những địa phương chậm giải ngân hoặc có những nơi giải ngân vốn đầu tư công cực kỳ thấp.

Vị này nêu lên băn khoăn, các sự việc xảy ra không theo đại trà mà chỉ cục bộ ở một số địa phương, như vậy liệu có phải nó bắt nguồn từ việc cán bộ lãnh đạo sợ sai, sợ vi phạm và không quyết đoán trong công tác quản lý hay không?.

Khi đề cập đến đến trách nhiệm của lãnh đạo các ngành để xảy ra tình trạng như trên, ông Thưởng cho rằng, trước hết là thuộc về người đứng đầu các cơ quan, địa phương. Tuy nhiên, việc truy trách nhiệm chính thuộc về ai và phương án xử lý trách nhiệm như thế nào lại không hề đơn giản, bởi trong cùng một sự việc sẽ có nhiều yếu tố tác động chứ không hẳn là do vai trò của người lãnh đạo.

Vị này nêu lên dẫn chứng: "Đơn cử như sự việc một số địa phương để xảy ra tình trạng thiếu xăng dầu thì ngoài trách nhiệm chính là của Bộ Công thương thì nó còn thuộc về các công ty cung ứng xăng dầu. Với ngành hàng này nếu như Bộ Công thương có phương án tự chủ về nguồn cung thông qua việc tự dự trữ, thậm chí là có để xuất khẩu nữa nhưng vẫn để xảy ra tình trạng khan hiếm cục bộ thì chúng ta có thể truy lỗi chính là thuộc về lãnh đạo của Bộ này và các Sở Công thương tại các địa phương.

Tuy nhiên, hiện nay chúng ta vẫn là nước phải nhập khẩu xăng dầu từ nước ngoài, trong khi giá xăng dầu thế giới lại biến động liên tục nên quy trách nhiệm cần rõ ràng".

Liên quan đến việc nhiều cán bộ có năng lực làm việc yếu kém, không dám làm và sợ truy cứu trách nhiệm nhưng vẫn "yên vị" trong bộ máy nhà nước, ông Thưởng cho rằng, một phần nguyên nhân từ việc, các văn bản để đánh giá, xếp loại năng lực cán bộ hiện này còn quá nhiều hướng dẫn, hơi dài dòng và không sát với thực tế.

"Có những điểm hướng dẫn đánh giá cán bộ hiện nay như một dạng "phân bổ". Vì thế, nhiều cán bộ có tư tưởng, năm nay tôi đã dành được danh hiệu nào đó rồi thì năm sau không cần phải nỗ lực phấn đấu nữa, vì kiểu gì danh hiệu ấy cũng dành cho người khác.

Chính nó đang tạo ra sức ì ngày càng với một đội ngũ cán bộ có tư tưởng yên vị, thiếu ý chí. Càng làm càng sợ sai, nên tốt nhất là không làm gì". ông Thưởng cho hay.

Nhiều cán bộ mới lên vừa làm vừa nghe ngóng, không dám đưa ra quyết sách

Chia sẻ thêm về việc này, ông Trần Ngọc Vinh, Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII nêu một số nguyên nhân: "Theo tôi, có thể chia thành ba trường hợp: Thứ nhất, có một bộ phận cán bộ vì năng lực yếu kém thì họ không dám quyết. Trường hợp này rơi vào các cán bộ đi lên bằng tiền bạc hoặc mối quan hệ và không có kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm lãnh đạo.

Thứ hai, có một bộ phận cán bộ trước đó họ vẫn mạnh dạn đề ra các quyết định thực thi, nhưng quyết định nào đưa ra cũng bị sai và dư luận phản ánh nên giờ sợ, không dám quyết nữa.

Thứ ba, có một bộ phận lãnh đạo ngũ mới lên nắm chức vụ, nên họ vừa làm vừa nghe ngóng chứ không dám lập tức ban hành ra các quyết sách vì sợ sai, sợ mất ghế".

Ông Vinh cho rằng, với vấn đề điều hành bộ máy, Chính phủ đã làm rất mạnh, rất quyết liệt nhưng ở dưới, nơi làm được nhưng có nơi cũng bộc lộ rõ sự yếu kém.

Ông Trần Ngọc Vinh. Ảnh: Quochoi.vn

Ông Trần Ngọc Vinh. Ảnh: Quochoi.vn

Qua đó, ông Vinh nêu lên giải pháp: "Trong giai đoạn hiện nay, các đơn vị cần phát huy hơn nữa tinh thần của Bộ Chính trị đã đề ra về cơ chế bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm. Tránh trường hợp nhiều cán bộ luôn sợ sệt, né tránh trong công việc không phải vì họ không có năng lực mà sợ bị trù dập, hãm hại.

Bởi lẽ, cũng có cán bộ làm sai nhưng sai là vì cái chung, không có yếu tố vụ lợi "sân trước, sân sau", thì cũng cần có phương án bảo vệ họ. Từ đó để họ rút ra kinh nghiệm và mạnh dạn đề ra các quyết sách có lợi cho Nhà nước, nhân dân sau này.

Ngược lại, nếu phát hiện cán bộ chấp nhận né tránh, sợ sai chỉ vì động cơ, lợi ích nhóm thì cũng cần phải được xử lý nghiêm khắc, thậm chí là loại bỏ khỏi hàng ngũ lãnh đạo. Có được sự đảm bảo như vậy thì mới duy trì được đội ngũ cán bộ dám nghĩ, dám làm, cống hiến hết mình cho công việc chung".

Cũng theo ông Vinh, trong các sự việc gây bức xúc dư luận diễn ra gần đây, cần xác định rõ nguyên nhân tình trạng đó đến từ đâu, khi đó mới có thể truy trách nhiệm của những người có liên quan và có phương án xử lý đúng người, đúng tội.

"Nếu phân tích rộng ra có thể một phần nguyên nhân là do công tác cán bộ, nhưng cũng có nguyên nhân của việc chính sách còn chồng chéo. Một nguyên nhân nữa có thể là do hệ thống pháp luật chưa thực sự đồng bộ và hướng dẫn thực hiện còn chậm. Thậm chí, cùng chung một hướng dẫn nhưng mỗi nơi lại hiểu theo một kiểu khác nhau.

Khi nắm rõ được vấn đề cốt lõi gây ra các thực trạng nói trên thì đầu tiên chúng ta cần tìm ra phương án đáp ứng, để trong tương lai sẽ không tái diễn lại việc đó. Còn nếu khẳng định được thực trạng xảy ra là do công tác cán bộ thì nhất định cần phải đề nghị xử lý nghiêm cán bộ đó", ông Vinh cho hay.

Trung Dũng