Cán bộ đi học ThS, TS phải "học thật, thi thật", sợ nhất là "đánh trống ghi tên"

13/06/2022 09:05
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nếu việc học được chi từ tiền của nhà nước và cán bộ học kiểu "đánh trống ghi tên" sẽ vô tác dụng. Điều này sẽ gây thiệt hại ngân sách cho nhà nước.

Ngày 19/05/2022 Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 1698/QĐ-UBND phê duyệt Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức thành phố Hà Nội giai đoạn 2022 - 2025 và định hướng đến năm 2030”.

Theo đề án, tổng kinh phí thực hiện đến năm 2025 là hơn 272 tỉ đồng lấy từ nguồn ngân sách thành phố. Riêng đào tạo sau đại học, nguồn kinh phí dự kiến là 61,6 tỉ đồng, trong đó, đào tạo sau đại học tại các nước tiên tiến dự kiến chi phí hết 9,6 tỉ đồng, đào tạo sau đại học trong nước là 52 tỉ đồng.

Có ý kiến cho rằng, việc đào tạo bồi dưỡng công chức viên chức, cử cán bộ đi học thạc sĩ, tiến sĩ là cần thiết để Hà Nội có nguồn nhân lực chất lượng cao. Tuy nhiên, chất lượng đào tạo cũng là vấn đề được nhiều người quan tâm.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội có những chia sẻ xoay quanh vấn đề này.

Phải đào tạo thật, học thật

Theo ông Chức: "Việc học là cần thiết, có đào tạo là tốt nếu có điều kiện học tập ở nước ngoài thì càng tốt. Tuy nhiên phải học thật, cán bộ mà học cho đẹp "hồ sơ" thì không nên học", ông Chức nhấn mạnh.

Theo đó, cán bộ công chức viên chức phải có tư tưởng phục vụ nhân dân và đất nước, nên việc học phải là toàn diện. Người cán bộ, lãnh đạo trước tiên là phải tu dưỡng bản thân, thực hiện nghiêm đường lối chính sách, nghị quyết của đảng, sau đó mới nghĩ đến việc học thêm.

Việc cán bộ công chức viên chức đi học sau đại học, thì việc đào tạo phụ thuộc vào cách thức học của người học, đương nhiên cũng phụ thuộc vào cách dạy.

Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức. (Ảnh: GT)

Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức. (Ảnh: GT)

Bên cạnh đó việc chọn cán bộ đi học tập cần phải lựa chọn kĩ về học lực, động cơ, mục đích, thái độ học tập. Đặc biệt, phải có sự ràng buộc khi việc học xong, phải có thời gian phục vụ tại cơ quan, đơn vị như thế nào để tránh sau ồn ào như một số địa phương từng xảy ra.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, việc học là để trang bị tri thức nên rất cần thiết với mọi đối tượng, nhưng việc đào tạo phải theo năng lực của cán bộ và công việc đó có yêu cầu phải cần đến thạc sĩ hay không, chứ bằng cấp không phải là thứ để "trang trí" cho đẹp.

Công chức, viên chức phải tự bản thân họ cảm nhận thiếu cái gì thì phải bổ sung, việc học phải là học thật. Nếu việc học được chi từ tiền của nhà nước và cán bộ học kiểu "đánh trống ghi tên" thì sẽ vô tác dụng. Điều này sẽ gây thiệt hại về ngân sách cho nhà nước và mất thời gian cho chính cán bộ.

Học là từ cách lắng nghe, không nhất thiết phải có bằng tiến sĩ

Theo Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, việc học không nhất thiết phải đặt vấn đề cán bộ phải có bằng tiến sĩ, bởi lẽ việc học là học suốt đời, học thầy không tày học bạn, học của đồng nghiệp...

Ông Chức chia sẻ, cách đây 20 năm, có ý kiến cho rằng cán bộ cấp thành ủy quản lý thì phải là tiến sĩ, thì mới có đổi mới, khi đó ông đã phản đối.

"Tôi có bằng cấp nhưng tôi không cho rằng, người có bằng cấp chưa hẳn đã hơn người không có bằng cấp", Tiến sĩ Chức nêu quan điểm.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, điều quan trọng nhất của người cán bộ công chức viên chức là học cách lắng nghe, bởi không ai có thể giỏi được hết cả.

Ví dụ như bản thân ông Chức từng làm việc về lĩnh vực văn hóa nhưng không thể không liên quan đến lịch sử, kinh tế, chính trị... những lĩnh vực này bản thân ông phải biết lắng nghe.

Vì vậy, ngoài việc cán bộ có năng lực, trình độ thì phải biết lắng nghe đối với không chỉ cấp trên mà còn cả cấp dưới và người dân, để thể hiện sự dân chủ.

Bình luận thêm về vấn đề trên, ông Lê Như Tiến (nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội) cho hay, ông rất đồng tình về chủ trương đào tạo bồi dưỡng cán bộ công chức viên chức của Thành phố Hà Nội.

"Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là chủ trương đúng của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ. Mục tiêu giáo dục của chúng ta là đào tạo nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài", ông Tiến cho hay.

Theo nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, việc đào tạo chất lượng cao rất là tốt nhưng đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ còn có vấn đề liên quan đến chất lượng đào tạo chưa đảm bảo. Đó là có những đề tài nghiên cứu rất "vô bổ" không có lợi ích cho nhiệm vụ phát triển nghiên cứu xã hội.

Bên cạnh đó, báo cáo nghiên cứu khoa học cấp trong nước và ngoài nước thì không có, thậm chí là sao chép. Từ đây rung lên tiếng chuông cảnh tỉnh, về việc cho cán bộ đi học tập nghiên cứu ở nước ngoài phải làm sao đảm bảo chất lượng.

"Phải làm sao để tiến sĩ là tiến sĩ thật, chứ không phải là tiến sĩ giấy", ông Tiến cho hay.

Mạnh Đoàn